Thâm canh cây ăn quả VietGAP, giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Bình luận · 199 Lượt xem

Các mô hình khuyến nông thâm canh cây ăn quả theo VietGAP vừa giúp giảm chi phí sản xuất, vừa tăng giá trị và lợi nhuận cho nông dân.

Căn cứ Đề án “Phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa cây cảnh hàng hóa tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025”, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển khai mô hình thâm canh cây ăn quả VietGAP trên diện tích 65ha cam, bưởi và ổi tại các xã Hoàn Long (huyện Yên Mỹ), Đồng Thanh và Phạm Ngũ Lão (huyện Kim Động).

 

Mô hình đã thu hút gần 400 nông hộ tham gia thực hiện. Tham gia mô hình, bên cạnh được hỗ trợ một phần phân bón hữu cơ vi sinh theo quy định, các hộ còn được tập huấn 6 buổi về kỹ thuật thâm cây ăn quả VietGAP nói chung, cây cam, bưởi và ổi nói riêng. Đồng thời được hướng dẫn ghi nhật ký sản xuất và các bước tiến hành tự đánh giá nội bộ mô hình. Cùng với đó, các hộ còn được phổ biến về điều kiện và thủ tục cấp chứng nhận VietGAP.

 

Trước đó, các hộ còn được cán bộ kỹ thuật đến lấy mẫu đất, nước để đánh giá, khi thu hoạch được lấy mẫu trái cây đi phân tích tại các cơ quan chuyên môn, đạt đủ các chỉ tiêu quy định mới được cấp chứng nhận VietGAP.  

 

Trong quá trình áp dụng quy trình VietGAP, nhà nông thường xuyên được cán bộ khuyến nông tỉnh và huyện cầm tay chỉ việc, giải đáp, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đặc biệt, để đảm bảo khách quan, minh bạch, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên còn thuê 2 đơn vị tư vấn chứng nhận VietGAP và cấp chứng nhận VietGAP cho từng loại trái cây trong mô hình.

 

 

Kết quả, các loại trái cây trong mô hình đều đạt chuẩn VietGAP, hiệu quả sản xuất trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình.

 

Ông Nguyễn Sỹ Khuê ở xã Hoàn Long (huyện Yên Mỹ) có 5.000m2 ổi lê Đài Loan, trong đó diện tích tham gia mô hình khuyến nông hơn 1.600m2 ổi để sản xuất và so sánh. Kết quả, vườn ổi sản xuất theo VietGAP cho giá trị thu hoạch cao hơn đối chứng khoảng 17 triệu đồng, chủ yếu nhờ bán quả được giá cao hơn vì sản phẩm đạt chuẩn VietGAP.

 

“Hiện ổi VietGAP xuất buôn tại vườn cũng được 20.000 đồng/kg (đối chứng chỉ được 12.000-13.000 đồng/kg). Qua tham gia mô hình, tôi đã nắm vững kỹ thuật thâm canh, năm sau tôi sẽ chuyển toàn bộ diện tích cây trồng này sang sản xuất theo quy trình VietGAP”, ông Khuê nói thêm.

 

Ông Lương Đình Thuấn ở xã Đồng Thanh (huyện Kim Động) hào hứng kể, ông đang bán cam VietGAP với giá 40.000 đồng/kg, cao hơn cam không VietGAP hơn 10.000 đồng/kg mà thương lái vẫn tranh nhau đến mua. Năm nay ông có gần 4.500m2 cam Vinh tham gia mô hình khuyến nông, giá trị thu hoạch đạt ngót 400 triệu đồng, tăng gần 100 triệu đồng so với các vườn cam không VietGAP.

 

Ông Thuấn cho biết, mức thu nhập cao hơn như trên là tương xứng với công sức bỏ ra, vì sản xuất cam VietGAP rất vất vả, phải thăm vườn hàng ngày, thấy vết bệnh chớm xuất hiện hoặc sâu non đang tuổi 1 phải thun thuốc bảo vệ thực vật sinh học để phòng trừ hiệu quả. Nếu phun thuốc khi tỷ lệ bệnh cao hơn, hay sâu non đã qua tuổi 2 phải dùng thuốc hóa học mới đặc trị, nhưng dư lượng thuốc còn tồn trên trái cây sẽ không đạt theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

“Các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học đều đắt, nếu phun phòng định kỳ để khỏi phải thăm vườn thường xuyên sẽ tăng chi phí đầu tư rất lớn, giảm hiệu quả sản xuất. Vì vậy việc xử lý sâu bệnh hại sớm theo quy trình VietGAP đã giúp giảm chi phí trong phòng trừ sâu bệnh hại. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và các phân bón có nguồn gốc hữu cơ như hạt đậu tương nghiền, dung dịch phụ phẩm thủy sản ngâm ủ kỹ... còn giúp cây sinh trưởng cân đối hơn, có thể lưu quả tự nhiên trên cây được thêm 1 - 2 tháng, giúp tăng giá trịnh kinh tế của trái cam rất đáng kể”, ông Thuấn tiết lộ.   

 

Đến thăm mô hình canh tác cây bưởi VietGAP ở xã Phạm Ngũ Lão (huyện Kim Động), chúng tôi cũng thu được kết quả tương tự. Qua đó có thể khẳng định, thành công của các mô hình khuyến nông không chỉ giúp tăng thu nhập cho hàng trăm nông hộ, mà còn giúp thay đổi tư duy người sản xuất. Các mô hình đã hạn chế tối thiểu sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà vẫn tăng thêm thu nhập trong thâm canh cây ăn quả, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, vừa khôi phục lại độ màu mỡ đất, hướng tới nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững. Các mô hình còn giúp người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng trái cây VietGAP sản xuất trong nước, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống trong cộng đồng...

 

 

Nguyễn Hải Tiến

 

 

Bình luận