Mô hình thí điểm lúa giảm phát thải: Lợi nhuận có thể tăng 18 triệu đồng/ha

Bình luận · 26 Lượt xem

Năng suất lúa ‘vực lên’ trong khi diện tích ngày càng được mở rộng mà không cần kêu gọi bà con. Đây là kết quả của việc xuống giống thưa, quản lý dịch hại tốt.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Đây là lưu ý của ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tại Hội thảo liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 sáng 25/10.

Trong thời gian qua, Cục Trồng trọt đã xây dựng 7 mô hình thí điểm tại 5 tỉnh: Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và TP Cần Thơ. Đây là những địa phương đại diện cho 3 tiểu vùng sinh thái (thượng, giữa, hạ) và các vùng đất khác nhau (phèn, mặn phèn, phù sa ngọt…) của ĐBSCL.

Theo ông Tùng, các mô hình thí điểm bắt buộc phải tuân thủ theo Quyết định 145 của Cục Trồng trọt về việc ban hành quy trình và sổ tay hướng dẫn “quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL. Theo đó, quy trình này tích hợp những kỹ thuật phù hợp nhất từ các quy trình liên quan; các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước, các mô hình thành công trong thực tiễn và kiến thức chuyên gia, kinh nghiệm từ các địa phương… để đảm bảo các mô hình thí điểm được triển khai hiệu quả, đạt kỳ vọng.

Quy trình bao quát toàn bộ các khâu của sản xuất lúa, gồm ba hợp phần: Kỹ thuật canh tác, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch và quản lý rơm rạ. Các hợp phần này liên kết, thống nhất với nhau tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh đồng bộ áp dụng cho sản xuất lúa trong vùng của Đề án. Bên cạnh đó, Quy trình cũng yêu cầu cụ thể về kỹ thuật canh tác, làm đất, quản lý nước, quản lý dịch hại tổng hợp… tạo “công thức” chuẩn để nông dân tham gia mô hình thí điểm.

Đẩy mạnh việc di chuyển rơm khỏi đồng ruộng là một trong những biện pháp hiệu quả để giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Kim Anh.

Về vấn đề sử dụng giống, khi áp dụng các kỹ thuật sạ hàng và sạ cụm kết hợp vùi phân để giảm 30-50% lượng giống sử dụng, tương đương từ 30 đến 80 kg/ha. Cách làm này giúp tiết kiệm chi phí từ 0,6 - 1,6 triệu đồng/ha, giảm lãng phí tài nguyên và hạn chế mật độ cây, từ đó giảm sự cạnh tranh dinh dưỡng và tăng năng suất.

Với vấn đề sử dụng phân bón đạm, mức sử dụng phân bón đạm được giảm từ 30-70 kg/ha, tương đương với tiết kiệm từ 0,7 - 1,6 triệu đồng/ha.

Về năng suất và kinh tế, năng suất lý thuyết từ các mô hình cho thấy sự tăng trưởng đáng kể. Tại các mô hình ở Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) và Long Phú (Sóc Trăng), giống OM5451 và ST25 cho năng suất cao hơn từ 3,9 - 7,5% và 8,9 - 13,7% so với các mô hình truyền thống.

Hiệu quả kinh tế của các mô hình này rất tích cực, với lợi nhuận ròng tăng thêm từ 13 - 18 triệu đồng/ha trong vụ hè thu 2024 và từ 1 - 6 triệu đồng/ha trong vụ thu đông 2024.

“Năng suất lúa ‘vực lên’ trong khi diện tích ngày càng được mở rộng mà không cần kêu gọi bà con. Đây là kết quả của việc xuống giống thưa và quản lý dịch hại tốt”, ông Tùng đánh giá.

Về kết quả giảm phát thải khí nhà kính, tại Sóc Trăng, kết quả cho thấy, mô hình thí điểm có lượng khí phát thải là 9,5 tấn CO2e/ha/vụ. Trong khi đó, ngoài mô hình lượng phát thải lên tới 13,5 tấn CO2e/ha/vụ. Như vậy, chênh lệch lượng khí phát thải trong và ngoài mô hình gần 4 tấn CO2e/ha/vụ.

Tại Trà Vinh, trung bình 2 mô hình thí điểm áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải có lượng khí phát thải khoảng 7,6 tấn CO2e/ha/vụ. Trong khi ngoài mô hình trên 13 tấn CO2e/ha/vụ. Lượng chênh lệch phát thải khoảng 5,4 tấn CO2e/ha/vụ.

Các kết quả giảm phát thải trên do Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) và các Viện khác thuộc Bộ NN-PTNT đo đạc và có báo cáo đến Cục Trồng trọt.  

Ông Tùng nhấn mạnh, việc trồng lúa phát thải thấp không nhằm mục đích tính toán để bán tín chỉ carbon. Theo lộ trình đến năm 2028, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới chính thức báo cáo về cơ chế thương mại hóa tín chỉ carbon lên Chính phủ. Theo đó, đề án 1 triệu ha lúa nhằm sắp xếp lại sản xuất, nâng cao năng lực HTX, xây dựng đồng ruộng, phát triển hạ tầng… Với kim chỉ nam của đề án hướng tới thịnh vượng của người trồng lúa, tức là giúp nông dân trồng lúa có cuộc sống tốt hơn.

Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng nêu một số vấn đề quan trọng trong sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL bao gồm việc thâm canh để đảm bảo diện tích, năng suất và sản lượng, đồng thời giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị và lợi nhuận cho nông dân.

Các vấn đề này còn liên quan đến khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, mà không gây tác động tiêu cực đến môi trường. Để làm được điều này, ĐBSCL cần khai thác hiệu quả tài nguyên đất, nước và các tài nguyên thiên nhiên khác một cách bền vững.

Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ, thiết bị và máy móc đồng bộ về cơ giới sẽ giúp nâng cao hiệu quả và phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng. Việc liên kết chuỗi ngành hàng, đảm bảo an ninh lương thực và tăng trưởng xanh từ nông nghiệp tuần hoàn lúa gạo là yếu tố thiết yếu.

Ông Tùng lưu ý về các kỹ thuật và công nghệ tăng hiệu suất sử dụng phân bón (bao gồm sạ hàng hoặc cụm kết hợp vùi phân). Bên cạnh đó, cần khuyến cáo việc tuân thủ quy trình bón phân, tránh việc bón thừa, bón sai, bón không đúng nhu cầu cây trồng…. Xây dựng công cụ quản lý và khuyến cáo bón phân chuyên dùng, chuyên vùng.

Để đạt được những mục tiêu trên, cần xây dựng tốt cơ sở dữ liệu như bản đồ quản lý tài nguyên đất, dinh dưỡng, nước; bản đồ rủi ro khí hậu và kế hoạch thích ứng (CS MAP) bản đồ sử dụng phân bón cho lúa theo từng mùa vụ sản xuất và theo từng tiểu vùng sinh thái. Ngoài ra, cần tập trung thực hiện quản lý dinh dưỡng theo vùng canh tác chuyên biệt…

Bình luận