Miền núi Quảng Ngãi phát triển nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả

Bình luận · 14 Lượt xem

(PLVN) - Với nhiều chương trình chính sách ưu đãi, nông dân miền núi Quảng Ngãi đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy phát tri?

Nhiều mô hình thành công

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.

Đơn cử như thực hiện dự án về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, các xã trên địa bàn huyện đã hỗ trợ 41 dự án nhóm cộng đồng, với kinh phí gần 14 tỷ đồng, trong đó tập trung hỗ trợ thực hiện các mô hình trồng ổi, bưởi, chăn nuôi bò và heo ký sinh sản.

Nông dân liên kết phát triển mô hình trồng dứa, mít, chuối mốc, bưởi da xanh, mắc ca.

Nông dân liên kết phát triển mô hình trồng dứa, mít, chuối mốc, bưởi da xanh, mắc ca.

Tại xã Sơn Liên, Sơn Tinh, Sơn Long chính quyền địa phương hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò, heo, dê, gà. Đồng thời định hướng cho người dân phát triển những cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, như mô hình trồng bưởi, cam Vinh. Từ đó, người dân chủ động lựa chọn cây trồng, vật nuôi, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Là 1 trong 3 hộ dân tại thôn Tang Tong liên kết với HTX NN&DV Sơn Liên để trồng và tiêu thụ ổi, Anh Đinh Văn cho biết, đây là năm thứ 4 anh trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP. Có những thời điểm, anh thu hoạch hơn 2 tấn ổi/tháng, nhưng vẫn không đủ để cung cấp cho thị trường. Điều mà trước đó anh chưa từng dám nghĩ đến.

Năm 2020, anh Thiếu và các hộ dân còn lại được HTX đầu tư 135 triệu đồng để thực hiện hệ thống tưới nước tiết kiệm. Từ sự hỗ trợ này, HTX đã giúp các hộ dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Qua đó, từng bước thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, phụ thuộc vào nước mưa như lâu nay của các hộ dân.

 
Trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP đem lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào Ca Dong ở huyện Sơn Tây.

Trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP đem lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào Ca Dong ở huyện Sơn Tây.

HTX NN&DV Sơn Liên không chỉ liên kết với nông dân để phát triển mô hình trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 4ha, mà còn trở thành “bà đỡ”, định hướng, hỗ trợ nông dân phát triển mô hình trồng dứa, mít, chuối mốc, bưởi da xanh, mắc ca.

Cùng với đó, các nhóm hộ nông dân liên kết với HTX để phát triển mô hình chăn nuôi heo rừng lai và bò. Dù mới đi vào hoạt động từ tháng 1.2020, nhưng đến nay, HTX NN&DV Sơn Liên đã liên kết trồng trọt, chăn nuôi với gần 70 hộ dân địa phương (chiếm gần 18% số hộ dân toàn xã).

Ngoài việc hỗ trợ “kế sinh nhai” cho cho bà con, chính quyền huyện Sơn Tây còn đầu tư xây dựng 19 công trình cơ sở hạ tầng, chủ yếu là công trình giao thông, trường học và nhà văn hóa…

Người nông dân trông xen kẽ nhiều loại cây trồng phù hợp với khí hậu và thỗ nhưỡng địa phương.

Người nông dân trông xen kẽ nhiều loại cây trồng phù hợp với khí hậu và thỗ nhưỡng địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang cho hay, nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp địa phương xây dựng nhiều công trình giao thông đến tận thôn, xóm. Đầu tư mở rộng nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ nhà ở cho hộ dân là người DTTS, hộ nghèo.

Nổ lực giúp người dân phát triển kinh tế

 

Cùng với trồng trọt, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã triển khai xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả với đa dạng các loại vật nuôi như mô hình nuôi bò vỗ béo, nuôi bò an toàn với dịch bệnh, nuôi trâu Murrah, nuôi lợn rừng lai, nuôi gà thịt, gà đẻ trứng,... Điển hình như mô hình nuôi lợn rừng lai tại thôn Làng Ranh, (xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà).

Đây là giống lớn mà từ trước đó, người dân địa phương đã tìm hiểu và biết đến. Nhưng phải đến cuối năm 2019, từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, thôn Làng Ranh mới thành lập nhóm để chăn nuôi lợn rừng lai. Sau một thời gian thử nghiệm, 35 hộ dân tham gia mô hình đều biết cách chăn nuôi, đàn lợn phát triển tốt.

Mô hình nuôi lợn rừng đem lại hiệu quả kinh tế.

Mô hình nuôi lợn rừng đem lại hiệu quả kinh tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Ba Đặng Văn Minh, địa phương có khoảng 90% dân số là đồng bào dân tộc Hrê. Do đó, việc lựa chọn cây, con giống để hỗ trợ, hướng dẫn bà con trồng trọt, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Việc thành công với mô hình nuôi lợn rừng lai đã mở ra cơ hội giảm nghèo cho người dân địa phương. Đến nay, toàn xã có hàng trăm hộ thành công với mô hình này.

“Lợn rừng lai là loại lợn lai giữa lợn rừng với lợn bản địa nên có đặc trưng rất riêng, khác với những giống lợn khác là dễ nuôi, khả năng thích ứng cao, ít dịch bệnh, thịt chắc, nhiều nạc, thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng. Hiện nay địa phương không lo đầu ra vì đã được nhiều đơn vị nhận bao tiêu sản phẩm”, ông Minh nói.

Thống kê của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho thấy, trên địa bàn có hàng chục mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp tiên tiến, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, tập quán canh tác của người dân và định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nhiều mô hình, dự án đã được các địa phương chủ động nhân rộng như: Mô hình trồng rau sạch đạt chuẩn VietGap; vùng chuyên canh cây ăn quả; trồng ngô sinh khối; chăn nuôi bò vỗ béo; nuôi lợn rừng lai; nuôi thủy sản xen ghép lồng bè trên sông, trên biển,...

Nhiều mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp được các huyện miền núi Quảng Ngãi triển khai hiệu quả.

Nhiều mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp được các huyện miền núi Quảng Ngãi triển khai hiệu quả.

 

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết, ngành tập trung xây dựng các mô hình khuyến nông mới đảm bảo có sự liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, phù hợp với định hướng phát triển ngành nông nghiệp và gắn với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đồng thời, khuyến khích nông dân thực hiện các hình thức liên kết, phát triển các vùng sản xuất tập trung theo hướng an toàn thực phẩm, VietGAP để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn đạt yêu cầu chất lượng, đáp ứng cho thị trường xuất khẩu.

Bình luận