Việt - Úc nhất trí hợp tác giải quyết những 'nút thắt' trong phát triển nông nghiệp

Bình luận · 123 Lượt xem

Trong thời gian tới, Úc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện tốt an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giảm phát thải và xây dựng hệ thống LTTP bền vững.

Chiều 26/4, Trong khuôn khổ Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) bền vững, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) đã có cuộc trao đổi song phương với bà Su McCluskey, Đại diện chuyên gia nông nghiệp Úc.

Tại cuộc gặp, hai bên đã cùng thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp để 2 nước có thể hợp tác chặt chẽ, sâu rộng hơn trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: Trung Quân.

Tại cuộc gặp, hai bên đã cùng thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp để 2 nước có thể hợp tác chặt chẽ, sâu rộng hơn trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: Trung Quân.

Tại cuộc trao đổi, bà Su McCluskey bày tỏ mong muốn hai bên sẽ cùng thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp để 2 nước có thể hợp tác chặt chẽ, sâu rộng hơn trên lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP); truy suất nguồn gốc sản phẩm; phát triển mạng lưới “Một sức khỏe-Onehealth”; xây dựng nền nông nghiệp bền vững, trong đó, chỉ rõ giải pháp để người nông dân có thể canh tác an toàn với chi phí thấp nhất và hệ thống nào có thể cung cấp, hỗ trợ nguồn vốn cho người nông dân với lãi suất thấp để họ dễ dàng tiếp cận.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) chia sẻ: Hiện nay, Việt Nam đặc biệt quan tâm tới vấn đề ATTP. Tuy nhiên, với mức độ chăn nuôi theo hình thức nông hộ còn nhiều nên vấn đề này vẫn còn những điểm chưa được như mong muốn. Do đó, Việt Nam rất muốn được học hỏi kinh nghiệm từ các nước đi trước, trong đó có Úc, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việt Nam trân trọng sự hỗ trợ quý báu của các đối tác trong đó có Úc suốt chặng đường vừa qua.

Về sáng kiến Một sức khỏe-Onehealth, trong thời qua, Việt Nam đẩy mạnh việc thúc đẩy sự hợp tác và điều phối giữa các Bộ NN-PTNT, Y tế, Tài nguyên và Môi trường và sự phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ, đối tác phát triển, giữa trung ương và địa phương.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn mong muốn với kinh nghiệm của mình, trong thời gian tới Úc sẽ hỗ trợ tích cực Việt Nam giải quyết những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn mong muốn với kinh nghiệm của mình, trong thời gian tới Úc sẽ hỗ trợ tích cực Việt Nam giải quyết những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Trung Quân.

Trong đó, chia nhỏ thành các nhóm chủ đề để huy động sự tham gia tích cực của các chủ thể. Hiện tại, có nhiều nhóm đang hoạt động rất hiệu quả như nhóm chống kháng kháng sinh trên động vật, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người; phòng chống bệnh dại; ATTP; chống buôn bán tiêu thụ động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, với vai trò điều phối Bộ NN-PTNT Việt Nam sẽ tạo ra một sân chơi để các bên chủ động tham gia. Đồng thời, thông tin thường xuyên để có sự điều chỉnh, phối hợp của các bộ ngành, chương trình dự án… một cách phù hợp.

Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục làm việc với các đối tác phát triển để thúc đẩy việc đảm bảo ATTP; chống bệnh lây nhiễm từ động vật hoang dã sang người; chống buôn bán tiêu thụ động vật hoang dã và sức khỏe cây trồng.

Về vấn đề phát triển bền vững môi trường, ông Tuấn cho rằng, việc quan trọng đầu tiên phải làm là thay đổi nhận thức và trang bị thông tin, hướng dẫn đầy đủ cho người nông dân thông qua chương trình khuyến nông của nhà nước và doanh nghiệp.

Hiện nay, EU đã nêu những quy định về chống xâm lấn và phá hoại rừng trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trên cây cà phê. Việt Nam hoàn toàn ủng hộ với quan điểm này và không coi đây là một thách thức mà là cơ hội để ngành cà phê Việt Nam chuyển mình theo hướng bền vững và nâng cao hình ảnh cà phê Việt Nam với các nhà thu mua trên thế giới.

Bà Su McCluskey đánh giá cao những nỗ lực, sáng kiến và kết quả mà Việt Nam đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian qua. Ảnh: Trung Quân.

Bà Su McCluskey đánh giá cao những nỗ lực, sáng kiến và kết quả mà Việt Nam đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian qua. Ảnh: Trung Quân.

Về vấn đề một số nước kiến nghị áp dụng thuế các bon, Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi và sẵn sàng tham gia các sáng kiến, ý tưởng để giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, phải đảm bảo công bằng, công lý giữa các quốc gia. Việt Nam cũng mong Úc đồng hành ủng hộ Việt Nam trong quá trình này.

Về lĩnh vực tài chính, tại Việt Nam khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ được được ưu đãi vốn vay ở mức cao nhất, nhất là những vùng xa, vùng cao, khó khăn liên quan tới môi trường. Tuy nhiên, khó khăn cho hộ nông dân trong việc tiếp cận nguồn tín dụng là họ khó chứng minh với ngân hàng phương án sản xuất của mình để tiếp cận nguồn vốn. Do đó, với kinh nghiệm về mặt chính sách và sự hỗ trợ vốn cho hộ nông dân mà Úc đang triển khai là kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam.

Theo ông Tuấn, phía Bộ NN-PTNT có thể kết nối các quỹ đầu từ phía Úc, nhất là đầu tư về tăng trưởng xanh, phát thải thấp với các ngân hàng thương mại Việt Nam với lãi suất thấp hoặc hỗ trợ các quỹ có đầy đủ thông tin về người vay, đánh giá rủi ro khoản vay với đối tượng hộ nông dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bộ NN-PTNT Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối cho các quỹ đầu tư vào nông nghiệp từ Úc triển khai hiệu quả tại Việt Nam. Ảnh: Trung Quân.

Bộ NN-PTNT Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối cho các quỹ đầu tư vào nông nghiệp từ Úc triển khai hiệu quả tại Việt Nam. Ảnh: Trung Quân.

Về phát triển hệ thống LTTP bền vững, Việt Nam sẽ thiết lập nhóm đối tác, trong đó, có thể mời thêm các đối tác phát triển trở thành đơn vị đồng chủ trì một số nhóm công tác và mời khu vực tư nhân và địa phương cùng tham gia.

Trước những chia sẻ của ông Tuấn, bà Su McCluskey đánh giá cao những nỗ lực, sáng kiến và kết quả mà Việt Nam đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian qua. Bà cũng cam kết phía Úc luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để thực hiện tốt các cam kết với cộng đồng quốc tế, nhất là những vấn đề liên quan tới ATTP; truy suất nguồn gốc sản phẩm; phát triển mạng lưới “Một sức khỏe-Onehealth” và xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững

Bình luận