Nghi vấn nông dân Philippines mua phải vacxin AVAC ASF LIVE giả

Bình luận · 127 Lượt xem

Giám đốc điều hành Công ty KPP Powers Commodities, ông Juancho Robles lưu ý, một số nhóm buôn lậu vacxin ASF tại Philippines đã làm giả nhãn hiệu của Việt Nam.

Dịch tả lợn Châu Phi đang đe dọa ngành chăn nuôi Philippines. Ảnh: The Philippine Star.

Dịch tả lợn Châu Phi đang đe dọa ngành chăn nuôi Philippines. Ảnh: The Philippine Star.

Nhóm nông dân đổ lỗi cho vacxin chợ đen làm lây lan dịch tả lợn châu Phi

Sự bùng phát dịch tả lợn Châu Phi (ASF) trong những tuần qua được ghi nhận tại các tỉnh Oriental Mindoro, Ilocos Sur và Nueva Vizcaya (Philippines). Tình trạng này buộc các đơn vị chính quyền địa phương liên quan phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho ngành chăn nuôi.

Ngày 20/10, Chủ tịch Hiệp hội ngành nông nghiệp Philippines, Rosendo So viết thư cho Thượng nghị sĩ Cynthia Villar và Imee Marcos, kêu gọi điều tra xuất xứ 300.000 liều vacxin ASF trên thị trường, được cho xuất xứ từ Việt Nam.

“Chúng tôi lo ngại vacxin ASF là nguyên nhân của dịch tả lợn Châu Phi trong nước. 300.000 liều vacxin đang được bán trên thị trường cần được khẩn trương điều tra, nếu không dịch sẽ tiếp tục lây lan trên diện rộng”, ông Rosendo So nói.

Ông Rosendo So cũng gửi thư tới Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines, báo cáo sự phổ biến của vacxin ASF được cho là “trái phép” trên thị trường. Ông viết: “Có nhân chứng kể rằng, họ mua vacxin, dùng thử cho lợn và kết quả thật khủng khiếp. Chúng tôi cũng nghe nói về việc sử dụng vacxin ở một số trang trại. Nếu không được kiểm soát, điều tra kịp thời, vacxin có thể biến thành một chất độc hại”.

Ông cũng cho biết, người chăn nuôi lợn không thể chia sẻ kết quả sử dụng vacxin ASF do đã có thỏa thuận không tiết lộ thông tin với nhà nhập khẩu.

Vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE hiện được phân phối tới Philipines, Malaysia, Ấn Độ, Myanmar. Ảnh: Cường Vũ.

Vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE hiện được phân phối tới Philipines, Malaysia, Ấn Độ, Myanmar. Ảnh: Cường Vũ.

Nhà nhập khẩu vacxin ASF: Không có thị trường chợ đen

Công ty KPP Powers Commodities, nhà nhập khẩu, phân phối độc quyền vacxin AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam tại Philippines ngay lập tức phản bác cáo buộc của Chủ tịch Hiệp hội ngành nông nghiệp Rosendo So, cho rằng những thông tin ông đưa ra chưa có cơ sở.

Cố vấn pháp lý và phát ngôn viên của KPP cho biết, đợt bùng phát ASF ở nước này bắt đầu vào năm 2020. Bên cạnh đó, Công ty đã nhận được giấy phép đặc biệt từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) để tiến hành thử nghiệm thực địa ở Philippines.

“Chúng tôi không bán vacxin trên thị trường. Tuyên bố cho rằng vacxin AVAC ASF LIVE là nguyên nhân bùng phát dịch tả lợn Châu Phi là cố tình làm gián đoạn quy trình cấp phép giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm vacxin”, KPP cho biết.

Trên thực tế, ngành nông nghiệp Philippines và chính quyền nhiều địa phương đang cố gắng đẩy nhanh quá trình phê duyệt vacxin, giúp người chăn nuôi lợn vượt qua giai đoạn khó khăn sớm nhất.

Cục Công nghiệp Động vật Philippines đặt mục tiêu nhập khẩu 600.000 liều vacxin ASF trong năm 2023. FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) cũng đã cấp giấy phép nhập khẩu đặc biệt 300.000 liều để thử nghiệm quy mô lớn tại các trang trại đủ tiêu chuẩn.

Vacxin ASF đã trải qua quá trình sản xuất, thử nghiệm nghiêm ngặt tại Việt Nam. Ảnh: Trung Quân.

Vacxin ASF đã trải qua quá trình sản xuất, thử nghiệm nghiêm ngặt tại Việt Nam. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành KPP Juancho Robles khẳng định vacxin AVAC ASF LIVE đã trải qua quá trình sản xuất, thử nghiệm nghiêm ngặt tại Việt Nam tại 550 trang trại với hơn 600.000 liều ở nhiều vùng khác nhau.

“Bộ NN-PTNT, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Tổ chức Thú y thế giới cùng giám sát quá trình này và đánh giá chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Trên thực tế, chính phủ Việt Nam đã cho phép sử dụng vacxin ASF trên toàn quốc kể từ tháng 7 năm 2023.

Những người ủng hộ sử dụng vacxin phòng bệnh xác nhận rằng, chưa có sự cố đáng tiếc nào được báo cáo liên quan đến các thử nghiệm. Dựa trên các quy trình tiêm chủng, việc phân phối vacxin được giám sát chặt chẽ. Các trang trại đăng ký thử nghiệm phải báo cáo cũng như xác nhận việc tham gia”, ông Juancho Robles nói thêm.

KPP cũng lưu ý rằng, một số nhóm buôn lậu vacxin ASF đã làm giả nhãn hiệu của Việt Nam. Giám đốc điều hành cho rằng, nhiều nông dân Philippines không may mắn bị lừa mua phải hàng giả, dẫn đến đàn lợn chết hàng loạt.

Ngày 22/10 tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh), Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam và các đối tác quốc tế vừa chính thức ký kết hợp đồng phân phối sản phẩm vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE với 05 đối tác: Kpp Power Commodities Inc (Philippines), PT Putra Perkasa Genetika (Indonesia), Yenher Agro-Products Snd Bhd (Malaysia), Indian Immunologicals Ltd (India), Earlybirds Delivery service limited (Myanmar).

Bình luận