Tỷ lệ OCOP 4 sao của Hà Nội gần gấp đôi trung bình cả nước

Comments · 115 Views

Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp - đưa ra thông tin tại hội nghị công bố quyết định, trao giấy chứng nhận OCOP TP Hà Nội năm 2022.

Khu trưng bày sản phẩm OCOP của Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu trưng bày sản phẩm OCOP của Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo ông Tiến, sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình, thành phố đã công nhận được 2.167 sản phẩm OCOP bằng khoảng 22% của cả nước. Trong đó, có 6 sản phẩm được trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao.

So sánh tỷ lệ sản phẩm OCOP 4 sao của cả nước 32% thì của Hà Nội là 62% chứng tỏ thành phố phát triển chương trình này không chỉ về số lượng mà còn cả chất lượng. Đáng nói nữa là không chỉ các huyện phát triển sản phẩm OCOP mà ở các quận cũng rất mạnh trong việc đánh giá, chấm điểm OCOP dựa trên các sản phẩm nông sản đặc sản, thủ công mỹ nghệ của mình. Trong thời gian tới để tăng thêm tính bền vững cho chương trình OCOP, Hà Nội cần hỗ trợ những chủ thể 3 sao lên thành 4 sao, 4 sao lên thành 5 sao.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng NTM TP Hà Nội, nhận định bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 có điểm mới là UBND cấp xã tổ chức đánh giá một số tiêu chí, nội dung về: Nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương; Sử dụng lao động địa phương; Nguồn gốc ý tưởng sản phẩm; Bản sắc/trí tuệ địa phương. Đồng thời việc đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao do UBND cấp huyện thực hiện. Điều này sẽ làm tăng trách nhiệm của UBND cấp xã, cấp huyện trong đánh giá, phân hạng sản phẩm.

Khách hỏi, mua sản phẩm OCOP. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khách hỏi, mua sản phẩm OCOP. Ảnh: Dương Đình Tường.

Để bảo bảo mục tiêu của thành phố, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được công nhận, thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ: Một là, tiếp tục tăng cường tập trung công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về chương trình OCOP; Hai là, đẩy mạnh xúc tiến thương mại; ưu tiên và xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững;

Ba là, triển khai một số mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với chương trình OCOP thành phố;

Bốn là, tập trung xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP, ưu tiên lựa chọn, sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường; Năm là, đề nghị các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Trao chứng nhận cho các chủ thể OCOP. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trao chứng nhận cho các chủ thể OCOP. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thì chia sẻ: Sau khi chứng nhận sản phẩm OCOP, thành phố luôn quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, qua đó sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, thành phố đã khai trương đi vào hoạt động được 85 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.

Như ngày 16/6, thành phố tổ chức hội nghị này để tôn vinh 191 chủ thể của 26 quận, huyện, thị xã có sản phẩm OCOP được chứng nhận năm 2022; tổ chức trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên với hàng nghìn dòng sản phẩm được trưng bày trong khuôn viên trên 1.500 m2 tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô để người tiêu dùng nhận diện thương hiệu và liên kết tiêu thụ.

Cắt băng khai mạc, trưng bày, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cắt băng khai mạc, trưng bày, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP. Ảnh: Dương Đình Tường.

Điều quan trọng hơn, để sản phẩm OCOP gắn sao trong tâm chí người tiêu dùng các cơ quan từ thành phố đến cơ sở cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chương trình; Tổ chức các sự kiện, hội chợ nhằm đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các sản phẩm OCOP để không ngừng nâng cao chất lượng, quy trình sản xuất đảm bảo an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Các chủ thể OCOP cần không ngừng đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống  của địa phương; Xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì nhãn mác sản phẩm; Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến thương mại trên nền tảng số như mở shop trên các sàn thương mại điện tử, livestream, tiếp thị liên kết.

Comments