Thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình nuôi tảo xoắn

Bình luận · 13 Lượt xem

Sản phẩm từ tảo xoắn của cô gái trẻ ở TP Đà Nẵng hiện không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành lớn trong nước mà còn xuất khẩu.

Từ ý chí đến thành công

Tảo xoắn Spirulina là thực phẩm bổ dưỡng được ưa chuộng trên thế giới, lâu nay vẫn được biết đến như sản phẩm của Nhật Bản. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, chị Đinh Nguyễn Hoàng Thư (35 tuổi, trú tại phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã mang tảo Spirulina về Việt Nam và thành công trong việc nuôi trồng ngay tại quê hương.

Chị Thư đã thành công trong việc nhân giống tảo xoắn, ra mắt sản phẩm tảo Spirulina tươi. Ảnh: A.N.

Chị Thư đã thành công trong việc nhân giống tảo xoắn, ra mắt sản phẩm tảo Spirulina tươi. Ảnh: A.N.

Chị Thư biết đến tảo xoắn Spirulina trong một lần tìm kiếm các loại thực phẩm bổ sung hỗ trợ sức khỏe cho ông. Sau một thời gian sử dụng, sức khỏe ông cải thiện rõ rệt nên chị Thư nhận ra tiềm năng lớn của loại tảo này. Năm 2016, chị Thư quyết định bắt tay vào việc nuôi trồng tảo xoắn Spirulina tại nhà.

Chị Thư cho biết quá trình thử nghiệm không hề dễ dàng. Ban đầu, chị tận dụng 50m2 trên sân thượng để nuôi tảo nhưng do chưa có kinh nghiệm nên số tảo ban đầu hầu như bị hư hỏng, chết hàng loạt. “Thiệt hại lúc mới trồng hàng trăm triệu đồng. Thay vì bỏ cuộc, tôi kiên trì tìm hiểu, học hỏi từ các chuyên gia trong và ngoài nước, đồng thời ứng dụng công nghệ cao để cải thiện quy trình nuôi trồng”, chị Thư nói.

Sau 2 năm, chị Thư đã thành công trong việc nhân giống tảo xoắn, ra mắt sản phẩm tảo Spirulina tươi. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tảo, chị Thư cho biết khi nhân giống và đạt tới số lượng tảo nhất định, chị sẽ mang ra hồ thương phẩm để nuôi. Sau khoảng thời gian 30 ngày sẽ tiến hành thu hoạch một lần. Mỗi bể 20m2 thu về khoảng 10 - 20kg tảo tươi, tùy mùa và nhiệt độ.

Sản phẩm tảo xoắn của Hợp tác xã Công nghệ cao Mặt Trời Việt đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín cũng như đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Ảnh: A.N.

Sản phẩm tảo xoắn của Hợp tác xã Công nghệ cao Mặt Trời Việt đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín cũng như đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Ảnh: A.N.

Nhiệt độ nước lý tưởng cho tảo phát triển nằm trong khoảng 32 - 35 độ C. Nếu nhiệt độ xuống dưới 17 độ C, tảo sẽ ngừng phát triển. Ngược lại, khi quá nóng, tảo sẽ bị úa vàng và chết. Tảo xoắn là thể đơn bào nên rất nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, nhiệt độ...

Ngoài ra, cần linh hoạt kết hợp giữa nuôi kín và hở, ứng dụng công nghệ cao tự động, trang bị lưới chống côn trùng, bụi bẩn, mang đến sản phẩm sạch, năng suất cao. Nhờ những nỗ lực không ngừng của mình, chị Thư đã thành công trong việc nhân giống và sản xuất tảo Spirulina tươi, mở ra bước ngoặt mới cho mô hình, trở thành người tiên phong trong lĩnh vực này tại TP Đà Nẵng.

Phát triển đa dạng sản phẩm

Hiện tại, chị Thư không chỉ tạo ra sản phẩm tảo xoắn tươi mà còn xây dựng được thương hiệu tảo sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và quốc tế. Năm 2019, chị thành lập Hợp tác xã Công nghệ cao Mặt Trời Việt với 7 thành viên và nguồn vốn ban đầu là 200 triệu đồng. Chị Thư giữ vai trò Giám đốc, định hướng phát triển sản phẩm của Hợp tác xã.

Sau một thời gian phát triển, sản phẩm tảo xoắn của Hợp tác xã Công nghệ cao Mặt Trời Việt đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín, như sản phẩm “Tảo xoắn nguyên chất sấy lạnh” đạt chứng nhận OCOP 4 sao, được vinh danh là sản phẩm nông nghiệp - nông thôn tiêu biểu của TP Đà Nẵng. Đặc biệt, dự án “Ứng dụng công nghệ OCP – sấy lạnh không khí đối lưu trong mô hình nuôi tảo xoắn sạch” đã giành giải thưởng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Tại Hợp tác xã Công nghệ cao Mặt Trời Việt, tảo xoắn Spirulina được phát triển đa dạng với hơn 10 loại sản phẩm khác nhau, bao gồm tảo tươi, tảo sấy lạnh, tảo mặt nạ, bánh tảo…, giá bán dao động từ 40 – 600 nghìn đồng tùy loại. Sản phẩm được chế biến thành nhiều dạng từ tươi đến bột khô, giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại.

Nuôi tảo xoắn ứng dụng công nghệ cao tự động, trang bị lưới chống côn trùng, bụi bẩn, mang đến sản phẩm sạch, năng suất cao. Ảnh: A.N.

Nuôi tảo xoắn ứng dụng công nghệ cao tự động, trang bị lưới chống côn trùng, bụi bẩn, mang đến sản phẩm sạch, năng suất cao. Ảnh: A.N.

Bên cạnh việc phát triển sản phẩm thực phẩm bổ dưỡng, chị Thư còn đưa mô hình nuôi tảo kết hợp với du lịch trải nghiệm, giúp khách tham quan tìm hiểu quy trình sản xuất và tầm quan trọng của tảo Spirulina đối với sức khỏe. Đây là chiến lược mới lạ, không chỉ giúp thương hiệu tảo xoắn Đà Nẵng được nhiều người biết đến mà còn tạo ra những cơ hội mới cho phát triển kinh tế địa phương.

Hiện nay, sản phẩm của Hợp tác xã đã có mặt tại nhiều cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước, từ Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM và xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc. Mỗi tháng, Hợp tác xã của chị Thư đạt doanh thu từ 90 - 100 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Không chỉ dừng lại ở đó, chị Thư còn đang nghiên cứu các dòng sản phẩm mới từ tảo Spirulina như mỹ phẩm sạch, bao gồm sữa rửa mặt và son dưỡng môi, một xu hướng đang rất được ưa chuộng trên thị trường. Các sản phẩm này không chỉ giúp người tiêu dùng làm đẹp mà còn có tác dụng bảo vệ da, chống lão hóa nhờ những dưỡng chất quý giá có trong tảo.

Về kế hoạch phát triển trong tương lai, chị Thư cho biết Hợp tác xã sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước và quốc tế. Chị cũng kỳ vọng những năm tới, tảo Spirulina Việt Nam sẽ trở thành một thương hiệu nổi bật, không chỉ tại các thị trường lớn trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Bình luận