Rừng trồng 20 năm nhưng không thể khai thác

Bình luận · 162 Lượt xem

Nhiều hộ dân ở huyện Na Rì (Bắc Kạn) trồng rừng cách đây 20 năm, nhưng đến nay vẫn không thể khai thác do diện tích chồng lấn, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Gia đình anh Lộc Văn Huyến ở xã Côn Minh, huyện Na Rì trồng rừng từ năm 2002, toàn bộ diện tích hơn 5ha của gia đình anh đã được cấp sổ đỏ, được Chương trình trồng rừng 327 hỗ trợ giống và kỹ thuật. Khi anh Huyến trồng rừng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (nay là Khu Dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ) chưa thành lập. Tuy nhiên, sau này, toàn bộ diện tích rừng trồng của gia đình anh Huyến được quy hoạch thành rừng đặc dụng thuộc Khu Dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ.

 

Anh Huyến cho biết, kể từ khi bị quy hoạch thành rừng đặc dụng, toàn bộ diện tích rừng trồng của gia đình không thể khai thác, bây giờ cây đã hơn 20 năm tuổi. Lúc trồng rừng cũng mong muốn có nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống, nhưng đến nay rất thất vọng.

 

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Bắc Kạn, địa phương có hơn 350ha rừng trồng tại 4 xã giáp ranh với Khu Dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ bị quy hoạch thành rừng đặc dụng sau khi có chủ trương quy hoạch lại 3 loại rừng. Đa số những diện tích này người dân đã trồng cây từ trước năm 2002 nhưng đến năm 2003, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ được thành lập đã quy hoạch phần diện tích này vào đất thuộc khu bảo tồn quản lý. Từ đó, do đất sản xuất của người dân thuộc vùng đệm khu bảo tồn nên bà con không thể khai thác gỗ do chính mình trồng. Người dân cũng đã kiến nghị nhiều lần nhưng địa phương, ngành chuyên môn đều lúng túng chưa thể giải quyết.

 

Tương tự như vậy, hiện cũng có một số diện tích rừng trồng của người dân sinh sống xung quanh Khu Bảo tồn Nam Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn) bị quy hoạch từ rừng sản xuất thành rừng đặc dụng, cũng không thể khai thác trong suốt nhiều năm qua.

 

Ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Kạn cho biết, đơn vị cũng đã nắm được tình hình, hiện nay rừng trồng trên những diện tích chồng lấn này đã đến tuổi khai thác, rất nhiều hộ dân đã từng tham gia các dự án, hoặc có hộ dân phải đi vay vốn để trồng rừng. Nhưng theo quy định, diện tích rừng này không được khai thác dẫn đến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.  

 

 Ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, trước thực trạng này, UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT rà soát và sẽ có điều chỉnh để đưa hơn 500ha ra ngoài quy hoạch rừng đặc dụng. Dự kiến đến quý II năm 2024, Sở NN-PTNT sẽ hoàn thành báo cáo, tham mưu UBND tỉnh để tiến hành những thủ tục tiếp theo. Sau khi đưa ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng người dân mới có thể khai thác và tiếp tục trồng rừng.

 

Khu Dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ có diện tích hơn 15.000ha trải dài trên địa bàn 6 xã thuộc 2 huyện Bạch Thông và Na Rì. Người dân sinh sống xung quanh khu vực này đa số cuộc sống còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nguyên nhân một phần do thiếu đất sản xuất, đất ruộng rất ít, thu nhập của người dân chủ yếu trông chờ vào trồng rừng.

 

 

Suốt nhiều năm qua, người dân có đất quy hoạch chồng lấn mong mỏi từng ngày có đất sản xuất, khai thác rừng đã trồng. Đây là quyền lợi rất chính đáng của người dân. Theo người dân địa phương, phần lớn diện tích bị quy hoạch thành rừng đặc dụng người dân đã trồng cây mỡ. Với giá bán gỗ hiện nay, 1ha cây mỡ 20 năm tuổi sẽ mang lại lợi nhuận không dưới 150 triệu đồng. Trong khi đó diện tích mà người dân không thể khai thác lên đến hàng trăm ha, đây là nguồn thu nhập không nhỏ với người dân ở nông thôn.

 

Được biết theo quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, văn bản này sẽ là cơ sở quan trọng để các địa phương, ngành chuyên môn kịp thời điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng phù hợp với quy hoạch chung của địa phương. 

 

Trên cơ sở quy hoạch đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân, UBND tỉnh Bắc Kạn đang chỉ đạo quyết liệt những đơn vị có liên quan khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến diện tích rừng chồng lấn trên địa bàn tỉnh.

 

 

Ngọc Tú

 

 

Bình luận