Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu “Dược liệu Khoái Châu”

Bình luận · 278 Lượt xem

Vừa qua hàng trăm hộ nông dân trồng dược liệu ở huyện Khoái Châu đã thống nhất với đơn vị tư vấn về bộ tiêu chí, quy chế quản lý và sử dụng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể "Dược liệu Khoái Châu".

Huyện Khoái Châu ngoài những sản vật nổi tiếng như nghệ Chí Tân, chuối tiêu hồng, gà Đông Tảo còn được coi là vùng dược liệu lớn của cả nước. Người dân Khoái Châu đã trồng dược liệu với diện tích rất lớn và thu mua để sản xuất kinh doanh rất nhiều. Tuy nhiên, trong thời gian qua, người dân trong huyện mới chỉ chú tâm đến việc trồng, sản xuất, chế biến làm sao cho sản phẩm được tốt chứ chưa chú ý đến việc phát triển thương hiệu.

 

Để gìn giữ và phát triển sản phẩm có thế mạnh của địa phương, UBND tỉnh Hưng Yên đã giao cho Công ty TNHH Nghiên cứu, ứng dụng và quản lý khoa học công nghệ Trí tuệ Việt Nam (Vinaintech) thực hiện dự án: Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Dược liệu Khoái Châu – Hưng Yên" dùng cho các sản phẩm dược liệu của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Dự án triển khai từ đầu năm 2023.

 

Theo đơn vị tư vấn Vinaintech, bộ tiêu chí chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể "Dược liệu Khoái Châu" gồm các tiêu chí về nguồn gốc, xuất xứ, tính pháp lý và các tiêu chí về chất lượng của sản phẩm. Bộ tiêu chí được xây dựng trên kết quả điều tra hiện trạng của vùng trồng, chế biến, kinh doanh sản phẩm dược liệu Khoái Châu. Bộ tiêu chí này cũng được đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, đại diện các tổ chức, các cơ quan quản lý cấp tỉnh và cấp huyện, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở trồng, chế biến và kinh doanh dược liệu trên địa bàn huyện Khoái Châu. Về cơ bản, các hộ dân trồng dược liệu tại huyện Khoái Châu đều nhất trí với bộ tiêu chí này.

 

Đơn vị tư vấn cũng đã soạn thảo các nội dung liên quan đến quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể "Dược liệu Khoái Châu" và nhận được sự đồng tình của các hộ nông dân. Các hộ nông dân đều mong muốn sau này nhãn hiệu tập thể "Dược liệu Khoái Châu" được bảo hộ sẽ góp phần quản lý chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Bà Vương Thị Thanh Trì - Giám đốc Vinaintech cho hay, dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Dược liệu Khoái Châu " nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín và danh tiếng của sản phẩm. Đồng thời, xúc tiến thương mại cho sản phẩm, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị sản phẩm dược liệu của địa phương. Bên cạnh đó, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng đóng góp vào ngân sách địa phương góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện Khoái Châu nói riêng và của tỉnh Hưng Yên nói chung.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khoái Châu cho biết, tuy dược liệu ở Khoái Châu đã được nhiều người tiêu dùng biết đến nhưng hiện chưa có nhãn hiệu để nhận diện và bảo hộ. Chính vì vậy, việc nhận diện thương hiệu và bảo hộ thương hiệu dược liệu Khoái Châu sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi người trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh. Đồng thời, tạo niềm tin, uy tín của sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Hiện nay, toàn huyện có trên 470ha trồng cây dược liệu gồm: Nghệ, địa liền, ngưu tất, cỏ ngọt, bạc hà, húng quế... tập trung ở các xã: Chí Tân, Tân Dân, Bình Minh, An Vĩ, Tứ Dân... 

Bình luận