Chăn nuôi Vĩnh Phúc gặp khó ló khôn: [Bài 2] Nuôi bò thịt lãi hơn 15 triệu đồng/con

Bình luận · 127 Lượt xem

Lúc cao điểm, gia đình bà Hà Thị Thùy Linh (huyện Sông Lô) có hơn 300 con bò thịt, trừ đi chi, mỗi tháng bà lãi khoảng hơn 1,5 triệu đồng mỗi con.

Nuôi bò thịt ít lo hơn nuôi lợn, nuôi gà

Lãng Công là xã bán sơn địa của huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích tự nhiên hơn 2.000ha, xấp xỉ 1.900 hộ dân, hơn 8.000 nhân khẩu. Từ điều kiện đất đai, khí hậu Lãng Công đều phù hợp với phát triển chăn nuôi, đặc biệt là nghề nuôi lợn, nuôi gà và nuôi bò thịt.

Tuy nhiên, vào những năm trước, người chăn nuôi thường xuyên gặp phải rủi ro, nhất là vấn đề dịch bệnh và giá cả thị trường. Với tập quán chăn nuôi đại gia súc thả rông, dễ lây lan mầm bệnh, khi có dịch nhanh chóng lây lan trên diện rộng.

Ông Vũ Tiến Phú, cán bộ Chăn nuôi Thú y xã Lãng Công chia sẻ: Nghề nuôi bò thịt mới du nhập về Lãng Công độ mấy năm nay. Ngày trước, người dân chủ yếu nuôi bò sinh sản nhập về từ Úc, tuy nhiên do môi trường không phù hợp nên tỷ lệ đậu thai thấp, dần dần chuyển sang nuôi bò thịt cao sản 3B.

Ở thời điểm hiện tại, nếu so với nuôi lợn, nuôi gà thì nuôi bò 3B có thể lợi nhuận chưa cao bằng nhưng đổi lại ít nỗi lo về dịch bệnh, môi trường và thị trường tương đối ổn định.

Ông Phú thống kê, xã Lãng Công có tổng đàn trâu bò dao động từ 1.500 -1.700 con, đàn lợn hơn 10.000 con cùng với các mô hình chăn nuôi gia cầm, thủy cầm… Hạch toán kinh tế cho thấy mỗi một con bò 3B nhập về từ khoảng 2 tháng tuổi có giá từ 15 - 17 triệu đồng, nuôi trong vòng 10 tháng có thể đạt mốc 5,5 -6 tạ. Giá hiện tại 90 nghìn đồng/kg hơi, trừ đi chi phí mỗi con lãi từ 13 -15 triệu đồng.

“Nuôi bò thịt cao sản 3B khá đơn giản, khẩu phần ăn chủ yếu là cỏ và thức ăn công nghiệp. Đặc biệtvấn đề dịch bệnh và môi trường. Trong khi người nuôi lợn hiện nay đang rất lo lắng về dịch tai xanh và tả lợn Châu Phi, vacxin bảo hộ đang còn thấp người nuôi bò ít lo hơn. Một số bệnh chính của bò như lở mồm long móng, viêm da nổi cục, nhờ tiêm vacxin đầy đủ, vệ sinh chuồng trại và đảm bảo nguồn thức ăn nên ở Lãng Công nhiều năm nay chưa thấy xuất hiện”, cán bộ Chăn nuôi và Thú y xã Lãng Công cho biết.

Người nuôi bò thịt cao sản 3B nhiều nhất ở xã Lãng Công là hộ bà Hà Thị Thùy Linh. Cao điểm vào năm ngoái, trang trại nhà bà Linh có hơn 300 con bò 3B, chủ yếu đưa giống từ miền Tây Nam bộ ra nuôi.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, vợ chồng bà Linh đầu tư nuôi theo hướng chứng nhận VietGAHP gắn với tiêu thụ sản phẩm. Từ quy trình chăm sóc bò thịt, sản xuất thức ăn, sử dụng chế phẩm vi sinh vào xử lý chuồng trại… đều được cải tiến theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Bà Linh chia sẻ: Trước kia ở Lãng Công cũng đã có một số hộ chăn nuôi bò thịt, tuy nhiên bà con chủ yếu chăn nuôi theo kiểu tự học tập kinh nghiệm của nhau. Chưa biết cách xác định khối lượng bò trước khi đưa vào nuôi để hạch toán và định lượng thức ăn, chưa biết thế nào là loại trừ nội, ngoại ký sinh trùng nên ảnh hưởng đến tiêu hóa hấp thu của đàn bò… Vì vậy, dù vẫn có giá trị kinh tế, nhưng thường bấp bênh, nhất là nỗi lo dịch bệnh, không biết cách phòng tránh thế nào.

Thăm mô hình trang trại bò thịt lớn nhất xã Lãng Công. Ảnh: Văn Việt. 

Thăm mô hình trang trại bò thịt lớn nhất xã Lãng Công. Ảnh: Văn Việt. 

Kể từ khi tham gia dự án nuôi bò thịt theo quy trình VietGAHP bà con được cán bộ kỹ thuật đến khảo sát từng hộ, đo khối lượng, xác định độ tuổi bò, giới tính, giống từ đó phân loại và cùng với các hộ chăn nuôi lên kế hoạch chăm sóc đàn bò.

Từ đó, giúp cho đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh từ đó giảm được chi phí sản xuất, giá thành đầu vào. Lượng phân thải từ chuồng nuôi được xử lý bằng chế phẩm vi sinh trở thành nguồn phân bón cho các đồng cỏ, vườn cây ăn quả tạo thành các mô hình kinh tế tuần hoàn, tích hợp đa giá trị.

“Tính bình quân mỗi con bò 3B đem lại lợi nhuận cho người dân từ 1,5 -2 triệu đồng mỗi tháng, so với nuôi lợn, nuôi gà vừa ổn định hơn lại đỡ lo dịch bệnh hoành hành. Kế từ khi nuôi bò thịt theo VietGAHP gia đình cũng không cần tốn tiền mua phân bón trồng cỏ hay cây ăn quả nữa”, bà Linh khẳng định.

Nhân rộng mô hình VietGAHP bền vững

Sau thành công mô hình điểm ở hộ bà Hà thị Thùy Linh, hiện xã Lãng Công đã xuất hiện thêm nhiều mô hình chăn nuôi bò thịt VietGAHP, mỗi mô hình đang nuôi từ 15 -20 con, mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 - 300 triệu đồng.

Theo Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc, thông qua các hoạt động của dự án như tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò thịt theo VietGAHP, hỗ trợ vật tư và đặc biệt là công tác chỉ đạo kỹ thuật trực tiếp tại các mô hình trình diễn đã làm thay đổi tư duy của người chăn nuôi.

Trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã triển khai hỗ trợ cho 6 hộ chăn nuôi bò trên địa bàn huyện Sông Lô và Lập Thạch.

Tham gia dự án, các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% thức ăn, 50% thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn VietGAHP. Ngoài ra, người nuôi bò được tập huấn đầy đủ 100% theo yêu cầu của dự án.

Nuôi bò thịt VietGAHP bền vững ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Nuôi bò thịt VietGAHP bền vững ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

“Từ thay đổi tư duy, bà con không chỉ hiểu biết về kỹ thuật, xây dựng các mô hình chăn nuôi bền vững, bảo vệ môi trường mà còn góp phần phát triển nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa của tỉnh Vĩnh Phúc”, ông Vũ Hoàng Lân, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc cho biết.

Xác định phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mục tiêu của tỉnh Vĩnh Phúc tập trung ba loại vật nuôi chủ lực, trong đó thường xuyên duy trì tổng đàn bò thịt khoảng 105.000 con.

Tại buổi làm việc với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mới đây, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như: Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Giống nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông khuyến khích doanh nghiệp, HTX, người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tiêu chuẩn VietGAHP đa dạng hóa đối tượng nuôi, phương thức nuôi.

Các mô hình chăn nuôi như ở Lãng Công sẽ là cơ sở để người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thay đổi tư duy thói quen từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP để tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận