Đồng Nai ứng phó thiên tai [Bài 1]: 'Túi chứa nước' cạn nhất 10 năm

Bình luận · 262 Lượt xem

Ngành nông nghiệp Đồng Nai có nhiều phương án cấp nước sản xuất để ứng phó với nước hồ cạn kiệt, đồng thời gia cố các ‘túi chứa nước’ để đón mưa lũ bất thường.

Các hồ chứa đang… khát nước

Có mặt tại hồ Trị An - thượng nguồn sông Đồng Nai và La Ngà, theo quan sát của nhóm phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, một số khu vực lòng hồ đã khô cằn, cỏ mọc xanh mướt nhiều vị trí.

Theo anh Tâm - ngư dân trên hồ Trị An, đây là hiện tượng “đến hẹn lại lên” ở hồ. Mực nước của hồ Trị An sẽ rút xuống thấp do nắng nóng kéo dài, tuy nhiên năm nay lượng nước xuống thấp ở mức không tưởng.

Thông tin với phóng viên, ông Võ Tấn Nhẫn - Giám đốc Công ty thủy điện Trị An cho biết, có thời điểm trong tháng 5/2023, mực nước của hồ ở mức 50,5m, cách mực nước chết chỉ 0,5m. Đây là mực nước thấp nhất tại hồ Trị An trong 10 năm qua.

“Điều này không chỉ có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động vận hành phát điện của thủy điện hồ Trị An mà ảnh hưởng đến việc tưới tiêu, nuôi cá lòng hồ của bà con nông dân”, ông Nhẫn bày tỏ.

Tại hồ chứa nước Gia Măng (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), mực nước hồ đã “chạm đáy”, hầu như không thể cung cấp nước cho bà con phục vụ tưới tiêu. Với lượng nước ít ỏi còn lại trong hồ, chỉ để đáp ứng nhu cầu nuôi cá mặt nước trong lòng hồ. Năm nay, lượng nước cũng xuống thấp hơn mọi năm khiến việc cung cấp nước cho các vùng sản xuất nông nghiệp rơi vào thế khó.

Mực nước nhiều hồ chứa tại Đồng Nai như Gia Măng, Gia Ui, Núi Le, Suối Vọng... đều chạm đáy, gần như không còn khả năng cung cấp nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Bình.

Mực nước nhiều hồ chứa tại Đồng Nai như Gia Măng, Gia Ui, Núi Le, Suối Vọng... đều chạm đáy, gần như không còn khả năng cung cấp nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Bình.

Theo ông Phạm Quang Trung, Phó trưởng Trạm khai thác thủy lợi Xuân Lộc - Long Khánh - Cẩm Mỹ, đơn vị đang tính nhiều phương án để cung cấp nước sản xuất cho bà con nông dân.

“Với lượng nước chạm đáy thế này thì việc mở cống xả nước là không thể. Phương án khả thi trước mắt, chúng tôi sẽ huy động nhiều máy bơm công suất lớn, thông qua cống ngầm để cung cấp nước cho các hệ thống kênh chính, nội đồng”, ông Trung chia sẻ.

Theo quan sát của phóng viên, tại các "túi chứa nước" khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như Gia Ui, Núi Le, Suối Vọng… lượng nước trong hồ cũng không còn đáng là bao. Điều này thật sự nguy cấp bởi nắng nóng vẫn đang tiếp tục kéo dài mà lượng mưa mới chỉ “nhỏ giọt”, tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp.

Dù Đồng Nai đã bước vào mùa mưa nhưng lượng nước về các hồ chứa vẫn nhỏ giọt. Ảnh: Lê Bình.

Dù Đồng Nai đã bước vào mùa mưa nhưng lượng nước về các hồ chứa vẫn nhỏ giọt. Ảnh: Lê Bình.

Có mấy chục năm trong nghề quản lý thủy lợi, ông Hồ Văn Chiến - Trưởng trạm khai thác thủy lợi Xuân Lộc - Long Khánh - Cẩm Mỹ băn khoăn, dự cảm nhiều khó khăn về tình hình thiên tai trong thời gian tới. “Bình thường thời điểm này thì lượng nước đã được bù đắp một phần do lượng mưa đầu mùa. Tuy nhiên, năm nay mưa có đó nhưng không thấm vào đâu cả. Mưa lớn nhưng thấm vào đất cực nhanh, nghĩa là lượng nước ngầm cũng đang dần cạn kiệt. Nếu cứ tiếp diễn, tình trạng thiếu nước trầm trọng trong thời gian tới là khó tránh khỏi”, ông Chiến nói.

Để tránh những tình huống bất ngờ xảy ra, các trạm khai thác thủy lợi, ban quản lý hồ, trạm bơm điện, đập dâng… lên phương án để “giữ nước” cho mùa khô tiếp theo. Trong đó, chủ động “vá” lại các vết nứt nẻ, lỗ mội… để nước không mất đi lãng phí. Đồng thời, với tình hình thời tiết cực đoan như năm nay, việc xả bớt nước để ngừa tác động mưa lũ cũng được cân nhắc, thận trọng.

Chủ động gia cố hồ đập  

Sau hạn hán nghiêm trọng, dự báo thời gian tới mưa lũ cũng sẽ diễn ra khó lường. Để chủ động phòng chống thiên tai, ngành thủy lợi Đồng Nai đang chủ động triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, bảo vệ an toàn hồ đập - "túi chứa nước" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, không chỉ điều tiết lũ trong mùa mưa mà còn giữ nước để chuẩn bị ứng phó với hiện tượng El Nino sắp tới.

Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Đồng Nai đang tranh thủ chỉnh trang, cải tạo lại hệ thống biển báo tại hồ chứa trước những diễn tiến khó lường của thiên tai trong thời gian tới.

Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Đồng Nai đang tranh thủ chỉnh trang, cải tạo lại hệ thống biển báo tại hồ chứa trước những diễn tiến khó lường của thiên tai trong thời gian tới.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có 137 công trình thủy lợi đang hoạt động gồm 18 hồ chứa, 56 đập dâng, 39 trạm bơm, 24 công trình ngăn mặn, ngăn lũ, tiêu thoát lũ. Tổng năng lực phục vụ tưới hàng năm đạt trên 50,8 ngàn ha; tiêu và ngăn mặn cho hơn 9,3 ngàn ha.

Chỉ tính riêng 18 hồ chứa (gồm 10 hồ lớn và 8 hồ vừa), trong đó Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai đang quản lý 11 hồ, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai quản lý 1 công trình (hồ Bà Hào), còn lại địa phương quản lý 6 công trình.

Tổng dung tích các hồ chứa này là 107 triệu m3, tổng năng lực tưới phục vụ sản xuất 6.118ha, tổng năng lực cấp nước thô phục vụ công nghiệp và sinh hoạt khoảng 111.700 m3/ngày.

Để chủ động đối phó với mưa, lũ cực đoan, bão, áp thấp nhiệt đới, ngay trước mùa mưa, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, các địa phương xây dựng phương án phòng, chống thiên tai cụ thể theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) nhằm giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Từ đó, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Đồng Nai cũng đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành kiểm tra; xây dựng phương án bảo vệ, gia cố hồ đập, các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình.

Chủ động 'giữ nước' trước những hiện tượng thời tiết cực đoan là nhiệm vụ trọng tâm mà UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Bình.

Chủ động "giữ nước" trước những hiện tượng thời tiết cực đoan là nhiệm vụ trọng tâm mà UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Bình.

Ông Lê Xuân Toàn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Đồng Nai cho biết thêm, hiện Công ty đang tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng tất cả các công trình "túi chứa nước" do đơn vị quản lý nhằm phát hiện các hạng mục hư hỏng, từ đó kịp thời tổ chức sửa chữa khắc phục đảm bảo an toàn cho các công trình.

“Đơn vị cũng chủ động phối hợp với các địa phương có công trình thủy lợi trên địa bàn xây dựng và triển khai các phương án ứng phó thiên tai; chủ động hạ thấp mực nước các hồ chứa khi đã hoàn thành phục vụ sản xuất vụ đông xuân năm 2022 - 2023 tạo dung tích phòng lũ để chuẩn bị sẵn sàng đón lũ khi có mưa lớn.

Các trạm quản lý thủy nông tổ chức vận hành thử toàn bộ các cửa van tràn xả lũ, cống lấy nước đầu mối phát hiện những thiết bị hư hỏng để kịp thời sửa chữa thay thế, đảm bảo công trình vận hành tốt, không bị gián đoạn khi có mưa bão; bổ sung những vật tư, thiết bị còn thiếu phục vụ công tác phòng, chống lụt bão”, ông Toàn cho hay.

Song song đó, đơn vị cũng đã bố trí lực lượng đảm bảo đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình thủy lợi; thường xuyên theo dõi, kiểm tra công trình trước, trong và sau mưa lũ; rà soát, đánh giá các nội dung không còn phù hợp, báo cáo, tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm vận hành an toàn công trình và vùng hạ du các đập.

Cùng với ngành nông nghiệp, các đơn vị quản lý các công trình thủy lợi và các địa phương tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và năng lực ứng phó của người dân ở vùng hạ du các đập; huy động lực lượng chủ động tham gia bảo vệ các công trình thủy lợi.

Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Minh, tỉnh sẽ rà soát, xác định những vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất để xây dựng phương án cụ thể trong ứng phó, di dời người dân, đảm bảo an toàn về người và tài sản.    

“Có thể khẳng định, bảo vệ an toàn các công trình hồ chứa nước nói chung và hồ, đập nói riêng khi mưa bão đến là giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa hậu quả, giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra. Và việc chủ động các phương án, sẵn sàng tinh thần ứng phó chính là giải pháp quan trọng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này”, ông Trần Đình Minh chia sẻ.

Bình luận