Lào Cai: 50% doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ số

Bình luận · 235 Lượt xem

100% doanh nghiệp, HTX trên địa bàn Lào Cai đã được tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số. Trong đó 50% doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ số.

Hiện nay, 100% doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số. Trong đó 50% doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành và tham gia thương mại điện tử.

Phần mềm Nhật ký canh tác. Ảnh: Lưu Hòa.

Phần mềm Nhật ký canh tác. Ảnh: Lưu Hòa.

Đến nay, có 80 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã tham gia khai thác, sử dụng 3 phần mềm ứng dụng quản lý hệ thống minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản với 283 sản phẩm được gắn mã QR-Code. Có 118 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đã tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá các sản phẩm của đơn vị mình trên hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp với 193 dòng sản phẩm tham gia. Ngoài ra, hệ thống thông tin quản lý chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận với 91 chuỗi; giới thiệu 68 cơ sở đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn.

Bên cạnh đó, Lào Cai cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều tra và quản lý tài nguyên rừng. Phần mềm cảnh báo cháy rừng được tích hợp sử dụng bằng máy tính hoặc điện thoại có kết nối internet sẽ hiển thị bản tin cảnh báo cháy rừng từng ngày theo từng khu vực và hiển thị bản đồ cảnh báo cháy rừng một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác.

Sản phẩm OCOP Chè Ô Long Bảo Yên đưa lên trang tin điện tử Phiên chợ Khuyến nông. Ảnh: Lưu Hòa.

Sản phẩm OCOP Chè Ô Long Bảo Yên đưa lên trang tin điện tử Phiên chợ Khuyến nông. Ảnh: Lưu Hòa.

Lào Cai hiện cũng đã xây dựng và triển khai phần mềm nhật ký canh tác, giúp nông dân dễ dàng ghi chép các hoạt động trong canh tác hàng ngày, tiết kiệm thời gian, dễ áp dụng trong thực tiễn sản xuất, góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trong quản lý theo dõi, truy suất nguồn gốc sản phẩm đến từng hộ sản xuất.

Ngành nông nghiệp Lào Cai cũng đã chủ động quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử (Postmart, Voso…), qua trang tin điện tử “Phiên chợ Khuyến nông”; các trang mạng xã hội... nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, hỗ trợ chăm sóc khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà, từ khi ký kết với các sàn thương mại điện tử, đến nay, Trung tâm đã tiêu thụ được 39 tấn mận tam hoa các loại. Giá quả mận tam hoa dao động từng ngày, mận loại 1 vẫn giữ giá ổn định ở mức 50 - 60 nghìn đồng/kg. Lần đầu tiên, quả mận tam hoa Bắc Hà đã có mặt trên sàn thương mại điện tử, mở ra một hướng đi mới trong tiêu thụ, đưa nông sản Lào Cai tiếp cận người tiêu dùng cả nước.

Các sản phẩm nông nghiệp Lào Cai đưa lên hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại. Ảnh: Lưu Hòa.

Các sản phẩm nông nghiệp Lào Cai đưa lên hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại. Ảnh: Lưu Hòa.

Đặc biệt, các nông sản Lào Cai sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, hầu hết đã khẳng định được vị thế trên sàn giao dịch thương mại nông sản trong cả nước. Với việc tham gia chuỗi sản xuất sản phẩm OCOP, tư duy nhận thức của nông dân đã dần thay đổi, mạnh dạn tiếp cận khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số, thương mại điện tử trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP đã trở thành bệ phóng cho nông sản ngày càng đạt chất lượng cao hơn, bắt nhịp với xu thế thương mại hóa toàn cầu.

Bên cạnh một số kết quả đạt được, hiện việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp Lào Cai còn gặp nhiều khó khăn như chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, sử dụng, vận hành thiết bị (tự động số, thiết bị phân tích...) còn thiếu. Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ...

Nhận thức và trình độ của nông dân còn hạn chế nên khó áp dụng công nghệ mới. Nhiều người dân và cả doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu thông tin để ứng dụng số hóa, trong khi quy mô đất đai nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác...

Bình luận