Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững

Bình luận · 212 Lượt xem

Ngày 17/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững.


Thứ trưởng Hoàng Trung phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết: Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do. Đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do. Đây cơ hội lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tham gia vào các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đòi hỏi người dân và doanh nghiệp tự nâng cao năng lực, áp dụng công nghệ để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cao không chỉ đối với chất lượng sản phẩm, mà còn cả về mẫu mã và các tiêu chuẩn về môi trường.

Trong mọi giai đoạn, nông nghiệp Việt Nam luôn được coi là bệ đỡ của nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là việc tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư để hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Theo Quyết định số 749 của ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Bộ Nông nghiệp và PTNT luôn xác định chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân; Chuyển đổi số chính là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất.

Thứ trưởng Hoàng Trung chỉ ra: Quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu; quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương; nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế; diện tích canh tác nhỏ; các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế.

Do đó, quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước tại cấp trung ương, địa phương còn là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, người dân và đặc biệt là hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các cộng đồng quốc tế. Trong thời gian qua, một số dự án hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế như UNDP, UNIDO, GIZ, IRRI, IDH, Oxfarm… đã triển khai nhiều mô hình thí điểm về ứng dụng số hóa trong sản xuất, thu hoạch, phân phối một số loại nông sản chủ lực của Việt Nam như lúa, tôm, cà phê, cây ăn trái… đã đạt được những thành công nhất định.

Ông Patrick Haveman, Phó Trưởng Đại diện UNDP cho biết: Chúng tôi chia sẻ tầm nhìn chung về một nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững. Chúng tôi tin rằng có các giải pháp kỹ thuật số tiên tiến để thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp ít carbon và thân thiện với môi trường trên toàn bộ hệ thống nông nghiệp và chuỗi giá trị của hệ thống.

Ông Patrick Haveman, Phó Trưởng Đại diện UNDP

Theo ông Patrick Haveman, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và phát triển vượt bậc trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn. Năm 2022, bất chấp tác động của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và các thách thức khác, xuất khẩu nông nghiệp đạt kỷ lục 52,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; xuất siêu trên 8,5 tỷ USD. Khi nền kinh tế nông nghiệp tăng trưởng, ngành này cũng ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong phát thải khí nhà kính ở Việt Nam.

Từ năm 2015, ngành nông nghiệp Việt Nam đón đầu hai xu thế lớn của toàn cầu là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Industry 4.0 và khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Việt Nam đã thực hiện các bước chuyển đổi để thúc đẩy nông nghiệp thông minh với khí hậu kể từ Hiệp định Paris năm 2015. Tuy nhiên, hàng chục triệu nông dân ở Việt Nam đang phải đối mặt trực tiếp với các tác động của khí hậu cực đoan. Điều quan trọng là Việt Nam phải tham gia hành động toàn cầu để cắt giảm phát thải khí nhà kính, và do đó, ngành nông nghiệp cũng cần giảm tỷ lệ phát thải carbon.

Ông Patrick Haveman cho biết, UNDP và Bộ NN&PTNT đã phối hợp làm việc trong hai năm qua để thiết lập một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử sáng tạo nhằm theo dõi lượng phát thải khí nhà kính trong hai mặt hàng nông sản xuất khẩu chính là thanh long và tôm. Ông bày tỏ hy vọng trong tương lai gần, Bộ NN&PTNT có thể đẩy mạnh ứng dụng hệ thống kỹ thuật số trong việc quản lý dấu chân carbon cho tất cả các ngành xuất khẩu chủ lực. Trong bối cảnh chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, đây trở thành một công cụ thiết yếu để các nhà sản xuất và doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam theo dõi và quản lý mức độ phát thải CO2 của chuỗi cung ứng.

Ông Patrick Haveman tin tưởng rằng nếu chúng ta thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng có hệ thống các giải pháp kỹ thuật số tiên tiến, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh hơn. Khi Việt Nam áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc dấu chân carbon cho tất cả các trang trại và vùng sản xuất, người tiêu dùng trong nước và quốc tế có thể quét mã QR một cách minh bạch để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm và mức độ thực hành xanh hoặc thân thiện với môi trường được áp dụng trong quá trình sản xuất. Việc dán nhãn xanh như vậy sẽ làm cho hàng hóa của Việt Nam nổi bật về môi trường và lợi thế cạnh tranh “xanh”. Nhãn xanh là chứng nhận đại diện cho việc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế về môi trường, thiên nhiên, bảo vệ hệ sinh thái và an toàn thực phẩm.

Ông Patrick Haveman khẳng định: UNDP nhận thấy tầm quan trọng của quản trị dữ liệu và hợp tác quốc tế trong việc thu thập và quản lý dữ liệu vì sự phát triển xanh và bền vững trong ngành nông nghiệp của Việt Nam. Trong khi nhiều người trong chúng ta đã tham gia với nhiều bên liên quan trong các chuỗi giá trị nông nghiệp khác nhau, chúng ta không thể có một nền tảng mở chung cho các doanh nghiệp nông nghiệp và các bên liên quan để thúc đẩy các sáng kiến xanh, thực hành thông minh với khí hậu và theo dõi hoạt động kinh doanh xanh và có trách nhiệm. Chúng tôi muốn làm việc với Bộ NN&PTNT và tất cả các đối tác liên quan để thành lập Trung tâm Nông nghiệp cho các mặt hàng Nông nghiệp Xanh tại Việt Nam. Trung tâm này phục vụ kết nối dữ liệu thông tin cho toàn bộ nông dân và doanh nghiệp. Trong nỗ lực đó, việc áp dụng số hóa, hài hòa hóa dữ liệu đầu vào và tập hợp đầu tư vào một số công nghệ tiên tiến quan trọng là điều cần thiết để làm cho nền tảng này trở nên khả thi.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ NN-PTNT sẽ tập trung vào số hóa dữ liệu để phục vụ việc ứng dụng số hóa trong ngành NN-PTNT trong thời gian tới. Hiện nay, tỷ lệ nông dân Việt Nam sử dụng internet hằng ngày khá cao, đây là một trong những thuận lợi giúp nông dân ứng dụng số hóa vào trong sản xuất. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ giúp sản phẩm nông, lâm, thủy sản của nông dân đáp ứng được đòi hỏi của thị trường về tính minh bạch trong quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà chuyển đổi số còn giúp nông dân gia tăng giá trị, hiệu quả của sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp

Các đại biểu tham dự Hội nghị

HNN (mard.gov.vn)

Bình luận