Nhà máy Đường An Khê hỗ trợ chuyển đổi cây trồng

Bình luận · 34 Lượt xem

Nhà máy Đường An Khê có chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng từ vụ 2024-2025 đến vụ 2026-2027 đối với những diện tích trồng các cây trồng khác chuyển sang trồng mía.

Diện tích mía không ngừng tăng

Trong niên vụ 2023 - 2024, năng suất mía trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai của Nhà máy Đường An Khê (đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi) bình quân đạt từ 90 - 100 tấn/ha. Trong khi đó, giá thu mua mía của nhà máy đạt cao nhất từ trước đến nay, dao động từ 1.100 - 1.200 đồng/kg, hộ trồng mía có lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/ha. Người trồng mía ở vùng Đông Gia Lai gồm các huyện Kbang, Kông Chro, Đăk Pơ và thị xã An Khê vô cùng phấn khởi vì tiền vào túi rủng rỉnh.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê, trong năm 2024, tuy thời tiết bất thuận, nắng nóng cao độ kéo dài nhưng năng suất mía bình quân đạt trên 73 tấn/ha; sản lượng ước đạt trên 2,3 triệu tấn. Ngày 23/10/2024, Nhà máy đường An Khê tiến hành ra quân cày đất trồng mía trên diện tích mở rộng, diện tích này trước đây trồng các cây trồng khác kém hiệu quả, nay bà con chuyển sang trồng mía.

Với nhiều chính sách hỗ trợ, kỳ vọng sang năm 2025 diện tích mía nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) sẽ đạt đến 33.000ha. Ảnh: V.Đ.T.

Với nhiều chính sách hỗ trợ, kỳ vọng sang năm 2025 diện tích mía nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) sẽ đạt đến 33.000ha. Ảnh: V.Đ.T.

“Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi đồng thời có chính sách đầu tư bổ sung nhằm khuyến khích nông dân có đất đang trồng các cây trồng khác kém hiệu quả chuyển sang trồng mía. Hi vọng trong năm tới, diện tích mía nguyên liệu của Nhà máy sẽ tăng đến 33.000ha”, ông Nguyễn Hoàng Phước cho hay.

Riêng trên địa bàn huyện Kbang, tính đến nay đã có trên 10.000ha mía được trồng trải rộng ở 7 xã trọng điểm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Anh Đinh Hyon ở làng Bờ, xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang), chia sẻ: “Gia đình mình trồng khoảng 3ha mía, trung bình mỗi vụ thu được khoảng hơn 200 tấn mía nguyên liệu, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng”.

Cây mía khẳng định vị thế

Dự kiến đầu tháng 12/2024, Nhà máy đường An Khê sẽ khởi động niên vụ ép 2024 - 2025. Ngày 22/10, Nhà máy đã ban hành thông báo bổ sung chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu mía và bảo hiểm giá thu mua mía từ niên vụ ép 2024 - 2025 đến niên vụ ép 2027 - 2028.

Căn cứ tình hình thực tế, Nhà máy đã có định hướng phát triển vùng nguyên liệu mía trong thời gian đến. Theo đó, Nhà máy sẽ triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trong 3 vụ 2024 - 2025, 2025 - 2026 và 2026 - 2027 đối với những diện tích đất trồng các cây trồng khác chuyển sang trồng mía.

Trong đó, đối với đất trồng keo, bạch đàn và các cây công nghiệp dài ngày hoặc đất khai hoang chuyển sang trồng mía sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha; những diện tích đất đang trồng mì (sắn) chuyển sang trồng mía sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha.

Hiện Nhà máy đường An Khê có xí nghiệp cơ giới gồm 350 máy cày công suất lớn, 8 máy thu hoạch. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện Nhà máy đường An Khê có xí nghiệp cơ giới gồm 350 máy cày công suất lớn, 8 máy thu hoạch. Ảnh: V.Đ.T.

Bên cạnh đó, Nhà máy đường An Khê cũng thông báo chính sách bảo hiểm giá thu mua mía 4 vụ liên tiếp, từ niên vụ 2024 - 2025 đến niên vụ ép 2027 - 2028. Theo đó, giá thu mua mía tại ruộng được bảo hiểm với mức 1 triệu đồng/tấn (10 chữ đường).

“Khi triển khai các vụ thu hoạch mía, căn cứ vào tình hình thị trường thực tế, Nhà máy sẽ ban hành giá thu mua mía trong từng thời kỳ, không thấp hơn giá mức bảo hiểm giá mía Nhà máy đã ban hành”, ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê cho biết.

Ngày 20/8/2024, UBND tỉnh Gia Lai đã có Quyết định số 383/QĐ-UBND ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó đến năm 2025, Gia Lai sẽ duy trì ổn định khoảng 38.000ha mía, sản lượng đạt khoảng 2,66 triệu tấn nhằm cung cấp đủ mía nguyên liệu cho 2 nhà máy đường An Khê và Ayun Pa. Đẩy mạnh cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, đưa giống mía mới vào sản xuất, tạo mối liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp.

“Nhà máy đường An Khê hiện có một xí nghiệp cơ giới gồm 350 máy cày công suất lớn, 8 máy thu hoạch, cùng với hàng trăm phương tiện cơ giới khác”, ông Nguyễn Hoàng Phước cho hay.

Bình luận