Xã Hồ Đắc Kiện có diện tích đất trồng lúa nước là 3.086ha, nông dân thường gieo trồng từ 2 - 3 vụ/năm, với nhiều loại giống lúa khác nhau. Hiện nay, nông dân đã thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, manh mún, sử dụng máy móc, giảm sức lao động, nâng cao năng suất lúa. Song hành với nông dân, thời gian qua, Hội Nông dân xã Hồ Đắc Kiện đã chủ động tuyên truyền, vận động và hướng dẫn cho nông dân thực hiện theo mô hình sản xuất tập trung để dễ dàng trong việc áp dụng cơ giới hóa và các khâu canh tác lúa; đồng thời chọn những giống lúa có năng suất cao, phù hợp với vùng đất để gieo trồng nhằm đáp ứng được với thị trường vừa nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Phạm Trung Khoa - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến, xã Hồ Đắc Kiện cho biết: “Đầu năm 2017, HTX được thành lập, với 218 thành viên. Lúc đầu, HTX cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn sản xuất, kiến thức điều hành, đặc biệt là khâu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Nhưng với sự quyết tâm cao của Hội Nông dân xã Hồ Đắc Kiện, cùng với Ban Giám đốc HTX và các thành viên đã không ngại khó khăn, thách thức cùng nhau tìm ra giải pháp để đưa hoạt động của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến đi vào nề nếp, các hoạt động đều đảm bảo đúng Luật HTX, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: giống, kỹ thuật canh tác, máy móc phục vụ sản xuất…”.
Cùng với sự quyết tâm đó, HTX cũng đã được Dự án VnSAT đầu tư trên 9 tỷ đồng xây đường giao thông, nhà kho và lò sấy để phục vụ cho xã viên. Các thành viên trong HTX cũng tự nguyện góp vốn trên 400 triệu đồng mua đất cất nhà kho. Trong quá trình hoạt động, Ban Giám đốc phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân xã và các ngành chức năng mở các lớp tập kỹ thuật trồng lúa năng suất cao, trồng lúa theo hướng hữu cơ, tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”. Chọn các phương tiện phục vụ nông nghiệp ngày một hiện đại hơn, chọn điểm làm mô hình trình diễn, như: làm đất, sạ cụm, canh tác theo hướng hữu cơ, phun xịt thuốc bằng máy bay, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp… được 100% thành viên áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả rất cao.
Theo ông Lê Bé Hùng - thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến, từ khi tham gia vào HTX, ông được hưởng nhiều quyền lợi, được tập huấn và tham gia nhiều mô hình trình diễn cho nông dân trong vùng dự án về mô hình sản xuất lúa. Đặc biệt, các chi phí đầu tư vào sản xuất lúa được giảm do được mua phân bón, thuốc với giá cả hợp lý, sản phẩm làm ra được bao tiêu, ông cảm thấy rất vui mừng.
Hằng năm, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến có lợi nhuận từ 500 - 600 triệu đồng, có hạch toán kinh phí và phần lợi nhuận được công khai, minh bạch và chia đều cho thành viên tham gia góp vốn. Việc hình thành HTX và liên kết sản xuất giúp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho từng thành viên; đảm bảo được chất lượng và số lượng cho khách hàng; ký hợp đồng đầu ra, sản xuất quy mô lớn; phát triển sản xuất, kinh doanh một cách bền vững.
Đồng chí Nguyễn Minh Luân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết: “Hiện toàn huyện có 18 HTX liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho nông dân. Thời gian qua, phòng đã tăng cường tổ chức hơn 270 lớp tập huấn về Luật HTX năm 2012, với hơn 8.600 người tham dự, phòng chống hạn, mặn, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, mô hình lúa an toàn tại các xã, thị trấn. Thực hiện nội dung hỗ trợ thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc tại HTX, triển khai xây dựng mô hình “Cánh đồng sản xuất thông minh” tại HTX Nông nghiệp Phước An, với diện tích 65ha; dự án cơ giới hóa đồng bộ, dự án phát triển làng nghề gắn với định hướng về phát triển du lịch sinh thái. Thời gian tới, phòng tiếp tục xây dựng các mô hình HTX trở thành kiểu mẫu ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, liên kết với HTX; thường xuyên kịp thời khen thưởng, tôn vinh và nhân rộng HTX hoạt động hiệu quả”.