Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Những năm qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống của nông dân và cư dân nông thôn được nâng cao về mọi mặt, diện mạo nông thôn có sự thay đổi sâu sắc theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh.
Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. |
Tuy nhiên, với đặc thù của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; cả về mặt khách quan và chủ quan như: Tính phức tạp trong quản lý, sử dụng đất đai; về tích tụ, tập trung đất đai; quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; việc chuyển đổi tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất xanh của người nông dân còn nhiều khó khăn, thách thức; về bảo vệ môi trường nông thôn nhất là trong sản xuất nông nghiệp, về rác thải sinh hoạt, làng nghề khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng của biến đổi khí hậu xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ...
Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: Khu vực nông thôn Việt Nam với hơn 62 triệu người dân đang sinh sống, giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Hội Nông dân Việt Nam đã hình thành tổ chức hội các cấp xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương với số lượng hội viên đông đảo.
Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại diễn đàn. |
Thực tiễn đang đòi hỏi chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; giải quyết tốt các thách thức về ô nhiễm môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bởi đây là những vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Cùng với đó, ước tính lượng phát thải của hoạt động nông nghiệp chiếm khoảng 43% tổng lượng phát thải quốc gia, tương đương 65 đến 150 triệu tấn CO2/năm, đòi hỏi chúng ta cần nỗ lực chung tay cùng bà con nông dân kéo giảm phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu NetZero vào năm 2050.
Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì diễn đàn. |
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết: Đối với xử lý chất thải trong các làng nghề hiện nay vẫn còn hạn chế. Hiện chúng ta có trên 2.000 làng nghề đang phát sinh nhiều chất thải, trong đó có làng nghề truyền thống. Trong luật đã quy định, chính quyền các địa phương đang khuyến khích bà con kinh doanh dịch vụ làng nghề phát đầu tư, xử lý chất thải.
Toàn cảnh diễn đàn. |
Đối với làng nghề phụ gia, nằm trong diện có thể gây ô nhiễm cần đầu tư xử lý chất thải, có công nghệ tái chế thì xử lý hoặc chuyển cho đơn vị khác xử lý. Hiện, các địa phương có chính sách các hộ kinh doanh cá thể chuyển vào khu công nghiệp để xử lý, chính sách này đã được áp dụng rất hiệu quả và xử lý được vấn đề môi trường.
Hiện công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và có thể chia thành các nhóm rác tái chế, rác hữu cơ, nhóm khác. Trong đó khuyến khích địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa không có điều kiện thu gom... chúng ta có thể hướng dẫn thu gom, tái chế rác hữu cơ tại gia đình. Đối với khu đô thị thì cần tập trung thu gom, phân loại, khu nào có khu thu gom sẽ hướng dẫn gia đình thu gom và phân loại xử lý ngay.
Tin, ảnh: LA DUY