Tỉnh Nam Định đang trở thành điểm sáng và dẫn đầu toàn quốc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM). Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông, điện... được tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp theo hướng đồng bộ, kết nối toàn tỉnh và khu vực, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt, phục vụ sản xuất. Để có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương, còn có vai trò không nhỏ của nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng kịp thời đáp ứng nhu cầu tài chính cho phát triển nông nghiệp, nông thôn ngày càng có chiều sâu, bền vững.
Giải ngân vốn vay tại trụ sở Agribank Chi nhánh Ý Yên ở thị trấn Lâm. |
Là đơn vị tích cực thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng NTM ở các địa phương, thời gian qua, hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Nam Định và Agribank Chi nhánh Bắc Nam Định luôn bám sát định hướng, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và tình hình thực tế tại các địa phương để xây dựng kế hoạch cho vay, xác định mức đầu tư phù hợp cho các doanh nghiệp, hộ cá thể, đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, mở rộng thị trường. Từ đầu năm 2024 đến nay, hệ thống Agribank đã nỗ lực điều chỉnh lãi suất huy động và tiết giảm chi phí hoạt động nên có điều kiện thực hiện 3 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 0,5%-1%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 1-1,5%/năm so với đầu năm; giúp sàn lãi suất cho vay thông thường ngắn hạn của Agribank chỉ từ 5,0%/năm, cho vay trung dài hạn chỉ từ 7,5%/năm. Đồng thời, tích cực tuyên truyền các chương trình tín dụng ưu đãi của Agribank hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi, phát triển kinh tế như: Chương trình tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô 10 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp nhất 3,5%/năm; Chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng cá nhân phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh quy mô 50 nghìn tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 3%/năm; Chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống quy mô 10 nghìn tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 4%/năm. 6 tháng đầu năm 2024, tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế đạt 109.460 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 5,2% so với năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 59.492 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 54,6% tổng dư nợ cho vay.
Ông Trần Văn Pha, chủ trang trại nuôi lợn tại xã Nghĩa An (Nam Trực) là khách hàng thân thiết với Agribank huyện Nam Trực chia sẻ: “Gia đình tôi vay vốn chủ yếu về phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi tăng, chi phí phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng tăng, trong khi giá bán sản phẩm ra thị trường lại bấp bênh. Với việc Agribank thông tin giảm lãi suất chúng tôi thấy phấn khởi hơn vì giảm được chi phí tiền lãi vay hàng tháng và có thể tiếp tục vay vốn để phát triển kinh tế”.
Cùng với hệ thống ngân hàng thương mại, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đẩy mạnh tiếp vốn đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách. Doanh số giải ngân 5 tháng đầu năm 2024 tại Chi nhánh đạt 627,8 tỷ đồng, với 15.350 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến hết tháng 5/2024 đạt 4.540 tỷ đồng, tăng 151,9 tỷ đồng so với năm 2023 thông qua 2.821 tổ tiết kiệm và vay vốn; với 100.539 khách hàng còn dư nợ. Đến nay, toàn tỉnh không còn phòng giao dịch nào có dư nợ dưới 100 tỷ đồng. Nhiều đơn vị có dư nợ trên 500 tỷ đồng như: huyện Giao Thủy trên 500 tỷ đồng, huyện Nghĩa Hưng trên 600 tỷ đồng, các huyện Hải Hậu và Ý Yên trên 700 tỷ đồng.
Đầu tư vốn vay hiệu quả vào khu vực nông nghiệp, nông thôn đã thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa bàn nông thôn; giúp cho hộ sản xuất, kinh doanh có thêm cơ hội lựa chọn các dự án đầu tư; đặc biệt đối với các làng nghề, hộ làm kinh tế trang trại, kinh tế biển có vốn để khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh; khắc phục tình trạng vay nặng lãi, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM của tỉnh. Từ đó, ở các địa phương ngày càng có nhiều tập thể, cá nhân nông dân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, khôi phục và phát triển nghề truyền thống. Tiêu biểu như nghề nuôi thuỷ sản tại xã Hải Phúc, nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Hải Minh (Hải Hậu), nuôi ngao vạng ở xã Giao Xuân (Giao Thủy), nuôi cá bống bớp ở thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); nghề cơ khí tại thị trấn Xuân Trường... Các ngành nghề này đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động và có thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều mô hình kinh tế, dự án điển hình tiên tiến được nhân rộng, tăng thêm thu nhập cho người dân như các mô hình: “Liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm cá trắm đen” tại xã Xuân Vinh (Xuân Trường); “Xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm” tại xã Yên Nghĩa (Ý Yên); “Trồng hoa cúc” tại xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc); “Chăn nuôi lợn an toàn sinh học” tại xã Trực Thắng (Trực Ninh); “Tổ phụ nữ liên kết trồng hoa cây cảnh Điền Xá” tại xã Điền Xá (Nam Trực)... Các hộ vay vốn ngày càng tin tưởng vào chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nông dân thêm tin tưởng gắn bó với tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền địa phương; nhiều hộ được vay vốn đã giải quyết được việc làm và vươn lên thoát nghèo, nhiều trang trại mở ra cách làm ăn mới có hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, dòng vốn ngân hàng còn hỗ trợ các địa phương thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập, hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 199/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 96,6%); 39/188 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 05/16 thị trấn được công nhận đô thị thông minh. Hoàn thành hồ sơ trình thẩm định, xét công nhận huyện Giao Thủy đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2023. Toàn tỉnh hiện có 432 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên.
Thời gian tới, với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn Nam Định giàu mạnh, bền vững, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai khuyến khích thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phục vụ chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp; bám sát định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; phối hợp, kiến nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh tháo gỡ những khó khăn, ách tắc trong thủ tục hành chính, việc cấp sổ đỏ, kinh tế trang trại… giúp người dân có thể tiếp cận vốn tín dụng được nhiều hơn, thuận lợi hơn. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Chính phủ, chỉ đạo của ngành Ngân hàng, của tỉnh về các nhiệm vụ và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; ưu tiên, tập trung vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Thực hiện chuyển đổi cơ cấu dư nợ một cách hợp lý, đẩy mạnh nguồn vốn cho vay trung, dài hạn phù hợp với cơ cấu nguồn vốn huy động nhằm nâng cao hiệu quả tài chính. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn bám sát định hướng, mục tiêu và các giải pháp lớn về điều hành chính sách tiền tệ của ngành ngân hàng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thực hiện tốt công tác huy động vốn với các mức lãi suất linh hoạt, phù hợp để tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương.
Bài và ảnh: Đức Toàn