Nhà nông xứ Nghệ bắt nhịp thương mại điện tử

Bình luận · 235 Lượt xem

Nhờ chủ động tiếp cận quảng bá, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, nhiều nông sản của nông dân xứ Nghệ đã thoát cảnh bị ép giá, bán được 'tận ngọn'.

Với nông dân, giao dịch hàng hóa trên sàn thương mại điện tử là một việc làm hoàn toàn mới. Nhưng không vì thế mà không biết, không làm. Cái gì khó thì phải học và chịu khó học thì sẽ làm được. Chính vì vậy, sàn thương mại điện tử đã đến với nông dân Nghệ An. Hiện nay, sàn thương mại điện tử đã và đang mở ra phương thức tiêu thụ hàng hóa trực tuyến cho nhiều loại nông sản của bà con nông dân Nghệ An.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An (thứ 2 từ trái sang) tham quan các sản phẩm OCOP đã được giới thiệu trên mạng thương mại điện tử. Ảnh: Doãn Trí Tuệ.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An (thứ 2 từ trái sang) tham quan các sản phẩm OCOP đã được giới thiệu trên mạng thương mại điện tử. Ảnh: Doãn Trí Tuệ.

Bước chuyển mới cách bán hàng

Nghệ An đất rộng, người đông, sản xuất chủ yếu nông nghiệp và cũng là tỉnh có nhiều sản phẩm nông sản nổi tiếng được nhiều người tiêu dùng biết đến như: Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, cam Vinh (cam xã Đoài), chè gay Anh Sơn, xoài Tương Dương, sen Làng Sen quê Bác, bánh đa vừng và kẹo lạc Đô Lương, bột sắn dây Nam Đàn, nước mắm Vạn Phần (Diễn Châu), lạc sen Nghệ An, rau củ quả Quỳnh Lưu…

Trong số 21 huyện, thành thị, Thanh Chương là huyện có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản nổi tiếng như: Nhút Thanh Chương nổi tiếng khắp cả nước, chè xanh Thanh Chương với hơn 4.200ha là sản phẩm được chế biến và xuất khẩu đi nhiều nước. Trám đen Thanh Chương được muối thành lọ đưa đi bán khắp trong Nam, ngoài Bắc. Gà đồi, dê núi Thanh Chương có mặt ở hầu hết các siêu thị, nhà hàng trong và ngoài tỉnh...

Hiện tại, Thanh Chương đã có 13 sản phẩm đạt 3 – 4 sao OCOP cấp tỉnh. Khác với trước đây các sản phẩm chỉ bán quanh quẩn ở các chợ truyền thống, hiện nay đã có nhiều sản phẩm có mặt trên sàn giao dịch thương mại điện tử Portmart.vn. Người tiêu dùng chỉ cần cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh hoặc vào máy tính có kết nối internet, vào sàn giao dịch thương mại điện tử gõ sản phẩm cần tìm, chỉ sau vài giây đã có ngay hình ảnh sản phẩm đó với đầy đủ thông tin về giá cả, địa chỉ nơi sản xuất, chất lượng sản phẩm…

Thương hiệu nước mắm Vạn Phần của Nghệ An ngày càng được người tiêu dùng biết đến nhờ thương mại điện tử. Ảnh: TL.

Thương hiệu nước mắm Vạn Phần của Nghệ An ngày càng được người tiêu dùng biết đến nhờ thương mại điện tử. Ảnh: TL.

Bà Hồ Thị Quế, chủ cơ sở sản xuất nhút của HTX Sản xuất nhút và đặc sản Thanh Chương cho biết, kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử là cơ hội để các sản phẩm của HTX tiếp cận được với nhiều khách hàng gần xa. Vì vậy, cơ sở đã đăng ký ngay với Bưu điện huyện Thanh Chương để bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử. "Mặc dù mới làm quen với cách bán hàng này, nhưng bước đầu đã có rất nhiều khách hàng đăng ký mua hàng của chúng tôi", bà Quế phấn khởi.

Ông Nguyễn Xuân Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương cho biết, toàn huyện hiện có 11/13 sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh và đã chính thức quảng bá bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đây là hình thức quảng bá bán sản phẩm rất mới đối với nông dân. Vì vậy, các cơ sở sản xuất phải từng bước làm quen, nhất là tạo sự hấp dẫn đối với khách hàng mỗi khi tiếp cận với sản phẩm. Sắp tới, ngoài sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với Bưu điện huyện đưa các sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP lên sàn giao dịch thương mại điện tử để giúp nông dân tiêu thụ nhanh sản phẩm..

Huyện Nghĩa Đàn cũng là địa phương có nhiều sản phẩm rau, củ, quả có chất lượng tốt, được khách hàng gần xa ưa chuộng. Điển hình như ở HTX Nông nghiệp công nghệ cao Hậu Nguyên ở xã Nghĩa An (huyện Nghĩa Đàn) chuyên sản xuất dưa trong nhà lưới. Trước đây, sản phẩm HTX làm ra được tiêu thụ trên thị trường tự do, giá cả không ổn định, thậm chí khó bán do thương lái đến mua trực tiếp ép cấp, ép giá… Gần đây, HTX đã đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử nên sản phẩm sản xuất ra được khách hàng giao dịch, mua bán nhanh chóng với giá cả ổn định.

Nhờ thương mại điện tử và tận dụng mạng xã hội, vụ cam 2021, dù rất khó khăn trong tiêu thụ do dịch Covid-19 nhưng cam Nghệ An vẫn tiêu thụ được thông suốt. Ảnh: BNA.

Nhờ thương mại điện tử và tận dụng mạng xã hội, vụ cam 2021, dù rất khó khăn trong tiêu thụ do dịch Covid-19 nhưng cam Nghệ An vẫn tiêu thụ được thông suốt. Ảnh: BNA.

Để vừa quảng bá các sản phẩm mang tính đặc sản của nông nghiệp Nghệ An, vừa giúp bà con nông dân tiêu thụ các loại hàng hóa nông sản một cách thuận lợi nhất, năm 2021, Sở NN-PTNT Nghệ An đã ký kết thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử Voso.vn của Tập đoàn Viettel.

Thông qua sàn thương mại điện tử này, ngành nông nghiệp Nghệ An đã đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX nông nghiệp đăng ký sản phẩm lên sàn để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, qua đó tiêu thụ sản phẩm nhanh chóng, thuận lợi, tránh được tình trạng ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch và tránh phụ thuộc vào thương lái ép cấp, ép giá. Vụ thu hoạch cam năm 2021, Nghệ An đã thực hiện một số buổi livestream trên mạng xã hội. Thông qua đó, một số lượng lớn cam Vinh ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành… được tiêu thụ nhanh chóng với giá cả hợp lý.

Cần có chương trình dạy nông dân tiếp cận thiết bị số

Theo số liệu cập nhật của Hội Nông dân tỉnh Nghệ An, sau khi hoàn thành các cuộc tập huấn cho hơn 3.500 bà con nông dân trong tỉnh về việc đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, đã có gần 100 sản phẩm OCOP của các địa phương khắp mọi vùng miền trong tỉnh được đưa lên sàn quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng xa, gần. Trong đó có những sản phẩm truyền thống mang tính đặc sản quê hương như: Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, cam Vinh, nước mắm Vạn Phần… được rất nhiều khách hàng gần xa quan tâm, trao đổi và mua bán khá nhiều.

Ông Quán Vi Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, từ chương trình livestream trên mạng xã hội, đã giúp người trồng cam ở huyện biết cách kinh doanh sản phẩm thông qua mạng xã hội cũng như các kênh thương mại điện tử rất thuận lợi, rất hiệu quả so với trước đây bán hàng trực tiếp cho thương lái.

Lạc là một trong số các mặt hàng nông sản có chất lượng của Nghệ An. Ảnh: BNA.

Lạc là một trong số các mặt hàng nông sản có chất lượng của Nghệ An. Ảnh: BNA.

Nhưng, cũng theo ông Giang và nhiều cơ sở sản xuất, bà con nông dân cho rằng, trong quá trình đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, còn gặp một số khó khăn nhất định, cần có kế hoạch và biện pháp giúp bà con nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng một cách dễ dàng. Những khó khăn đó là:

Thứ nhất, hiện tại còn tỉ lệ lớn nông dân chưa biết cách sử dụng các phương tiện thiết bị kỹ thuật số như máy tính để bàn, máy tính xách tay, ipad, mạng internet, điện thoại thông minh (smarphone), wifi tại nhà...

Thứ hai, số người có các phương tiện thông tin được sử dụng các thiết bị kỹ thuật số chưa nhiều và nếu có thì đa số chỉ có điện thoại thông minh để liên lạc và kết nối giao dịch qua kênh sàn thương mại điện tử khi cần thiết.

Thứ ba, các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất ra nhiều, cần được giao dịch trên các phương tiện thiết bị kỹ thuật số để bán hàng thì hầu như đang là sản phẩm thô, sản phẩm tươi sống, sản phẩm chưa được chế biến. Vì vậy việc đóng gói, vận chuyển gặp khó khăn, chất lượng không đảm bảo.

Vì vậy, cần có chương trình hoặc đề án tập huấn rộng rãi cho các cơ sở sản xuất và bà con nông dân biết cách sử dụng các phương tiện thiết bị kỹ thuật số như máy tính để bàn, máy tính xách tay, ipad, mạng internet, điện thoại thông minh, wifi… để ứng dụng vào việc phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như kỹ thuật giao dịch trong kinh doanh trên mạng lưới kỹ thuật số. Đồng thời, tập huấn, hướng dẫn cho người sản xuất biết cách thu hoạch, chế biến, bảo quản, đóng gói… để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, đến kết quả sản xuất kinh doanh.

Bình luận