Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tham gia đoàn chính thức tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các sự kiện cấp cao liên quan diễn ra từ ngày 4-7/9, tại thủ đô Jakarta, Indonesia.
Trong thời gian vừa qua, Bộ NN-PTNT đã tích cực tham gia các cuộc họp và làm việc với đối tác các nước ASEAN để đề xuất một loạt văn kiện cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 thông qua như Tuyên bố của các Lãnh đạo ASEAN về Tăng cường an ninh lương thực và dinh dưỡng để ứng phó với khủng hoảng và Tuyên bố Lãnh đạo ASEAN về Chống chịu bền vững.
Đồng thời, Hội nghị sẽ xem xét ghi nhận Khuôn khổ mạng lưới làng ASEAN. Hội nghị Cấp cao ASEAN -Trung Quốc lần thứ 26 xem xét thông qua Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về Tăng cường hợp tác nông nghiệp và ghi nhận Kế hoạch hành động ASEAN - Trung Quốc về Phát triển nông nghiệp xanh 2023-2027, Năm ASEAN - Trung Quốc về hợp tác phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực.
ASEAN cũng đang triển khai thực hiện các hoạt động ưu tiên của Khung an ninh lương thực chung ASEAN (AIFS) và Kế hoạch hành động chiến lược về an ninh lương thực ASEAN (SPA-FS) 2021-2025. Đồng thời, tiếp tục các hoạt động ưu tiên để đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng; phát triển nông nghiệp bền vững và tuần hoàn; giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp độc hại và đốt cây trồng; thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên; khử các bon; nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo tài nguyên đất và nước bền vững cho nông nghiệp, thúc đẩy việc nông nghiệp số; đầu tư có trách nhiệm cho nông nghiệp trong đó có đầu tư theo hình thức đối tác công tư...
Hợp tác nông lâm nghiệp ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) triển khai thực hiện Chiến lược Hợp tác ASEAN +3 (APTCS) 2016-2025 thông qua thực hiện thành công các hoạt động, sáng kiến, dự án của các nước ASEAN+3 bao gồm cải thiện bền vững chuỗi cung lương thực thực phẩm; hỗ trợ phát triển nông nghiệp xanh và bền vững; ứng dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên trong nông nghiệp; hợp tác biến đổi khí hậu; thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn và năng lượng sinh khối; đảm bảo an ninh lương thực và an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, các dự án hợp tác và cùng hành động còn hướng tới giảm nghèo đói; quản lý dịch hại động thực vật, dịch bệnh động vật xuyên biên giới; tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu; quản lý hợp lý nước nông nghiệp và quản lý rừng bền vững; thủy sản bền vững; tăng cường năng lực cho cán bộ về trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật và thủy sản; nâng cao năng suất cây trồng; chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, chế biến; chia sẻ thông tin.
Hợp tác nông nghiệp ASEAN+3 đang triển khai có hiệu quả Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR) để ứng phó với thiên tai khẩn cấp, nhất là trong đại dịch Covid-19; triển khai Hệ thống thông tin an ninh lương thực ASEAN+3 (AFSIS) để cung cấp các dữ liệu cần thiết cũng như thông tin cảnh báo sớm giúp nâng cao theo dõi giá lương thực và rủi ro thị trường, chia sẻ thông tin thị trường và cảnh báo người tiêu dùng.
Việt Nam tham gia tích cực vào tất cả các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp ASEAN, đóng góp rất lớn vào an ninh lương thực và dinh dưỡng ASEAN, góp phần vào phát triển nông nghiệp bền vững và tuần hoàn của ASEAN. Việt Nam đã chủ động khởi xướng và tham gia vào nhiều sáng kiến nông lâm nghiệp ASEAN, nhất là Khung an ninh lương thực chung ASEAN (AIFS) và Kế hoạch hành động chiến lược về an ninh lương thực ASEAN (SPA-FS) 2021-2025. Việt Nam cũng đã khởi xướng chiến lược khu vực ASEAN về thúc đẩy năng lượng sinh khối, và sáng kiến phát triển cộng đồng và làng nghề nông thôn ở khu vực ASEAN.
Chiều 6/9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có buổi gặp và làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Syahrul Yasin Limpo và Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia Sakti Wahyu Trenggono