Tại Hội thảo quốc tế “Luật Hợp tác xã 2023 và những định hướng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã” diễn ra sáng 19/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, Luật Hợp tác (HTX) đã qua 3 lần ban hành, sửa đổi, bổ sung vào các năm 1996, 2003, 2012, tạo hành lang pháp lý quan trọng phát triển các HTX tại Việt Nam trong thời gian qua.
Số lượng HTX không ngừng tăng lên, doanh thu và thu nhập của thành viên, người lao động dần được cải thiện, giúp nâng cao đời sống kinh tế hộ thành viên, góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị cho xã hội.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, thực tiễn phát triển khu vực kinh tế tập thể tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ đa số còn yếu, cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật của HTX nghèo nàn. Các chính sách của Nhà nước về cơ bản chưa hỗ trợ được nhiều.
"Các thách thức này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi bức thiết đối với khu vực kinh tế tập thể cần thay đổi, phát huy các lợi thế và vận dụng kinh nghiệm quốc tế vào hoàn thiện chính sách phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX của Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.
Hỗ trợ tín dụng đóng vai trò đòn bẩy
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Giám đốc Liên đoàn Hợp tác xã Cộng hòa Liên bang Đức (DGRV) tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, Luật HTX Đức là luật HTX đầu tiên trên thế giới được thông qua vào năm 1889, đặt cơ sở nền móng cho các HTX Đức phát triển suốt hàng trăm năm qua.
Trong thời kỳ đầu của sự phát triển, Đức đã thành lập “Kho bạc nước Phổ” vào năm 1895 để có thể cung cấp tín dụng cho hoạt động kinh doanh của các HTX. Kho bạc nước Phổ có vai trò điều hòa vốn cho các HTX do Nhà nước cấp vốn ban đầu với lãi suất ưu đãi. Đây chính là tiền thân của ngân hàng Trung ương của các HTX ngày nay (DZ bank).
“Luật HTX và các quy định liên quan đến HTX Đức từ quá khứ đến nay đều tôn trọng quy tắc tự lực, tự chịu trách nhiệm, tự quản lý của các HTX. DGRV nhận ra, việc hỗ trợ các HTX về vốn và khung chính sách giai đoạn đầu rất cần thiết để HTX phát triển bền vững và tự lực về sau”, bà Minh chia sẻ.
Dựa trên kinh nghiệm phát triển của khu vực HTX của Đức, Giám đốc DGRV Việt Nam cho rằng, việc hỗ trợ HTX ở giai đoạn đầu mới thành lập đóng vai trò tương đối quan trọng để cho các HTX phát triển. Đối với các HTX Việt Nam, việc hỗ trợ tín dụng là rất quan trọng tạo đòn bẩy để HTX phát triển mà không mất đi tính tự lực vốn có.
Cần cơ quan chuyên trách hỗ trợ HTX phát triển
Một kinh nghiệm quốc tế khác đến từ các nước láng giềng Đông Nam Á cũng được chia sẻ tại hội thảo. Bà Jedsadaporn Sathapatyanon, Trưởng ban Hợp tác quốc tế Cục Phát triển Hợp tác xã Thái Lan cho hay, phong trào hợp tác xã ở Thái Lan có lịch sử 107 năm.
Hợp tác xã đầu tiên được thành lập ở Thái Lan năm 1916 có mục đích cải thiện sinh kế của những nông dân nhỏ và đang mắc nợ, những người bị ảnh hưởng bởi sự chuyển đổi từ nền kinh tế tự cung tự cấp sang nền kinh tế thương mại.
Kể từ đó, các HTX đã đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, tín dụng và dịch vụ. Hiện nay, Cơ quan Phát triển Hợp tác xã (CPD) trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan chịu trách nhiệm thúc đẩy và củng cố phong trào HTX ở nước này.
Bà Jedsadaporn Sathapatyanon cho biết thêm, CPD của Thái Lan hiện có 5 đề án chính hỗ trợ HTX, gồm: Bổ trợ kiến thức và tăng cường năng lực qua hoạt động đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật; giám sát, thể chế hóa, đăng ký và tăng cường hệ thống HTX; khuyến khích và hỗ trợ các HTX sản xuất, thu gom, chế biến, tiếp thị và phát triển công nghệ; hỗ trợ máy móc và thiết bị để nâng cấp hoạt động sản xuất và chế biến của HTX; thành lập Quỹ Phát triển Hợp tác xã.
Nhờ những chính sách hỗ trợ đó, tính đến tháng 12/2022, Thái Lan có tổng cộng 7.638 HTX, trong đó có 4.139 HTX nông nghiệp và 3.499 HTX phi nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp là loại hình HTX lớn nhất, với gần 10% dân số Thái Lan là thành viên (khoảng 66 triệu người vào năm 2022).
Cùng chung kinh nghiệm từ việc thành lập một cơ quan hỗ HTX, bà Elizabeth Organo Batonan, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký, Giám sát và Kiểm tra, Cơ quan Phát triển HTX Philippin cho biết, Cơ quan phát triển HTX (CDA) của nước này đứng đầu chủ trì các dự án hỗ trợ thực chất cho các HTX. Tuy nhiên, các ban ngành khác cũng có nghĩa vụ cung cấp dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính hỗ trợ HTX phát triển.
Cơ quan phát triển HTX CDA của Philippin có 4 chức năng chính. Trước tiên, CDA có thẩm quyền cấp đăng ký cho các hợp tác xã, cấp chứng chỉ tuân thủ, thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra.
Thứ hai, thực hiện chức năng hỗ trợ giải quyết tranh chấp, đóng vai trò cơ quan trọng tài giữa các HTX. Thứ ba, CDA giám sát và thực hiện dịch vụ tư pháp cho tất cả các loại hình hợp tác xã đã đăng ký với CDA. Cuối cùng là hỗ trợ kỹ thuật và các hình thức hỗ trợ khác cũng như các can thiệp phát triển nhằm mục đích phát triển các hợp tác xã.
“Philippin có hơn 27 loại hình HTX do có nhiều ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực hoạt động khác nhau. Do đó, CDA còn có chức năng kết nối các HTX với nhau, hoặc các HTX với cơ quan chức năng theo nghành nghề để nhận được sự hỗ trợ phù hợp”, bà Elizabeth Organo Batonan chia sẻ.