Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

Bình luận · 220 Lượt xem

Chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Hiện nay, nhiều địa phương đang tích cực đẩy mạnh c


Trồng cà chua bi ứng dụng công nghệ cao tại Công ty Dalat GAP tại xã Đar Nghịch, huyện Lạc Dương, Đà Lạt, Lâm Đồng

 

Hiện nay, thực hiện chuyển đổi số được áp dụng ở các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp mang lại những kết quả khả quan. Trong đó, các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nước, phân bón... để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo điều kiện tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào môi trường, thời tiết, đồng thời kiểm soát dịch, bệnh trong sản xuất.

Cơ hội chuyển đổi sang nền nông nghiệp tiên tiến

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, thời gian qua, việc số hóa trong từng khâu sản xuất hoặc số hóa hoàn toàn được nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng. Chuyển đổi số trong sản xuất không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh và cũng là cơ hội để thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả, thiếu chuỗi liên kết sang nền nông nghiệp tiên tiến.

Cũng từ đó, người sản xuất có thể kiểm soát được thời gian thu hoạch, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Nhiều cơ sở sản xuất, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số trong chăm sóc, theo dõi, quản lý bằng công nghệ thông tin qua điện thoại, máy tính, sản phẩm được đăng ký tem, mác, mã số, mã vạch, thuận tiện giao dịch, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh có 71 vùng trồng rau màu chuyên canh với quy mô từ 5 ha trở lên, 24 vùng cây ăn quả tập trung quy mô 2 ha và hơn 40 ha diện tích nhà màng, nhà kính sản xuất rau, hoa cao cấp.

Tại các vùng sản xuất tập trung đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới thông minh, quy trình canh tác tiên tiến. Ðối với sản xuất lúa, nhiều địa phương đã đưa thiết bị bay không người lái phục vụ khâu bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật... góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giảm tiếp xúc trực tiếp với hóa chất bảo vệ sức khỏe người dân. Hết năm 2022, toàn tỉnh có hơn 100 ha lúa và vụ đông xuân năm 2022-2023 có hơn 250 ha lúa được phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân bằng thiết bị bay không người lái.

Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, thành phố Hà Nội xác định thực hiện phải dựa trên nền tảng dữ liệu; tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như: Ðất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản...; phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; đồng thời cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, đến nay trên địa bàn có nhiều mô hình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả như: Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ thực hiện quản lý và sản xuất với diện tích 70 ha. Hợp tác xã trồng lúa, bưởi hữu cơ và rau an toàn ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý giám sát vùng sản xuất với quy mô 20 ha. Camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng giúp cập nhật thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc, quy trình sản xuất lúa hữu cơ. Các camera ghi lại và lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất và người tiêu dùng có thể kiểm chứng qua trích xuất hình ảnh.

Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của Hà Nội có quy mô sản xuất 17,8 ha. Hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi số trong hai lĩnh vực là: Ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và cụm công nghệ eGap. Qua đó giúp sản phẩm của Hợp tác xã đã vào được các kênh phân phối uy tín với giá bán rau ổn định hơn so với bán ở chợ.

Nhận thấy, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu tạo ra giá trị gia tăng mới cho nông sản, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với nông dân, tỉnh Hải Dương đã và đang thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp khá hiệu quả. Tỉnh đưa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương lên các nền tảng số giúp nông sản tiêu thụ dễ dàng và vẫn giữ được giá. Ðến nay, gần 600 sản phẩm nông sản của Hải Dương được bày bán trên các sàn thương mại điện tử; hơn 108 nghìn hộ sản xuất có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 117 nghìn hộ được đào tạo kỹ năng số...

Nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Chuyển đổi số trong nông nghiệp tại các địa phương còn nhiều khó khăn, trong đó tại Bắc Ninh, việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh do còn mới cho nên nhận thức của hầu hết doanh nghiệp, cơ sở và nhất là nông dân còn hạn chế. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) hạn chế; việc ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số.

Còn tại Hải Dương, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp điều kiện sản xuất ở nhiều nơi còn bất cập; việc tích hợp giữa sản xuất và lưu thông dựa trên hệ thống chợ thương mại điện tử, thông minh và các ứng dụng logistics chưa cao; các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế; nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ số của người nông dân chưa cao.

Ðể việc chuyển đổi số trong nông nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực hơn, theo đại diện Trung tâm Khuyến nông các địa phương: Lâm Ðồng, Bắc Ninh, Hà Nội... thời gian tới cần thiết lập nền tảng dữ liệu về diện tích, sản lượng cây trồng, xây dựng bản đồ số vùng trồng các cây trồng chính để khai thác, sử dụng trong công tác quản lý nhà nước, dự báo và phát triển thị trường tiêu thụ; xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; số hóa quy trình cấp để triển khai cấp mã số vùng trồng trực tuyến; phát triển ứng dụng công nghệ thông minh, phát triển hạ tầng internet vạn vật để phân tích, hỗ trợ giai đoạn sinh trưởng của cây trồng như: Cảm biến vi khí hậu; giám sát độ ẩm; điều tiết và tiết kiệm lượng nước tưới; thiết lập hệ thống dữ liệu và bản đồ số về diện tích, chủng loại và sản lượng các cây trồng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hữu cơ.

Mặt khác, cần nâng cao nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp và nhất là người dân về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp; nâng cấp và tiến tới xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại và đồng bộ; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người nông dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin; đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân; nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện cho việc tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật số vào lĩnh vực nông nghiệp./.

 

(Nhân Dân)

Bình luận