Làm nông nghiệp thông minh

Bình luận · 5 Lượt xem

Vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ tại miền Tây xứ Nghệ đã và đang trở thành vùng sản xuất nông nghiệp điển hình về ứng dụng công nghệ cao.

Về huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, đi dọc đường mòn Hồ Chí Minh vào những ngày cận Tết, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ. Những cánh đồng hoa hướng dương trải ra hút tầm mắt, nằm giữa một bên là núi xanh biếc, một bên là sông Sào mênh mông.

Đổi Thay

Trên những cánh đồng cỏ, ngô và hoa hướng dương bát ngát là các hệ thống máy móc hiện đại phục vụ quy trình trồng trọt, chăn nuôi của những nhà máy thuộc Tập đoàn TH. Đó là hệ tưới nước Pivot hiện đại hàng đầu thế giới với những cánh tay "khổng lồ" đang phun dòng nước mát tưới cho cánh đồng bạt ngàn; là những máy thu hoạch cỏ cỡ lớn có năng suất làm việc bằng hàng trăm người làm thủ công.

Duc Ngoc - bai tập đoàn TH 1.jpg

Trò chuyện với chúng tôi bên cạnh những chiếc máy thu hoạch cỏ đang chạy hết công suất để phục vụ đàn bò sữa, ông Dương Tiến Lực, cán bộ quản lý vận hành bộ phận trồng trọt Công ty CP Thực phẩm sữa TH, chia sẻ: "Tại trang trại của chúng tôi, từ khâu làm đất, gieo hạt, chăm sóc tới thu hoạch cỏ cho bò ăn đều sử dụng công nghệ, máy móc hiện đại".

Ngoài quy hoạch vùng nguyên liệu thì nhiều năm nay, Tập đoàn TH còn hướng dẫn, liên kết với nông dân để trồng ngô, cỏ theo tiêu chuẩn canh tác sạch, bao tiêu sản phẩm. Mỗi năm doanh nghiệp này chi ra hơn 100 tỉ đồng thu mua nguyên liệu của hàng ngàn nông dân trong vùng dự án. Nhờ vậy, đời sống của người nông dân ở vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ khá hẳn. Nhiều hộ đã thoát cảnh nghèo khó, vươn lên làm giàu tại vùng đất quê hương.

Đứng cạnh hàng chục nhân công được thuê để thu hoạch ngô, ông Kiều Ngọc Kết (xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn) tâm sự: "Trước đây, trồng ngô, mía đầu ra không ổn định, quanh năm rơi vào cảnh được mùa - mất giá nên người nông dân như chúng tôi khổ lắm. Bắt đầu từ năm 2011, nhờ việc trồng ngô cho nhà máy TH mà gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong vùng có cuộc sống khá hẳn lên với thu nhập ổn định".

Được biết, sau hơn một thập kỷ từ khi những nhà máy của TH đi vào hoạt động, các dự án của TH đã tạo nên bước đột phá lớn trong phát triển kinh tế của huyện Nghĩa Đàn cũng như tỉnh Nghệ An.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An, cho biết tỉnh đã xác định mục tiêu là phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, để vừa phát huy được kinh tế nông nghiệp vừa giữ gìn môi trường sống. Trong 5 năm trở lại đây, tăng trưởng nông nghiệp của Nghệ An cao gấp 1,5 lần bình quân tăng trưởng GDP nông nghiệp cả nước, trong đó sản xuất công nghệ cao chiếm tỉ lệ lớn. Trong các doanh nghiệp công nghệ cao đóng góp vào sự tăng trưởng của Nghệ An, Tập đoàn TH luôn là doanh nghiệp dẫn đầu.

Tiên phong

Năm 2009, Tập đoàn TH bắt đầu đầu tư vào huyện Nghĩa Đàn với dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung công nghệ cao, tổng vốn đầu tư 1,2 tỉ USD. Dự án có đàn bò gần 70.000 con, nhà máy sữa hiện đại, công suất chế biến đạt hơn 1 triệu lít sữa/ngày. Năm 2020, TH xác lập kỷ lục "Cụm trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao khép kín quy mô lớn nhất thế giới" và đến nay vẫn giữ vững kỷ lục này.

Duc Ngoc - bai Tap doan TH 2.jpg

Trang trại của Tập đoàn TH tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An

Sau gần 15 năm, tại huyện Nghĩa Đàn đã hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao khép kín - "Từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch". Theo đó, tại các trang trại của Tập đoàn TH, phế phẩm đầu ra của công đoạn này là tài nguyên đầu vào của công đoạn khác. Thay vì thải bỏ, nhiều tài nguyên được tuần hoàn để tiếp tục tạo ra các giá trị mới, qua đó giảm khai thác tài nguyên, giảm phát thải, giảm ô nhiễm môi trường.

Ông Phạm Vinh Sơn, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Phân bón Xanh thuộc Tập đoàn TH, cho biết trong các trang trại TH, mọi phế phẩm đầu ra của công đoạn này đều là đầu

vào của công đoạn khác. Cụ thể, chất thải từ quá trình chăn nuôi sau khi được xử lý đạt chuẩn trở thành chất đệm sinh học phục

vụ trang trại và phân bón hữu cơ tự nhiên chất lượng cao quay trở lại phục vụ các cánh đồng nguyên liệu cũng như cung ứng ra thị trường.

Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, cho biết trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt nhiều thách thức về môi trường thì chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần phải gắn chặt và tương hỗ lẫn nhau để tạo ra một nền kinh tế bền vững, có lượng phát thải thấp và theo hướng tuần hoàn. Ở Tập đoàn TH, công nghệ số và mô hình kinh tế tuần hoàn - kinh tế xanh đã được thực hiện ngay từ khi khởi dựng doanh nghiệp và là 2 tiến trình có sự kết nối chặt chẽ. Chính công nghệ số và công nghệ cao ngay từ đầu đã góp phần làm cho kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững ở TH được thực hiện một cách hiệu quả.

"Việc áp dụng các công nghệ số và mô hình kinh tế xanh - tuần hoàn giúp chúng tôi không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tối ưu hóa chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn và tăng cường lòng tin của người tiêu dùng" - ông Hải khẳng định.

Họ nói về TH

Tập đoàn TH (sở hữu thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK) đã được vinh danh trong Top 10 Thương hiệu mạnh - Tăng trưởng xanh 2024.

Hội đồng bình chọn nêu lý do lựa chọn TH: "Công ty CP Tập đoàn TH tiên phong thực thi kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên nền tảng phát triển bền vững. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khoa học quản trị, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vào quy trình sản xuất - kinh doanh để mang tới sản phẩm chất lượng quốc tế đồng thời bảo đảm lợi ích cho các bên liên quan, trong đó các yếu tố quan trọng hàng đầu là môi trường và cộng đồng".

Bình luận