Đắk Lắk: Tận dụng giá trị đất nông nghiệp giúp giảm nghèo bền vững

Bình luận · 217 Lượt xem

Tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên lớn thứ 4 cả nước, với hơn 13.000 km2, có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, màu mỡ, diện tích mặt nước nuôi trông thủy s??

Phát huy lợi thế về đất nông nghiệp

 

Đắk Lắk có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp với diện tích đất sản xuất nông nghiệp 650.000 ha (lớn nhất nước) và 735.000 ha đất lâm nghiệp. Cùng với đó, tỉnh khí hậu ôn hòa, địa hình đất sản xuất nông nghiệp khá bằng phẳng, đặc biệt có trên 300.000 ha đất đỏ basalt màu mỡ, được đánh giá là đất sản xuất nông nghiệp tốt nhất. Toàn tỉnh hiện có trên 210.000 ha cà phê, 34.000 ha cao su, 32.000 ha hồ tiêu, trên 43.000 ha cây ăn quả, khoảng 110.000 ha lúa, 94.000 ha ngô; trên 14 triệu con con gia súc, gia cầm; 170.000 ha đất lâm nghiệp được quy hoạch phát triển rừng sản xuất theo hướng thâm canh, có kết hợp sản xuất nông nghiệp.

 

Theo ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết, với những tiềm năng này, tỉnh đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn với du lịch. Cùng với đó là xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kết nối công nghiệp chế biến với thị trường. Từ đó, từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn kết nông nghiệp với lâm nghiệp ở những nơi có điều kiện nhằm tạo bước phát triển đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.

 

Trong Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030 định hướng đến năm 2050, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và hàng năm, tỉnh đã cụ thể hóa những tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển nông nghiệp đa giá trị. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất. Đắk Lắk đang xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và đội ngũ cán bộ các cấp năng động, sáng tạo, quyết tâm đổi mới và phát triển, đưa tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đưa sản phẩm nông nghiệp ra với thế giới

 

Điểm nhấn nổi bật của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk trong năm 2022 là các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều tăng so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt trên 1.300 triệu USD, chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 30,4% so với năm 2021, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022. Đặc biệt, sầu riêng, mắc ca Đắk Lắk đã chinh phục và xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường nhiều tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản.

 

Năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk phấn đấu giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn đạt 22.275 tỷ đồng; thủy lợi bảo đảm tưới chủ động cho trên 83,88% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 56,6%; tỷ lệ độ che phủ rừng (bao gồm cây cao su) đạt 39,24%. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, ngành xác định sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường và xây dựng nông thôn mới là nòng cốt, nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2023, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất chất lượng hàng nông sản

 

Ngành chủ trương đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, thu hút doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nông dân đầu tư vào sản xuất, chế biến nông lâm sản; tăng cường năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai…

 

Năm 2023 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII. Ngoài những mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đang nỗ lực xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng từ đơn giá trị sang mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu. Do đó, cần có chiến lược để chủ động thích ứng với nền kinh tế thế giới thay đổi gắn liền với trách nhiệm của người sản xuất, của nông dân và doanh nghiệp.

Bình luận