Khai thác tài nguyên văn hóa bản địa - cách giảm nghèo và phát triển bền vững

Bình luận · 194 Lượt xem

Nội lực, kỹ thuật, tri thức địa phương, kết nối, giá trị truyền thống là 5 yếu tố cốt lõi tạo nên thành công cho việc khai thác giá trị văn hóa trong sản phẩm của mỗi vùng miền.

Đưa văn hóa truyền thống thành tiêu chí

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội đã phối hợp cùng địa phương tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm gắn với giá trị văn hóa của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, từ đó hình thành những sản phẩm đặc sắc, riêng biệt cho bà con. Đó cũng được xem là phương cách giảm nghèo bền vững, đồng thời phát huy được nội lực tiềm tàng, đa dạng của các cộng đồng dân cư bản địa.

 

Một số sản phẩm đặc sản của địa phương đã trở thành thế mạnh, được tiêu thụ tại các kênh phân phối trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

 

Bà Bế Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc nhìn nhận, có 5 yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công cho việc khai thác các giá trị văn hóa trong phát triển sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đó là: Nội lực; Tiếp cận kỹ thuật; Khai thác tri thức địa phương thông qua việc phát triển sản phẩm; Sự kết nối; Truyền thống văn hóa.

 

Trong số này, bà Vân nhấn mạnh vai trò của việc phát huy truyền thống văn hóa. Hiện nay, hoạt động này đang thể hiện ở khía cạnh hoặc là phát huy văn hóa truyền thống thông qua phát triển du lịch cộng đồng, hoặc phát huy văn hóa truyền thống thông qua marketing. 

 

Tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình và huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, người dân đã chứng tỏ được khả năng khai thác tài nguyên văn hóa bản địa, kết hợp cung cấp trải nghiệm ở nhà sàn, sản xuất nông đặc sản địa phương, khám phá ẩm thực, tập quán sinh hoạt.

 

Song song với đó, các sản phẩm điển hình, mang tính địa phương hóa cao đã xuất hiện, chẳng hạn “cà phê Arabica của dân tộc Thái” tại Sơn La hay HTX Bún Ngũ Sắc Tố Mười tại Cao Bằng.

 

"HTX cà phê Ara Tay đã sử dụng câu chuyện văn hóa đối với sản phẩm này. Họ xây dựng sách ảnh về quá trình thu hoạch và chế biến hạt cà phê tươi, đồng thời lồng ghép những giá trị về văn hóa của đồng bào người Thái", bà Vân chia sẻ.

 

Từ 5 yếu tố kể trên, lãnh đạo Vụ Chính sách dân tộc đề ra 7 giải pháp để khai thác giá trị văn hóa, phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó có việc tạo môi trường kết nối các đối tác tham gia vào liên kết chuỗi giá trị, bao gồm cả cơ quan chính quyền. Ngoài ra, những doanh nghiệp trên địa bàn đã triển khai thành công sẽ đóng vai trò là hỗ trợ kỹ thuật, cũng như tạo động lực kéo cho toàn chuỗi.

 

"Ở cấp Trung ương, chúng ta phải đưa những yếu tố tri thức, văn hóa truyền thống, kết nối cộng đồng vào trong bộ tiêu chí để lựa chọn những dự án hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị tại khu vực miền núi", Phó Vụ trưởng Vân bày tỏ.

 

Biết cách tự quảng bá sản phẩm

Bàn thêm về yếu tố văn hóa của dân tộc thiểu số, TS Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, chính bà con đồng bào cũng có nhu cầu đưa hàng hóa ra thị trường toàn quốc, hay xa hơn là đi ra thế giới.

 

Lấy ví dụ người Nùng An ở Phúc Sen, tỉnh Cao Bằng, ông Giao liệt kê ra 3 sản phẩm đặc trưng, là dao Phúc Sen, hương Phia Thắp và giấy. "Họ rất chủ động, biết chọn cái gì là tốt để phát triển. Tôi đánh giá cao nỗ lực của người dân, và thấy rằng đây đang là một thời kỳ hứa hẹn về việc đưa sản phẩm của bà con ra thị trường quốc nội cũng như quốc tế".

 

Trước đây, ở vùng cao cuộc sống người dân phụ thuộc vào các phiên chợ, phù hợp với nhịp sống của việc làm rèn, làm lúa, làm ngô,… Thường chợ phiên diễn ra một tuần một lần. Các loại hàng hóa được tiêu thụ trong chợ tiểu thương, hoặc trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.

 

Trong thời đại công nghệ 4.0, ông Giao kêu gọi chính quyền và doanh nghiệp cần đầu tư phát triển cho bà con theo chiều sâu, trong một thời gian dài. Đồng thời cần có sự chiêm nghiệm để khai thác các yếu tố văn hóa trong phát triển sản phẩm của bà con.

 

Đồng tình quan điểm này, bà Trần Tuyết Lan, Giám đốc Công ty CP Doanh nghiệp Xã hội Craft Link tin rằng, đồng bào dân tộc thiểu số cần nhất 2 kỹ năng để có thể phát triển sản phẩm văn hóa một cách bền vững. Đó là quản lý nhóm và thiết kế bao bì, nhãn mác.

 

Thông qua 27 năm hỗ trợ cho các nhóm dân tộc thiểu số, bà Lan đúc rút, rằng sau khi các dự án kết thúc, bà con cần phải tự xây dựng, phát triển nhóm. "Craft Link không ở đó mãi để giúp đỡ họ muôn đời được", bà trăn trở. 

 

Theo bà Lan, mỗi nhóm dân tộc thiểu số lại có bản sắc văn hóa truyền thống khác nhau, ngôn ngữ khác nhau và cách thể hiện nền văn hóa khác nhau. Do đó, các dự án hỗ trợ cần xây dựng một một kế hoạch riêng cho từng vùng.

 

Cách quảng bá sản phẩm đến công chúng cũng cần phong phú, sinh động. Vừa qua, Craft Link đã hỗ trợ người dân viết lại các câu chuyện rồi chuyển thể thành clip, hay phát tờ rơi giới thiệu để họ tự quảng bá online trên nền tảng như Facebook, Youtube.

 

"Mỗi năm chúng tôi còn tổ chức hội chợ hàng thủ công truyền thống và mời các nhóm tham gia, để nhóm nào cũng có thể trực tiếp giao lưu với công chúng và khách hàng. Thông qua quá trình đó, họ không chỉ giới thiệu được nền văn hóa truyền thống mà họ còn tìm hiểu thêm về nhu cầu, xu hướng của thị trường. Đó là những bài học về marketing này vô cùng thực tế", bà tâm niệm

 

Trong năm 2023, đơn vị của bà Lan phối hợp các bên liên quan mời các nhóm dân tộc thiểu số ra Hà Nội để biểu diễn nghề truyền thống. Người tiêu dùng, trước khi tìm hiểu sản phẩm, sẽ được trải nghiệm các hoạt động này và giao lưu cùng các nghệ nhân. 

Bình luận