Phát hiện doanh nghiệp xả thải nước chưa qua xử lý ra sông Sa Lung

Bình luận · 202 Lượt xem

Nhận nguồn tin từ phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, UBND huyện Vĩnh Linh đã cử đoàn công tác đến hiện trường ghi nhận việc doanh nghiệp xả thải ra sông Sa Lung.

 

Nước sông ô nhiễm, hơn 160ha tôm chết trắng

Hàng trăm điểm xả thải vào sông Đa Độ

Cố tình xả thải hay chỉ là sự cố?

Cuối trưa 19/9, sau khi ghi nhận tình hình xả thải ra sông Sa Lung từ phía Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị (Công ty Đức Hiền) tại xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, PV Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông báo cho ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh. Ngay sau đó, ông Thành đã chỉ đạo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện, các lực lượng công an, Phòng Tài nguyên và Môi trường… đến hiện trường kiểm tra thực tế. Trung tâm Quan trắc Sở TN-MT Quảng Trị cũng đến hiện trường để kiểm tra chất lượng nguồn nước.

 

Hiện trường ghi nhận, thời điểm kiểm tra đột xuất, một dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc chảy từ hệ thống đường dẫn bằng bê tông ngầm xuất phát từ phía sau lưng nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Đức Hiền chảy thẳng ra sông Sa Lung.

 

Khi đoàn công tác vừa vào hiện trường, ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty Đức Hiền khẳng định, không có chuyện đơn vị này xả thẳng nước chưa qua xử lý ra sông Sa Lung. Toàn bộ nước chảy ra sông Sa Lung là nước mưa, nước sinh hoạt của người dân chảy vào hệ thống cống thoát nước của công ty.

 

Sau khi kiểm tra tình hình thực tế, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo đoàn công tác lần ngược dòng nước chảy vào tận Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Đức Hiền. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện, ngoài hệ thống thu gom, xử lý nước thải sản xuất chảy vào hồ xử lý, công ty này đã tự ý lắp đặt một đường ống ngầm đi qua vườn của người dân để xả thải nước chưa qua xử lý vào sông Sa Lung.

 

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện Công ty Đức Hiền chôn một hệ thống ống ngầm ra dòng sông.

 

Đến lúc này, ông Đức lý giải rằng, đó chỉ là hệ thống thu gom nước mưa của công ty và được phép chảy thẳng ra môi trường.

 

Tuy nhiên, thời điểm trưa 19/9, trời nắng to nhưng vẫn có nguồn nước bẩn chảy ra sông Sa Lung. Đến lúc này, ông Đức mới thừa nhận đó chỉ là sự cố ngoài ý muốn. Nước sản xuất, chế biến mủ cao su đã bằng cách nào đó trộn lẫn vào dòng nước mưa để xả ra sông Sa Lung.

 

Lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Linh cho biết, trước đó, qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã yêu cầu công ty phải đập bỏ hệ thống thu gom nước mưa xả thẳng ra môi trường. Mọi nguồn nước xuất phát từ phía công ty đều phải đi vào hồ xử lý.

 

Đoàn công tác đã lấy 4 mẫu nước tại 4 điểm để quan trắc chất lượng nguồn nước.

 

Hàng trăm ha tôm nuôi chết do lấy nước từ sông Sa Lung

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết, cuộc kiểm tra đã phát hiện ra những vi phạm trong vấn đề xả thải của Công ty Đức Hiền. UBND huyện Vĩnh Linh đã lập biên bản ghi nhận hiện trường còn mức độ xử lý đến đâu còn phụ thuộc vào kết quả quan trắc các mẫu nước.

 

Lực lượng chức năng phát hiện 1 đường ống ngầm nối ra dòng sông ngay phía sau lưng Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Đức Hiền. Ảnh: Võ Dũng.

Lực lượng chức năng phát hiện 1 đường ống ngầm nối ra dòng sông ngay phía sau lưng Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Đức Hiền. Ảnh: Võ Dũng.

 

Được biết, đây không phải lần đầu, kể từ năm 2022, Công ty Đức Hiền vi phạm các quy định của Pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, những lần trước, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị chỉ lập biên bản hiện trường, nhắc nhở, yêu cầu công ty khắc phục. Tuy nhiên, khi các đoàn công tác rời đi, phía Công ty Đức Hiền lại tiếp tục tái phạm.

 

Trước đó, từ tháng 3/2023, tôm nuôi của người dân ở hạ nguồn, lấy nước từ sông sông Sa Lung chảy về liên tiếp bị chết. Quá bức xúc, người dân đã thuê thuyền đi ngược dòng sông và phát hiện nước sông tại vùng thượng nguồn đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Tại vùng thượng nguồn thuộc địa bàn xã Vĩnh Long hiện có một số đơn vị chế biến mủ cao su, trong đó có Công ty Đức Hiền.

 

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú Y Quảng Trị, tính từ tháng 3- tháng 7/2023, toàn tỉnh đã có trên 300 ha tôm nuôi bị chết. Ngoài việc xuất cấp gần 15 tấn hóa chất, UBND tỉnh Quảng Trị phải đề xuất Chính phủ hỗ trợ 76 tấn hóa chất để phục vụ công tác dập dịch.

 

Sau khi sự việc xẩy ra, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản chỉ đạo các cấp ngành, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Trị thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải của các công ty tại vùng thượng nguồn sông Sa Lung. Tuy nhiên, khi các đoàn kiểm tra chưa phát hiện ra các hành vi xả thải, qua nguồn tin từ Báo Nông nghiệp Việt Nam, lực lượng chức năng đã phát hiện sự việc xả thải không đúng quy định từ phía Công ty Đức Hiền.

 

Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

 

Theo Giấy phép môi trường UBND tỉnh Quảng Trị cấp ngày 13/3/2023, Công ty TNHH Đức Hiền Quảng Trị có địa chỉ tại thị trấn Bến Quan (huyện Vĩnh Linh). Nhà máy chế biến mủ cao su của công ty này đóng tại Km7+900, tỉnh lộ 571, thuộc địa bàn xã Vĩnh Long có công suất chế biến 5 nghìn tấn/năm. Giấy phép môi trường của UBND tỉnh Quảng Trị cũng nêu rõ, đơn vị được phép xả nước thải ra môi trường và thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định được nêu cụ thể.

Bình luận