Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Bình luận · 23 Lượt xem

Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, tỉnh Long An đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Qua đó, từng bước nâng cao giá trị

"Đòn bẩy" để nâng cao các tiêu chí

Xác định tái cơ cấu nông nghiệp là một trong những "đòn bẩy" nâng cao các tiêu chí NTM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu tỉnh ban hành các đề án phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm; lồng ghép nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển KT-XH.

Theo đó, tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn, phát triển nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với XDNTM.

 

Toàn huyện Cần Giuộc hiện có hơn 1.335ha rau ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

 

Cần Giuộc đang được đề nghị xét, công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2023. Để đạt kết quả này, một phần là nhờ huyện triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/HU, ngày 02/11/2020 của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau và nuôi tôm nước lợ gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2020-2025.

 

Hiện trên địa bàn huyện có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả hơn so với canh tác truyền thống. Từ đó, giúp giảm chi phí sản xuất, giảm công lao động, chất lượng sản phẩm ổn định và tốt hơn, hạn chế được một số rủi ro do thời tiết gây ra; đồng thời, gắn với sản xuất sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Trần Thanh Minh, với lợi thế của vùng đất nằm gần cửa biển, tích tụ nhiều phù sa cổ, kể từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của chính quyền địa phương, ông nhanh chóng tập hợp, thu hút thành viên thành lập HTX.

Ngay từ khi thành lập, HTX phát triển theo hướng an toàn, tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về vệ sinh môi trường, bảo đảm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao để phục vụ thị trường.

“HTX chuyển từ sản xuất nhỏ, lạc hậu sang sản xuất tập trung, xây dựng các vùng rau chuyên canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thay vì lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón như trước, hiện các thành viên HTX nắm chắc các nguyên tắc phòng trừ dịch hại an toàn, biết cách sử dụng thiên địch, thuốc trừ sâu sinh học,... để trừ sâu, bệnh, vừa gia tăng giá trị kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm” - ông Trần Thanh Minh chia sẻ.

Thông tin từ UBND huyện Tân Thạnh, mục tiêu phát triển nông nghiệp của huyện là tập trung chuyển đổi theo hướng chuyên canh, cơ giới hóa, từng bước ứng dụng công nghệ cao gắn với sơ chế, bảo quản, chế biến, hình thành các chuỗi giá trị nông sản an toàn, thân thiện với môi trường.

Toàn huyện có hơn 80% dân số sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Thời gian qua, huyện tập trung xây dựng các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích nuôi trồng.

 

Nông dân huyện Tân Thạnh chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng sầu riêng mang lại lợi nhuận cao

 

Cụ thể, huyện khuyến khích và hỗ trợ phát triển những dự án chuyển đổi cơ cấu trên nền đất lúa và vườn cây ăn quả kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đến nay, toàn huyện có hơn 2.513ha cây ăn quả các loại như mít, sầu riêng, chanh, bưởi, mãng cầu, dừa,... Giống các loại cây ăn quả được trồng chủ yếu là mít Thái siêu sớm, sầu riêng Ri6, sầu riêng Mongthong, chanh không hạt, chanh bông tím, dừa xiêm xanh lùn, dừa Mã Lai, bưởi da xanh,...

Bên cạnh đó, các mô hình kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện cũng phát huy hiệu quả và ngày càng lan tỏa. Đến nay, toàn huyện có 17 HTX nông nghiệp.

Giám đốc HTX Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Tân Thịnh (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) - Bùi Văn Song cho biết, HTX được thành lập từ năm 2019 với mục tiêu sản xuất và cung cấp lúa giống, lúa hàng hóa và gạo sạch cho người dân địa phương.

Hiện HTX đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng lúa, gạo. Qua đó, xây dựng thương hiệu gạo của địa phương và tăng thu nhập cho nông dân.

Tái cơ cấu nông nghiệp vừa là nhiệm vụ, vừa là động lực để đẩy nhanh quá trình XDNTM trên địa bàn tỉnh. Do vậy, việc tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian tới sẽ góp phần quan trọng để tỉnh hoàn thành mục tiêu XDNTM trong năm 2024 là có thêm 8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 3 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện

Nhìn chung, việc triển khai, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với XDNTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, cần khắc phục như hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ sản phẩm; hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và vốn đầu tư cho chuyển đổi cơ cấu, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa nhiều; sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thấp;...

 

Tỉnh tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản

 

Để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với XDNTM, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục tuyên truyền về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành và thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức XDNTM”; đồng thời, phối hợp các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành phù hợp với tiềm năng, lợi thế, nhu cầu của thị trường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: Thời gian tới, Sở tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ, quy trình canh tác tự nhiên, canh tác hữu cơ vào sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh; tiếp tục hoàn thiện quy hoạch các vùng sản xuất và chế biến tập trung; chú trọng phát triển các hình thức hợp tác trong sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Ngoài ra, Sở tiếp tục xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản. Từ đó, từng bước thay đổi quy mô tổ chức sản xuất, chuyển giao và ứng dụng nhanh khoa học - công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.

Tái cơ cấu nông nghiệp vừa là nhiệm vụ, vừa là động lực để đẩy nhanh quá trình XDNTM trên địa bàn tỉnh. Do vậy, việc tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian tới sẽ góp phần quan trọng để tỉnh hoàn thành mục tiêu XDNTM trong năm 2024 là có thêm 8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 3 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM./.

Bùi Tùng

Bình luận