Quảng Trị hướng mục tiêu hơn 8.000ha trẩu gắn với chế biến sâu

Bình luận · 197 Lượt xem

Không thuộc cây lâm nghiệp chính nhưng cây trẩu giữ vị thế rất quan trọng với vai trò phòng hộ, tạo sinh kế cho đồng bào Pako Vân Kiều ở vùng cao Quảng Trị.

Hạt trẩu chưa bao giờ ế

Ông Nguyễn Tân Hiếu, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa nói với chúng tôi: “12 năm tôi công tác tại địa bàn huyện Hướng Hóa, hạt trẩu chưa ế bao giờ. Người dân nhặt được bao nhiêu, tư thương đều đến tận nhà thu mua hết”.

Câu nói của ông Hiếu khiến chúng tôi tò mò và quyết định lên đường. Các xã Hướng Linh, Hướng Tân, Hướng Phùng là nơi tập trung diện tích cây trẩu lớn nhất của huyện Hướng Hóa. Hai bên tuyến đường nối QL9 vào đèo Sa Mù, trẩu mọc miên man từ chân dốc tới đỉnh đồi. Trẩu mọc xen, trẩu được trồng phân tán, trồng tập trung trên nương rẫy của đồng bào. Trẩu được Ban quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông trồng xen cùng với sáo đen, thông. Đâu đâu cây trẩu cũng hiện diện…

Hạt trẩu chưa ế bao giờ. Ảnh: Võ Dũng.

Hạt trẩu chưa ế bao giờ. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hiếu cho biết thêm, vài năm lại đây, trong các chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc, nhiều tổ chức phi chính phủ cũng đã hỗ trợ người dân trồng trẩu. Do cây trẩu phù hợp với vùng đất này nên hiệu quả của việc phủ xanh đất trống đồi trọc rất rõ rệt. Cây trẩu cũng tạo những điểm nhấn cho nông thôn các xã phía bắc huyện Hướng Hóa.

Cây trẩu rất phù hợp với lập địa các xã phía bắc Hướng Hóa và một số xã của huyện Đakrông. Vào mùa xuân, nếu đi từ trung tâm huyện vào đến đèo Sa Mù, hai bên đường hoa trẩu nở trắng, rất bắt mắt. Đến mùa thu, từng đoàn người là đồng bào các dân tộc thiểu số của huyện Hướng Hóa kéo nhau vào rừng nhặt quả trẩu bán cho thương lái. Có rừng trẩu, đồng bào có thêm nguồn thu nhập.

Nói về chức năng phòng hộ của cây trẩu, ông Bùi Văn Thình, Phó Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông khẳng định, những khu rừng có cây trẩu mọc phân tán hoặc trồng tập trung 10 năm nay không xẩy ra cháy rừng. Theo lý giải của ông Thình, dầu trẩu chỉ có trong hạt; lá trẩu rụng xuống tạo thành lớp thực bì dày; rễ trẩu mọc sâu và tạo ra những khu rừng có độ ẩm rất cao. Vì thế, cây trẩu không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà còn giữ vai trò phòng hộ rất quan trọng.

Vào mùa xuân, tuyến đường nối QL9 vào đèo Khe Mù ngập tràn hoa trẩu. Ảnh: Võ Dũng.

Vào mùa xuân, tuyến đường nối QL9 vào đèo Khe Mù ngập tràn hoa trẩu. Ảnh: Võ Dũng.

Về nguồn gốc của cây trẩu ở vùng đất này, ông Hồ Văn Đeng, thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng cho rằng, trước đây, người Pháp đã đem cây trẩu về trồng tại các xã phía bắc Hướng Hóa để khai thác dầu. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, cây trẩu phát triển rồi phát tán gần như hầu hết các khu rừng trong vùng. Bẵng đi một thời gian, cây trẩu không được chú ý, nhiều hộ đã chặt cây trẩu bán gỗ dăm, gỗ làm cốp pha. Nhưng khoảng 10 năm lại đây, tư thương thu mua hạt trẩu với số lượng không giới hạn, nhiều hộ đã quay trở lại trồng trẩu.

“Hồi trước, bố cắt nhiều cây trẩu to để bán gỗ nhưng 3 năm trước đã trồng lại 1ha, nay đã có quả bói. Cây trẩu dễ trồng, có thể ươm hạt hoặc vào rừng đào cây nhỏ về trồng. Hạt trẩu bán rất dễ, đi nhặt về là có người đến tận nhà thu mua”, ông Đeng cho hay.

Trời đầu thu hửng nắng, ông Hồ Xuân Nhàn, một chủ thu mua hạt trẩu tại thôn Đại Độ, xã Hướng Phùng đổ những bao tải hạt trẩu vừa thu mua ra phơi. Ông Nhàn cho hay, hiện nay, nhu cầu hạt trẩu rất lớn, có bao nhiêu ông đều thu mua hết. Giá hạt trẩu tươi tại thời điểm này dao động 6 - 8 nghìn đồng/kg, đem về phơi khô ông Nhàn nhập cho các đầu nậu lớn với giá 16  - 17 nghìn đồng/kg.

Nhiều dự án phi chính phủ đã hỗ trợ đồng bào trồng trẩu. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều dự án phi chính phủ đã hỗ trợ đồng bào trồng trẩu. Ảnh: Võ Dũng.

“Chúng tôi cũng muốn phát triển rừng trẩu để có thêm công ăn việc làm, bà con vừa có thêm thu nhập, môi trường lại trong lành. Rừng trẩu tạo ra sinh kế rất tốt cho bà con Pako Vân Kiều ở vùng đất này”, ông Nhàn cho hay.

“Trẩu là cây mọc nhanh, ưa sáng, chịu được rất nhiều chân đất, là cây tiên phong phủ xanh đất trống đồi trọc. Cây trẩu tạo ra môi trường tiểu khí hậu để các cây rừng khác tái sinh, một số hiện đã chuyển thành rừng tự nhiên. Nếu trồng thâm canh với mật độ 400 - 500 cây/ha thì đến kỳ thu hoạch có thể cho 5 tấn hạt tươi/năm, tương đương với 30 - 40 triệu đồng/ha/năm”, ông Bùi Văn Thình, Phó Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông cho biết.

Cần đối xử công bằng với cây trẩu

Tháng 9, khi lúa trên nương rẫy đã thu hoạch xong, cũng là lúc đồng bào Pako Vân Kiều vào rừng nhặt quả trẩu. Bình quân, một lao động mỗi ngày nhặt được khoảng 30kg hạt trẩu tươi (đã bóc vỏ). Với giá bán tại nhà cho thương lái 6 - 8 nghìn đồng/kg tươi, mỗi lao động có nguồn thu trên dưới 2 trăm nghìn đồng/ngày. Đó là lý do khiến cung đường lên đỉnh đồi Cu Vơ - lối mòn dẫn lên đại ngàn Trường Sơn những ngày tháng 9 tấp nập xe máy lên xuống.

Đồng bào dân tộc Pako Vân Kiều có thêm công ăn việc làm từ cây trẩu. Ảnh: Võ Dũng.

Đồng bào dân tộc Pako Vân Kiều có thêm công ăn việc làm từ cây trẩu. Ảnh: Võ Dũng.

Chỉ riêng Ban quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông hiện có khoảng 2,5 nghìn ha trẩu trồng phân tán giữa rừng sao đen và thông. Đây là rừng được trồng cách đây 20 - 30 năm từ các dự án 327, 661 của Chính phủ. Là rừng phòng hộ nhưng Ban quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông không cấm người dân vào rừng nhặt trẩu.

“Với diện tích 2,5 nghìn ha, nếu chỉ nhặt quả, bóc hạt đem về bán thì mỗi năm cũng cho đồng bào 6 - 7 tỷ đồng. Đó là nguồn sinh kế lớn, có thể nói là đủ nuôi sống đồng bào từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Chúng tôi không cấm nhặt quả nhưng tuyên truyền để đồng bào không chặt cây, bẻ cành”, ông Bùi Văn Thình, Phó Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông cho hay.

Theo thống kê, Quảng Trị hiện có gần 3 nghìn ha rừng trẩu, chiếm trên 21% tổng diện tích trẩu cả nước, chủ yếu tập trung tại 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Diện tích trẩu trên rừng phòng hộ chiếm trên 83%, số còn lại trên đất rừng sản xuất của người dân. Cây trẩu vừa có giá trị phòng hộ, vừa đem lại sinh kế cho đồng bào với sản lượng khoảng 1 nghìn tấn/năm.

Người dân lên rừng nhặt trẩu có thêm công ăn việc làm và cũng tạo ra một hệ thống các đầu nậu thu mua trên địa bàn. Tuy nhiên, sau khi thu mua, hạt trẩu được phơi khô và đưa đi nhập cho các đại lý lớn rồi xuất khẩu thô sang Trung Quốc nên hiệu quả chưa thực sự cao như giá trị vốn có của nó.

Trẩu đã được trồng theo hướng thâm canh, áp dụng các quy trình canh tác khoa học để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị và thu nhập cho đồng bào. Ảnh: Võ Dũng.

Trẩu đã được trồng theo hướng thâm canh, áp dụng các quy trình canh tác khoa học để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị và thu nhập cho đồng bào. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hoàng Minh Trí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị cho hay, tại Quảng Trị hiện chưa có cơ sở chế biến các sản phẩm từ hạt trẩu. Hạt trẩu hiện phần lớn được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị ban hành kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến 2030. Theo đó, đến năm 2030, Quảng Trị phấn đấu có trên 8,3 nghìn ha trẩu nguyên liệu tập trung.

Riêng giai đoạn 2023 - 2026, Quảng Trị sẽ trồng 500ha trẩu/năm, hình thành vùng nguyên liệu tập trung 5 nghìn ha trẩu với sản lượng 2 nghìn tấn/năm. Địa phương này cũng sẽ có các chính sách thu hút đầu tư để hình thành 1 cơ sở sơ chế, chế biến gắn với vùng nguyên liệu theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, công suất trung bình 500 – 1.000 tấn/năm phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Kế hoạch này sẽ tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập từ trẩu tối thiểu 15% cho 1 nghìn hộ tham gia gây trồng và phát triển trẩu … Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch giai đoạn 2023 - 2026 dự kiến trên 16 tỷ đồng.

Quảng Trị đã có kế hoạch đầu tư khoa học công nghệ, xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến dầu trẩu để nâng cao giá trị cho quả trẩu. Ảnh: Võ Dũng.

Quảng Trị đã có kế hoạch đầu tư khoa học công nghệ, xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến dầu trẩu để nâng cao giá trị cho quả trẩu. Ảnh: Võ Dũng.

“Những năm gần đây, cây trẩu mang lại giá trị kinh tế cao nên được người dân và Ban quản lý Rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông trồng với diện tích lớn. Với mục tiêu đạt trên 8,3 nghìn ha trẩu vào năm 2030, Quảng Trị sẽ lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai thực hiện. Thời gian tới, Quảng Trị sẽ ưu tiên tìm kiếm các doanh nghiệp liên kết, tiêu thụ và chế biến sản phẩm để nâng cao giá trị cho cây trẩu”, ông Trí cho biết.

Không chỉ có giá trị phòng hộ, dầu trẩu là nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến sơn, véc ni, mực in, chất làm khô bề mặt, chất bôi trơn, công nghiệp dược phẩm, nhiên liệu sinh học… Khô dầu là nguồn phân bón hoặc làm thức ăn gia súc (khi đã khử độc tố) và làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Vỏ quả trẩu là nguồn nguyên liệu để tách chiết tanin và sản xuất than hoạt tính. Gỗ trẩu màu trắng, mềm, thường được bóc làm lớp phủ bề mặt của công nghệ chế biến gỗ dán rất có giá trị.

Bình luận