Lũ quét lịch sử ở Mù Cang Chải: Nhìn thẳng nguyên nhân từ chính con người

Bình luận · 277 Lượt xem

Lũ quét từng xảy ra nhiều ở Yên Bái, nhưng xảy ra trên phạm vi rộng, khốc liệt và gây thiệt hại lớn như năm nay, thì cần phải nhìn nguyên nhân từ con người.

 

Khắc phục ngay các điểm sạt lở tại Mù Cang Chải

Học sinh vùng lũ quét Mù Cang Chải rộn ràng đón năm học mới

Những vết thương từ lũ quét

Lũ quét là một loại hình thiên tai đặc biệt lớn, xảy ra bất ngờ trên các sông, suối tại miền núi, diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn. Nguyên nhân chính thường là mưa lớn với cường độ cao. Tuy nhiên, lũ quét chỉ thực sự nguy hiểm khi xảy ra ở lưu vực có sườn núi dốc, địa hình bị chia cắt mạnh tạo thành các hẻm, vực sâu, lớp phủ thực vật thưa bị phá hủy.

 

Đặc điểm chính của lũ quét là chứa một lượng vật rắn rất lớn, thường là bùn, đá... nên còn được gọi là lũ bùn đá, rất hay xảy ra ở nước ta; có sức tàn phá rất lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tuy nhiên do năng lực dự báo lũ quét còn hạn chế, dẫn đến bị động trong phòng, chống.

 

Chuyến công tác tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, phóng viên đã trực tiếp chứng kiến cảnh tượng tan hoang và những câu chuyện đau lòng do thiên tai để lại. Những khoảng núi đồi loang lổ, nham nhở do sạt lở đất đá, những bãi đá rộng hàng trăm m2 mới được hình thành, trong đó có những tảng đá lớn bằng con voi, nhiều ngôi nhà của người dân bị san phẳng chỉ sau một đêm. 

 

Tại huyện Mù Cang Chải có 3 người chết do sạt lở đất đá, lũ cuốn trôi; 246 ngôi nhà bị thiệt hại gồm: 58 nhà bị sập đổ, vùi lấp và lũ cuốn trôi hoàn toàn, 136 ngôi nhà bị thiệt hại nặng và 52 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, trường học, viễn thông bị đổ gẫy, chia cắt, đất đá vùi lấp. Ngoài ra, trên 400 con gia súc, 1.300 con gia cầm bị chết, gần 200 ha ngô và cây màu của người dân bị thiệt hại.

 

Bên cạnh những nguyên nhân do thiên nhiên như địa hình đồi núi cao, phân cắt mạnh về địa chất, có nhiều loại đất đá cổ bị đập vỡ nứt nẻ, tạo ra lớp vỏ phong hóa dài. Đây là điều kiện hết sức bất lợi nếu mưa lâu ngày thì nước chứa trong lớp phong hóa này nhão, kéo lực trượt xuống phía dưới. Ngoài ra, cũng phải nhìn nhận đúng mức về những tác động của con người như san ủi để có mặt bằng làm nhà ở sẽ phải thực hiện cắt taluy, tạo ra cắt mất chân sườn dốc. Bên cạnh đó, việc canh tác nông, lâm nghiệp, sử dụng thuốc diệt cỏ hủy hoại thảm thực vật bề mặt cũng là những nguyên nhân “kích hoạt” thiên tai.

 

Mất thảm thực vật do sử dụng thuốc diệt cỏ

Ông Giàng A Dình - Chủ tịch UBND xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải thẳng thắn chia sẻ: Hiện nay trên địa bàn xã có khoảng hơn 420 ha đất trồng ngô. Thời gian gần đây, cứ vào mùa mưa lũ thì tình trạng lũ quét, sạt lở đất xảy ra ngày càng nhiều và tính chất ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn hơn.

 

Bên cạnh những nguyên nhân do mưa kéo dài, lượng mưa lớn thì các biện pháp canh tác nông nghiệp của người dân (trồng lúa nương, trồng ngô sử dụng thuốc diệt cỏ làm hủy hoại thảm thực vật) cũng khiến cho thảm thực bì bị hủy hoại, khi mưa lớn trút xuống gây nên sạt lở.

 

Cũng theo ông Giàng A Dình, chính quyền địa phương hiểu rằng việc trồng ngô là sinh kế của bà con. Do đó, chúng tôi đã tuyên truyền để người dân hạn chế, từng bước nhận thức rõ hơn về tác hại của việc lạm dụng thuốc diệt cỏ trong canh tác cây trồng, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến vì giúp bà con tiết kiệm được công lao động, làm sạch cỏ lâu dài.  

 

Xã Hồ Bốn là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất về nhà ở, cây trồng, vật nuôi trong đợt mưa lũ đầu tháng 8. Ông Giàng A Sỷ - Phó chủ tịch UBND xã Hồ Bốn chia sẻ: Cách đây 30 - 40 năm về trước, ở đây đã từng xảy ra những trận lũ quét lớn, tuy nhiên không có nhiều bùn đất đá và cây cối như năm nay.

 

Trong trận lũ quét này, hàng chục ha ngô, lúa của người dân bị sạt lở, đất đá vùi lấp. Cả xã hiện có khoảng 400 ha ngô và đây cũng là một trong những loại cây trồng chính của người dân. Hiện có gần 100% hộ dân trong xã trồng ngô trên đồi nương và có một phương thức canh tác chung là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ trong sản xuất để giảm chi phí, giảm công lao động. Người dân thường đến các cửa hàng, đại lý ở trung tâm huyện hoặc ở tỉnh Sơn La để mua giống ngô và mua thuốc diệt cỏ, nên công tác quản lý, tuyên truyền của xã cũng khó khăn.

 

Trò chuyện trực tiếp với ông Giàng A Vừ ở xã Lao Chải trên đồi ngô vừa bị sạt lở, phóng viên nhận thấy, bên cạnh những diện tích đất vừa trôi xuống, xung quanh cây ngô rất xanh tốt trong khi hầu hết cỏ dại trên nương đều bị cháy đen. Ông Vừ giãi bày: Nhà ông có khoảng 1 ha ngô, mỗi năm thu được khoảng 20 - 30 bao tải ngô hạt, thu được khoảng 2 tấn. Do diện tích đất rộng, độ dốc cao, rất khó khăn trong công tác chăm sóc làm cỏ nên gia đình đã sử dụng thuốc hoá học để diệt cỏ. Theo ông Vừ cho biết, hiện nay đa phần các hộ dân ở đây đều áp dụng phương pháp này để làm cỏ cho diện tích ngô và không ai quan tâm tới tác hại của thuốc diệt cỏ đối với môi trường sống cũng như chính sức khỏe của mình.

 

Cần hạn chế những tác động xấu của con người

Ông Trần Anh Văn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Yên Bái cho biết thêm: Hiện nay lượng cây rừng có bộ rễ chắc khoẻ để giữ đất không còn nhiều, mưa nhiều bão hòa đất gây sạt. Việc trồng ngô của người dân và sử dụng thuốc diệt cỏ làm mất đi lớp phủ trên mặt đất, cây ngô chu kỳ sinh trưởng ngắn, bộ rễ nông nên sau khi thu hoạch là để lại đất trống.

 

Ngoài ra, tại một số khe núi, bà con còn ngăn thành những ao nhỏ để nuôi cá với kế cấu không vững chắc. Nên khi lượng nước mưa lớn đổ xuống, cộng với đất đá, cây cối đổ gẫy thì lũ quét càng diễn ra với cường độ mạnh hơn.

 

Lượng lớn cây cối, bùn đất, đá nằm ngổn ngang trên tuyến Quốc lộ đoạn qua huyện Mù Cang Chải sau trận mưa lũ. Ảnh: Thanh Tiến.

Lượng lớn cây cối, bùn đất, đá nằm ngổn ngang trên tuyến Quốc lộ đoạn qua huyện Mù Cang Chải sau trận mưa lũ. Ảnh: Thanh Tiến.

 

Việc phá hủy thảm thực vật, gây ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, khi có những trận mưa lớn kéo dài, thiếu thảm thực vật khiến đất đá trôi sạt gây ra lũ bùn, lũ quét làm thiệt hại nặng nề cho chính người dân.

 

Chính vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, các ngành chức năng, chính quyền địa phương và mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng và hạn chế tối đa những hoạt động gây tổn hại đến môi trường.

 

Theo số liệu thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Mù Cang Chải, mỗi năm người dân ở các xã trong huyện gieo trồng trên 4.000 ha ngô. Các diện tích này chủ yếu được canh tác trên đồi nương có địa hình dốc cao. Tập quán canh tác của người dân ở đây vẫn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ để giảm chỉ phí sản xuất, giảm công lao động. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng và chính quyền các xã tuyên truyền về tác hại khi sử dụng các loại thuốc hóa học đối với sức khỏe của con người và môi trường nước, đất, huỷ hoại thảm thực vật. Tuy nhiên vì lợi ích trước mắt mà đồng bào ở đây chưa lường hết được hậu quả lâu dài của phương pháp này.

Bình luận