20 năm trồng lúa giống, lãi tiền tỷ, chị nông dân Tiền Giang được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023

Bình luận · 177 Lượt xem

Xác định làm lúa giống là “đầu cơ nghiệp”, chị Huỳnh Thị Thu Hà (xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) bỏ nghề sư phạm, lao vào xây dựng cánh đồng lớn làm lúa giống chia sẻ đồng lãi với nông dân, trở th?

Theo nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 Nguyễn Thị Thu Hà, hiện mỗi năm chị làm lúa giống với 160 ha, tung ra thị trường khoảng 2.000 tấn lúa giống các loại và thu lãi hơn 1 tỷ đồng.

 

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 làm lúa giống

Sau vụ lúa hè thu thắng lợi tưng bừng cả năng suất và giá lúa, nông dân ở xã Tân Hội Đông lại phấn khởi bắt đầu xuống lúa giống cho vụ Thu Đông. Thời điểm này về xã Tân Hội Đông thấy nhiều trà lúa mạ lất phất, xanh rờn. Tại đây, chị Thu Hà cũng đang cho nông dân cấy mạ làm lúa giống với 60 ha.

 

Chị Thu Hà chia sẻ, chị đến với nghề làm lúa giống là do "theo chồng". Sau khi học xong sư phạm và đi dạy học được thời gian ngắn, chị lấy chồng và giã từ luôn nghề gõ đầu trẻ.

 

Được 5 công đất của hồi môn, hai vợ chồng chị Thu Hà cày sâu, cuốc bẫm làm lúa giống. Cũng xuất thân là nông dân, với tính ham học hỏi và đặc biệt xác định làm lúa giống mới thu lãi cao, vợ chồng chị Thu Hà miệt mài sản xuất, tích tụ ruộng đất. Hiện, chị Thu Hà đã có 4 ha đất chuyên làm lúa giống.

 

Theo chị Thu Hà, so với trồng lúa ngang (lúa lương thực) thì làm lúa giống đòi hỏi nhiều công phu, tâm sức và kỹ thuật cao, nghiêm ngặt, như cơ giới hóa khâu làm đất, khâu thu hoạch, sạ hàng, IPM, ba giảm ba tăng, bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc... Bù lại, toàn bộ lúa giống chị Thu Hà làm ra được các trung tâm giống ở Tiền Giang và Long An thu mua hết với giá tốt.

 

Năm 2013, khi thấy nhu cầu lúa giống trong nông dân cao, chị Thu Hà thành lập Cơ sở dịch vụ Lúa Vàng chuyên cung cấp lúa giống cho nông dân cho đến nay.

 

Thấy với 4 ha đất làm lúa giống của ruộng nhà không thể đáp ứng nhu cầu thị trường, chị Thu Hà nảy sinh ý định liên kết với nông dân xây dựng cánh đồng lớn làm lúa giống. Thế là sau khi xây dựng cánh đồng lớn làm lúa giống ở địa phương, chị Thu Hà bành trướng sang khu vực Đồng Tháp Mười (Long An). Hiện, chị Thu Hà có 160 ha đất liên kết làm lúa giống với nông dân ở Tiền Giang và Long An.

 

Về phương thức liên kết, chị Thu Hà cho biết, chị đưa giống lúa nguyên chủng đầu dòng cho nông dân làm, bao công sạ, cấy cho nông dân; ký hợp đồng thu mua lúa theo giá thị trường và cộng thêm cho nông dân 800 đồng/kg lúa… Chị Thu Hà tính, với cách làm ăn này, trung bình nông dân có lời 2 triệu đồng/công đất.

 

"Mô hình liên kết cánh đồng lớn làm lúa giống đang hoạt động tốt, số lượng hộ tham gia ngày càng tăng", chị Thu Hà bộc bạch.

 

Theo chị Thu Hà, bà con tham gia mô hình rất thích làm giống lúa mới, kháng bệnh, sâu rầy. Nhiều giống khi triển khai sử dụng phân, thuốc BVTV rất ít.

 

"Mỗi vụ, tôi làm chục loại giống lúa. Sau thu hoạch, giống xấu loại bỏ, giống tốt kháng bệnh, sâu rầy, năng suất cao sẽ triển khai tiếp vụ sau cho nông dân. Mỗi ruộng làm 1 giống lúa không thay đổi để thuần giống, tránh phân ly", nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 cho biết.

 

Từ 5 công đất làm lúa giống ban đầu, giờ chị Thu Hà có 4 ha đất làm lúa giống, xây kho bảo quản lúa, xây 8 lò sấy 15-30 tấn/lò…, đặc biệt là 160 ha đất liên kết canh đồng lớn làm lúa giống với nông dân.

 

Theo chị Thu Hà, hiện vợ chồng chị đang xây dựng thương hiệu độc quyền cho một loại lúa có lên Lúa Vàng dẻo, thơm và kháng bệnh. Vợ chồng chị đang cho lai tạo làm thuần loại giống lúa này…

 

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 làm việc nghĩa

 

"Nông dân làm lúa có lời, thì doanh nghiệp cũng vui lây. Vụ rồi nông dân trồng lúa rất phấn khởi vì được mùa, được giá", đi trên con đường bê-tông vừa đủ cho một chiếc máy men theo ruộng lúa, chị Thu Hà thổ lộ.

 

Chỉ con đường bê tông nhỏ hẹp đang đi, chị Thu Hà chia sẻ, những năm qua, bộ mặt xã Tân Hội Đông đã thay đổi nhiều nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều.

 

"Ví như trước đây con đường đất khó đi này, nhờ sự đóng góp của bà con mà đã trở thành con đường bê tông sạch sẽ, nhưng vẫn còn nhỏ hẹp quá, phải làm lớn hơn nữa để bà con thuận tiện đi lại", chị Thu Hà nói.

 

Theo chị Thu Hà, để góp phần với chính quyền làm nông thôn mới, chị đã hỗ trợ đóng góp 50 triệu đồng cho công trình tuyến đường Nguyễn Văn Nên (ấp Tân Thuận). Hàng năm đóng góp các loại quỹ như quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa; tặng quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. 

 

Mỗi năm, giải quyết việc làm cho 40-50 lao động tại địa phương với mức lương trung bình 9 triệu đồng/người/tháng. Cho mượn vốn tạo sinh kế cho người dân…

 

"Song song với việc sản xuất kinh doanh, nuôi dạy con ăn học, bản thân và gia đình tôi luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Bản thân tích cực tham gia hoạt động xã hội, nhất là hưởng ứng Chương trình "Toàn dân tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới"…", nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 chia sẻ.

 

Với những thành tích về lao động sản xuất, về đóng góp xây dựng quê hương, tạo sinh kế cho người dân và tăng thu nhập cho nông dân, chị Thu Hà đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của UBND huyện Châu Thành, của Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang… suốt những năm qua.

 

Và năm 2023, chị Thu Hà vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là Nông dân xuất sắc 2023.

Bình luận