Gần 7 năm 'làm giàu' cho hơn 4.300 ha rừng

Bình luận · 55 Lượt xem

Các Nghị quyết 123 và 51 đã trở thành 'bà đỡ' giúp người trồng rừng ở huyện Hương Sơn biến rừng nghèo thành rừng giàu, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2018, HĐND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết 123/2018/NQ-HĐND, trong đó quy định: “Hỗ trợ bảo vệ, trồng bổ sung, làm giàu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ do UBND xã, hộ gia đình quản lý, với định mức từ 300 ngàn đồng đến 5 triệu đồng/ha”.

Đây được xem là bệ phóng làm tiền đề để biến những diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng ít giá trị trở thành những khu rừng giàu, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Những gốc lim trồng từ chính sách hỗ trợ của Nghị định 123 nay đã đạt đường kính hơn 40cm. Ảnh: Thanh Nga.

Những gốc lim trồng từ chính sách hỗ trợ của Nghị định 123 nay đã đạt đường kính hơn 40cm. Ảnh: Thanh Nga.

Kết thúc Nghị quyết 123, năm 2021, HĐND tỉnh này “bơm” chính sách mới bằng Nghị quyết 51, hỗ trợ kinh phí mua cây giống bản địa (lim xanh, cồng trắng, re hương, giổi, dó trầm, lát hoa, mỡ, gáo) và tiền nhân công cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng để trồng bổ sung, làm giàu rừng tự nhiên là rừng sản xuất, với mức 5 triệu đồng/ha.

Có trong tay nguồn lực, các địa phương phối hợp cơ quan chuyên môn là Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh hướng dẫn kỹ thuật cho người dân tổ chức trồng, làm giàu rừng.

Để cây bản địa phát triển nhanh, người dân cần xử lý thực bì, phát dây leo trước khi trồng. Đặc biệt, phải đảm bảo mật độ, ranh giới theo đúng hồ sơ thiết kế.

Ghi nhận tại huyện Hương Sơn cho thấy, đây là một trong những địa phương đứng top đầu tỉnh Hà Tĩnh về thực hiện chính sách hỗ trợ làm giàu rừng tự nhiên. Theo đó, từ 2018 đến nay, đã có hơn 4.300 ha rừng được hỗ trợ, với tổng chi phí thực hiện hơn 21 tỷ đồng. Các địa phương được thụ hưởng chính sách tập trung ở xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây và Sơn Hồng; trồng các loài cây bản địa như lim, de, dổi, cồng, mỡ…

Sơn Kim 1 là xã biên giới giáp nước bạn Lào. Địa phương này sở hữu hơn 21.400ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm đến hơn 96% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, rừng do các tổ chức quản lý hơn 18.500 ha; hộ gia đình quản lý là gần 3.000ha. Từ năm 2018 đến nay, thực hiện chính sách bảo vệ và trồng, làm giàu bổ sung rừng theo Nghị quyết 123 và Nghị quyết 51 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, UBND xã đã hỗ trợ trồng, làm giàu hơn 1.400 ha rừng tự nhiên cho 291 hộ dân, với số tiền hơn 7 tỷ đồng. Hầu hết diện tích rừng làm giàu đều phát triển rất tốt, tỷ lệ sống cao, nhiều cây đường kính hiện nay đã đạt 40 – 50cm.

“Hiệu quả chính sách làm giàu rừng tự nhiên là cực kỳ tốt. Chúng tôi kiến nghị những năm tiếp theo tỉnh tiếp tục duy trì chính sách này để các địa phương phủ xanh toàn bộ diện tích rừng nghèo”, ông Phan Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 nói.

Giống cây bản địa được chuẩn bị để cung ứng cho người dân trồng làm giàu rừng. Ảnh: Thanh Nga.

Giống cây bản địa được chuẩn bị để cung ứng cho người dân trồng làm giàu rừng. Ảnh: Thanh Nga.

Đối với cơ quan chuyên môn, ông Lê Ngọc Danh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn cho biết, thông qua sự giám sát, hỗ trợ kỹ thuật của Hạt, đơn vị tư vấn và chính quyền xã, người dân thực hiện khá bài bản quy trình trồng, chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng trồng bổ sung. Hiện một số diện tích bắt đầu hỗ trợ các khu rừng khép tán. Trong tương lai, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân sống gần rừng.

“Sự hỗ trợ tích cực của nhà nước cùng với ý thức người dân nâng lên đã góp phần rất lớn nâng cao giá trị, chất lượng rừng tự nhiên trên địa bàn. Về lâu dài, khi thị trường tín chỉ carbon được cả thế giới quan tâm thì những cánh rừng giàu của người dân Hương Sơn nói riêng và Hà Tĩnh nói chung sẽ mở ra cơ hội làm giàu cho chủ rừng, đặc biệt là chủ rừng hộ gia đình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn”, ông Danh nhấn mạnh thêm.

Bình luận