Ứng dụng công nghệ cao, tự tin nuôi tôm vụ đông

Bình luận · 227 Lượt xem

NINH BÌNH Hiện nay, nhờ ứng dụng công nghệ cao, người nuôi tôm miền Bắc đã có thể vượt qua khó khăn, bất lợi trong mùa đông và 'cửa thắng' tôm vụ đông nằm trong tầm tay.

Từ lâu, nuôi tôm vụ đông tại các tỉnh miền Bắc được ví như "đánh bạc" với trời, dù giá trị cao nhưng thời tiết khắc nghiệt khiến tôm kém phát triển và nhiều dịch bệnh. Hiện nay, nhờ ứng dụng công nghệ cao, người nuôi tôm miền Bắc đã có thể vượt qua khó khăn, bất lợi trong mùa đông và "cửa thắng" tôm vụ đông nằm trong tầm tay.

Triển khai từ năm 2016, đến nay, diện tích nuôi tôm công nghệ cao của huyện Kim Sơn đã phát triển lên đến gần 65ha. Ảnh: Huy Bình. 

Triển khai từ năm 2016, đến nay, diện tích nuôi tôm công nghệ cao của huyện Kim Sơn đã phát triển lên đến gần 65ha. Ảnh: Huy Bình. 

Tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình), mô hình nuôi tôm công nghệ cao được triển khai từ năm 2016 với quy mô ban đầu chỉ 0,6ha, đến nay, diện tích nuôi tôm công nghệ cao của huyện Kim Sơn đã phát triển lên gần 65ha. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao, được đầu tư đồng bộ về hạ tầng đã giúp hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm và tái sử dụng được nguồn nước, góp phần bảo vệ môi trường.

Nổi bật là các mô hình nuôi tôm công nghệ cao thâm canh trên ao nổi; nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong nhà bạt; mô hình áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, lọc sinh học bằng các chủng vi sinh vật có lợi đảm bảo thời gian nuôi quanh năm.

Anh Dương Viết Luynh tại lô 116, thị trấn Bình Minh (huyện Kim Sơn) là một trong những hộ tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm. Anh Luynh đã bắt đầu nuôi tôm theo hướng thâm canh trên ao nổi ứng dụng công nghệ cao từ năm 2016.

Theo anh Luynh, ban đầu khu vực Cồn Thoi (huyện Kim Sơn) người dân chỉ nuôi tôm trên ao đất, sau đó một số hộ chuyển sang nuôi tôm vụ đông trong nhà bạt nhỏ. Thấy nuôi tôm vụ đông có giá trị cao, anh đã rút kinh nghiệm từ các hộ đi trước để xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao với hệ thống nhà kính một cách bài bản.

"Quá trình triển khai, tôi tự rút ra được nhiều kinh nghiệm, bên cạnh đó cũng được chính quyền địa phương, Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Bình hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật nên cơ sở vật chất cũng như quy trình kỹ thuật nuôi tôm đến nay đã được hoàn thiện và hoạt động bài bản", anh Luynh cho biết.

Nhờ nuôi theo công nghệ cao trong nhà kính, anh Luynh có thể chủ động nuôi tôm vào mùa đông. Ảnh: Huy Bình. 

Nhờ nuôi theo công nghệ cao trong nhà kính, anh Luynh có thể chủ động nuôi tôm vào mùa đông. Ảnh: Huy Bình. 

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Lynh được phát triển theo hướng siêu thâm canh với diện tích khoảng 25.000m2, trong đó có khoảng 3.000m2 bể xử lý nguồn nước, 16.000m2 bể chứa nước và 6.000m2 nuôi tôm, cho sản lượng trung bình hàng năm đạt khoảng 40 - 45 tấn.

Mô hình của anh Luynh không áp dụng cố định quy trình nuôi 3 giai đoạn như mô hình siêu thâm canh thông thường mà căn cứ vào tình hình thời tiết để tăng thêm nhiều giai đoạn nữa. Trong đó, khâu xử lý nước được quan tâm hơn cả. Đặc biệt, nhờ nuôi trong nhà kính, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, quy trình kỹ thuật nuôi chặt chẽ nên hiện nay anh Luynh có thể nuôi được tôm phát triển tốt trong mùa đông. 

"Nuôi tôm trong vụ đông cũng gặp nhiều khó khăn. Chỉ cần một trận mưa là pH nước thay đổi, hay gió mùa Đông Bắc về chiều nay đang lạnh, nhưng đến sáng hôm sau trời lại nóng cũng ảnh hưởng đến chất lượng nước. Mô hình nuôi dù tiên tiến đến mấy nhưng nếu chủ quan lơ là, không sát sao với đàn tôm là mất trắng nên mình phải có sẵn phương án để chủ động ứng phó", anh Luynh chia sẻ.

Theo anh Luynh, khi nuôi tôm trong ao nổi lót bạt, hệ thống nước cung cấp cho ao nuôi phải luôn chủ động, không bị ô nhiễm. Trước khi nước được đưa vào ao nuôi cần xử lý kỹ lưỡng bằng thuốc tím, chế phẩm vi sinh tại hệ thống ao lắng và ao phụ trợ. Các chỉ số như độ pH, NH3 hay H2S... trong nước phải được kiểm soát và ghi chép hàng ngày.

Một góc khu xử lý nước đầu vào của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao của anh Luynh. Ảnh: Huy Bình. 

Một góc khu xử lý nước đầu vào của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao của anh Luynh. Ảnh: Huy Bình. 

Theo ông Phạm Huy Trung, cán bộ Chi cục Thủy sản Ninh Bình được "biệt phái" tại huyện Kim Sơn, diện tích nuôi trồng thủy sản của vùng bãi bồi Kim Sơn hiện khoảng hơn 2.000ha. Trước đây, bà con chủ yếu nuôi tôm quảng canh. Những năm gần đây, các mô hình nuôi tôm thâm canh được phát triển. Đến năm 2022, diện tích nuôi thâm canh đạt khoảng 250ha và đến năm 2023 đạt khoảng 350ha. So với nuôi quảng canh, nuôi thâm canh đạt hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều, sản lượng ổn định.

Ông Trung đánh giá, các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao như của anh Luynh đã góp phần thay đổi bộ mặt ngành thủy sản tỉnh Ninh Bình. Trước đây, nuôi tôm quảng canh chỉ thu được 2 tấn/ha nhưng khi ứng dụng công nghệ cao năng suất có thể đạt trung bình hơn 10 tấn/ha và có thể nuôi 3 vụ/năm, chất lượng con tôm luôn được đảm bảo.

Để đảm bảo xây dựng vùng nuôi bài bản, ổn định, hạn chế dịch bệnh, chính quyền địa phương và Chi cục Thủy sản Ninh Bình đã hướng dẫn và xây dựng các quy trình xử lý nước đầu vào và đầu ra. Đối với các mô hình nuôi thâm canh, đều được thực hiện theo quy trình tuần hoàn, khép kín, sử dụng công nghệ vi sinh để đảm bảo môi trường nuôi an toàn.

Những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó lấy khu vực bãi bồi Kim Sơn làm mũi nhọn. Hàng năm, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với huyện Kim Sơn thực hiện việc tuyên truyền cũng như cử cán bộ xuống cơ sở để hỗ trợ, hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật, quy trình sản xuất và các phương pháp phòng trừ dịch bệnh...

Bình luận