Tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn

Bình luận · 84 Lượt xem

Xác định tầm quan trọng của tích tụ tập trung đất đai trong phát triển nông nghiệp, huyện Ngọc Lặc đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đến các cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong đ

Theo kế hoạch, giai đoạn 2020-2025 huyện Ngọc Lặc sẽ thực hiện tích tụ 2.830ha đất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, huyện đã giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện từng năm cho các xã, thị trấn; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, nhằm phát huy tối đa lợi thế đất đai, điều kiện tự nhiên và lợi thế vùng; tuyên truyền, vận động nông dân tích tụ ruộng đất, chuyển nhượng, thuê, cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sản xuất vào doanh nghiệp, HTX để phát triển sản xuất. Từ cách làm trên đã hình thành hàng chục mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu theo hướng công nghệ cao, trồng cây dược liệu ở xã Kiên Thọ; trồng măng tây ở xã Ngọc Liên; trồng mít Thái tại xã Quang Trung...

Cánh đồng thôn Minh Hòa, xã Minh Sơn vốn màu mỡ, song xen lẫn địa hình núi thấp nên người dân chỉ canh tác ở những thửa nhỏ với những loại cây trồng truyền thống, hiệu quả kinh tế không được như kỳ vọng. Từ năm 2019, hưởng ứng phong trào tích tụ đất để phát triển nông nghiệp, gia đình anh Nguyễn Trung Dũng đã thầu gần 17ha đất của xã và thuê thầu của người dân địa phương gần 5ha để hình thành vùng sản xuất tập trung. Anh Dũng cho biết đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để san lấp ruộng, đào kênh dẫn nước và cải tạo, bổ sung chất dinh dưỡng cho đất. Từ đó, hình thành được vùng đất rộng khoảng 22ha màu mỡ như ngày nay.

Với diện tích đất tích tụ được, anh Dũng đã thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Minh Sơn để liên kết với Công ty CP Mía đường Lam Sơn sản xuất 17ha mía nguyên liệu ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ 100% và tổ chức sản xuất hơn 2ha na Thái, hơn 2.000m2 nhà màng để sản xuất rau, củ, quả an toàn như dưa Kim Hoàng Hậu, dưa chuột baby... Nhờ áp dụng các công nghệ tưới mặt ruộng, phun sương tiết kiệm nước và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mỗi năm HTX cho doanh thu gần 7 tỉ đồng, trừ chi phí cho lợi nhuận hơn 1,5 tỉ đồng. Không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và hàng chục lao động thời vụ khác, HTX còn góp phần hình thành tư duy sản xuất hiện đại cho người dân địa phương.

Để khuyến khích người dân trong tích tụ, tập trung đất đai, huyện Ngọc Lặc tạo cơ chế thông thoáng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay huyện đã có nhiều dự án nông nghiệp được hình thành, mang lại giá trị kinh tế cao, như: khu liên hợp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện - Thanh Hóa I tại xã Minh Tiến; cụm trang trại liên kết chăn nuôi gà phục vụ chế biến, xuất khẩu theo chuỗi công nghệ cao 4A Minh Tiến; trang trại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp khép kín công nghệ cao Phúc Thịnh...

Theo đánh giá của UBND huyện Ngọc Lặc, cùng với thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, như: hỗ trợ máy nông nghiệp liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ đầu tư hệ thống điện cho các trang trại quy mô lớn, hỗ trợ cho các hộ làm nhà màng, nhà lưới... Từ năm 2019 đến nay, toàn huyện đã tích tụ được hơn 3.297,5ha đất để phát triển nông nghiệp. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 toàn huyện đã tích tụ được 307ha, đạt hơn 80% kế hoạch năm. Việc tích tụ ruộng đất đã và đang góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, bền vững theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả để xây dựng thành công nhiều thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Để nâng cao hiệu quả công tác tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Lặc Phan Thị Hà cho biết: Thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích tụ, tập trung đất đai. Đồng thời, ban hành các cơ chế nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và người dân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Từ đó nâng cao thu nhập, đời sống người dân, góp phần xây dựng Ngọc Lặc trở thành huyện NTM vào năm 2025 và là 1 trong 3 huyện dẫn đầu khu vực miền núi của tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Bình luận