Bài 3: Đóng góp hiệu quả của khoa học, công nghệ cho nông nghiệp

Bình luận · 23 Lượt xem

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoa học, công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản

Nhiều mặt hàng đứng top 5 thế giới về xuất khẩu

Thời gian qua, các hoạt động KH - CN và ĐMST phục vụ nông nghiệp được lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm và ngày càng đi vào thực chất, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều chương trình khoa học, công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ phê duyệt được triển khai hiệu quả, đóng góp tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam.

anh-chup-man-hinh-2024-10-06-luc-172723-6133.png
Giá trị xuất khẩu nông sản năm 2023 đạt 53 tỷ USD. Ảnh: Phương Anh

Theo thống kê, hiện nay Việt Nam đứng top 5 thế giới về xuất khẩu cá tra, gạo, cà phê, hạt điều, tiêu đen, chè, sắn, cao su và sản phẩm gỗ. Cụ thể, năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (gấp 1,5 lần Thái Lan), cà phê có năng suất đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Brazil), năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Ấn Độ), cá tra với năng suất 500 tấn/ha cũng cao nhất thế giới; năng suất trồng rừng đạt bình quân 20m3/ha/năm, nhiều nơi đạt 40m3/ha/năm; công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng đạt trên 40 tấn/ha, cao gấp 40 lần so với sản xuất đại trà, chi phí sản xuất giảm 30 - 35% so với quy trình cũ. Giá trị xuất khẩu nông sản năm 2023 đạt 53 tỷ USD. Dự báo năm 2024 có thể chạm mốc 60 tỷ USD. Con số này cho thấy sự đóng góp của KH - CN vào sự phát triển nông nghiệp của nước ta rất đáng tự hào.

 

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức như giá vật tư đầu vào tăng, dịch bệnh tiềm ẩn, biến đổi khí hậu và sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, thách thức còn đến từ những quy định mới của các nước về an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật về môi trường, tiêu biểu nhất quy định mới về chống phá rừng ở châu Âu...

Chuyển đổi tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp"

Chia sẻ tại diễn đàn công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đại biểu đều khẳng định KH - CN là yếu tố sống còn của sản xuất nói chung, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mai Dương cho rằng KH - CN và ĐMST luôn được coi là mũi nhọn, là chìa khóa thành công, tạo nền tảng cho phát triển nông nghiệp bền vững. Cùng với nông nghiệp bền vững là nhiều chính sách, cơ chế của Chính phủ để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số trong nông nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn…

 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian tới là phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án khoa học, công nghệ cấp quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là Chương trình công nghiệp sinh học nông nghiệp, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn PHÙNG ĐỨC TIẾN

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hữu Ninh cho biết, ngành nông nghiệp đang chuyển từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp", tập trung tích hợp đa ngành, sản phẩm đa giá trị và hỗ trợ các tác nhân trong chuỗi giá trị. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đặt mục tiêu tăng hàm lượng tri thức, KH - CN, đổi mới sáng tạo, kích hoạt các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn, chuỗi giá trị và thông minh.

Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch Phạm Anh Tuấn thì nhấn mạnh cần tập trung đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới, tạo môi trường thuận lợi, cơ chế, chính sách phù hợp để các nhà khoa học phát huy tối đa khả năng, nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Còn theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Trí Ngọc, mục tiêu xuyên suốt của ngành nông nghiệp trong nhiều năm qua là làm thế nào để phát huy hiệu quả sự hợp tác nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm KH - CN vào thực tiễn sản xuất. Đồng hành cùng ngành nông nghiệp, Tổng hội đã kết nối được nhiều đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, thậm chí là hội viên cá nhân với các viện, trường trong và ngoài nước. Bằng hình thức này, nhiều công nghệ, sản phẩm khoa học của các viện, trường đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân áp dụng thành công.

 

Nhấn mạnh về giải pháp, ông Ngọc đề xuất trước hết muốn đạt hiệu quả cao, cần phải có nhiều sản phẩm tốt, mới. Vì vậy, hai Bộ cần đổi mới từ khâu xây dựng các nhiệm vụ KH - CN, cần có sự tham gia của doanh nghiệp. Các nhà khoa học và doanh nghiệp nên đồng hành cùng nhau ngay từ khi có ý tưởng đến khi ra sản phẩm cuối cùng.

Bình luận