Bảo vệ và phát triển rừng nhờ sự đồng thuận của người dân

Bình luận · 37 Lượt xem

Huyện Tân Sơn, nơi có Vườn quốc gia duy nhất sở hữu rừng nguyên sinh trên núi đá vôi đã nhận được sự đồng thuận của người dân trong công tác bảo vệ rừng.

Bà con chung tay, góp sức bảo vệ rừng

Tân Sơn là huyện miền núi có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Phú Thọ, trong đó diện tích rừng và đất nông nghiệp chiếm 84%. Ngoài ra, địa phương này còn được thiên nhiên ưu đãi cho 3 loại rừng, gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Bên cạnh đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc tại Tân Sơn chiếm khoảng 70%, đa số là người Mường, người Dao và Mông. Bởi lẽ đó mà công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nơi đây đều có sự chung tay, góp sức của bà con dân bản.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tân Sơn cho biết, diện tích rừng tự nhiên đều được giao khoán cho các gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, các chính sách từ trung ương về đến địa phương đều được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả và tạo được sinh kế cho bà con trong vùng. Đó cũng là động lực giúp huyện Tân Sơn hoàn thành các chỉ tiêu về bảo vệ và phát triển rừng.

Theo ông Vinh, đến thời điểm hiện tại, huyện Tân Sơn đã trồng mới hơn 4.300 ha, đạt 109% so với kế hoạch của cả giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó, trồng rừng gỗ lớn được 3.800 ha, chuyển hóa rừng gỗ lớn được 528 ha. Cùng với đó, Tân Sơn đã có 12.800 ha đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), đạt 48% so với kế hoạch của tỉnh.

“Phú Thọ hiện có 28.000 ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC, trong đó Tân Sơn chiếm 46%. Đây là nỗ lực rất lớn của bà con, cộng đồng dân cư cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành tại địa phương”, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tân Sơn cho biết thêm.

Bà con các dân tộc tại huyện Tân Sơn tích cực tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: Quang Dũng.

Bà con các dân tộc tại huyện Tân Sơn tích cực tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: Quang Dũng.

Giúp người dân sống được từ rừng

Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Tân Sơn, trên địa bàn hiện có gần 18.000 ha rừng tự nhiên đã được giao khoán, trong đó diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng đang giao khoán khoảng 8.000 ha. Riêng Vườn quốc gia Xuân Sơn được giao khoán khoảng 11.000 ha.

“Đối với diện tích giao khoán cho các gia đình, cá nhân và cộng đồng tại các xã vùng 2, vùng 3 sẽ được hỗ trợ 400.000 đồng/ha; vùng 1 được hỗ trợ 200.000 đồng/ha. Còn đối với Vườn quốc gia Xuân Sơn, do là đơn vị sự nghiệp, phải quản lý nhiều diện tích rừng tự nhiên. Tuy nhiên, theo quy định thì mới chỉ được hỗ trợ 100.000 đồng/ha. Đó cũng là khó khăn cho đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này”.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Trần Ngọc Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Sơn cho rằng, ngoài những chính sách liên quan tới việc hỗ trợ người dân trong quản lý, bảo vệ rừng thì cũng cần tạo được sinh kế cho bà con dưới tán rừng. Ví dụ như phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hay trồng các loại cây dược liệu, rau và vật nuôi đặc sản. Từ đó tạo nền tảng vững chắc để người dân yên tâm giữ rừng và sống được từ những cánh rừng.

“Vườn quốc gia Xuân Sơn có một xã nằm trong vùng lõi, chính vì thế chúng tôi rất mong muốn bà con tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng và kinh doanh dưới tán rừng. Cùng với đó, chúng tôi cũng luôn ủng hộ người dân trong việc đi tuần tra rừng cũng như chi trả tiền khoán bảo vệ rừng. Tuy nhiên do nguồn lực vẫn còn hạn chế. Hy vọng sắp tới đây sẽ có những chính sách mới đối với vườn quốc gia và bà con sẽ có thêm một số khoản thu nhập để cải thiện kinh tế gia đình, cũng như giúp cho sự nghiệp bảo vệ rừng, bảo tồn hệ động thực vật của Vườn quốc gia Xuân Sơn”, ông Cường chia sẻ.

Bình luận