Từ nhiều năm nay, để nông dân được tiếp cận với những giải pháp khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã tổ chức cho hàng ngàn lượt nông dân trên địa bàn tham dự tập huấn các nội dung về ứng dụng IMO và MEVI xử lý rác hữu cơ, phụ phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nhà nông làm nông nghiệp sạch
Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Vĩnh Cửu, đến nay trên địa bàn huyện đã diễn ra nhiều buổi tập huấn ứng dụng IMO và MEVI xử lý rác hữu cơ, phụ phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hàng ngàn nông dân. Việc ứng dụng các giải pháp khoa học trong sản xuất nông nghiệp giúp nông dân tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp và rác thải hữu cơ. Bên cạnh đó, nông dân cũng giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, thương mại và dịch vụ Tâm Minh Quang (tại xã Tân An) Nguyễn Văn Dũng cho biết, HTX hiện có 35 hécta đất sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Vì thế, hàng năm, HTX Tâm Minh Quang bán ra thị trường hàng trăm tấn lúa, rau củ sạch. Ngoài ứng dụng quy trình sản xuất hữu cơ tại trang trại, HTX còn quan tâm đến việc tạo dựng nền nông nghiệp bền vững qua việc đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Bên cạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi theo hướng xanh, tuần hoàn, trên địa bàn huyện còn có các trang trại nuôi heo theo mô hình khép kín, ít gây ô nhiễm môi trường. Đại diện Công ty TNHH Velmar ở ấp 5, xã Vĩnh Tân cho biết, trại chăn nuôi của công ty khoảng 20 ngàn con heo. Mỗi ngày, hệ thống xử lý nước thải của trang trại xử lý khoảng 100m3. Nước thải sau xử lý đạt chuẩn cột A của Bộ Tài nguyên và môi trường nên được tái sử dụng để xịt rửa chuồng, tắm heo, tưới cây.
Vĩnh Cửu hiện có nhiều nông dân tích cực trong ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp. Những giải pháp thiết thực như: sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng xử lý nước thải, nông dân sử dụng các thiết bị tiên tiến trong chăm sóc vườn cây vừa bảo đảm an toàn sức khỏe, vừa tiết kiệm chi phí đầu vào…
Trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản của huyện Vĩnh Cửu thực hiện gần 694 tỷ đồng, đạt 22,2% kế hoạch và tăng trên 4,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh
Huyện Vĩnh Cửu hiện có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 14,2 ngàn hécta. Theo chương trình khuyến khích các địa phương chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang hướng sản xuất theo hướng hữu cơ của tỉnh, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu ứng dụng tốt các giải pháp bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; xử lý rác thải, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường xanh.
Với lĩnh vực chăn nuôi, những trang trại không phù hợp quy hoạch, có nguy cơ gây ô nhiễm buộc phải di dời hoặc tạm dừng hoạt động. Theo UBND huyện Vĩnh Cửu, toàn huyện có gần 270 trang trại chăn nuôi, trong đó có 255 hộ chăn nuôi nằm trong khu vực dân cư hiện hữu. Đến nay, 150 cơ sở đã ngưng chăn nuôi và 105 cơ sở đã cam kết ngưng nuôi trước ngày 1-1-2025.
Vườn bưởi sạch của nông dân tại xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: N.Liên |
Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Đức Nam cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 238 hécta cây trồng ứng dụng IMO và MEVI để ủ phân hữu cơ, làm thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong các vườn bưởi, xoài, cam, quýt... Ngoài lĩnh vực trồng trọt, Vĩnh Cửu còn có hơn 30 hộ chăn nuôi, trang trại ứng dụng IMO để xử lý môi trường chăn nuôi, giảm mùi hôi do chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, xanh để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hướng đến đưa nông sản xuất khẩu và chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng. Đồng thời, góp phần vào bảo vệ môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
Ngọc Liên