Để sản xuất cà phê bền vững, sản xuất xanh, tuần hoàn, theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị, nâng tầm thương hiệu cà phê Tây Nguyên, chúng ta phải có giải pháp đồng bộ. Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết thực trạng sản xuất cà phê tại Tây Nguyên hiện nay ra sao?
Hiện nay, theo số liệu chính thức từ Cục Trồng trọt, Tây Nguyên vẫn là khu vực sản xuất cà phê lớn nhất cả nước, với tổng diện tích khoảng 660 ngàn ha, chiếm trên 90% diện tích cả nước, chủ yếu là cà phê vối. Sản lượng cà phê toàn vùng năm 2020 đạt gần 1,6 triệu tấn với năng suất bình quân 29,3 tạ/ha.
Diện tích cà phê hàng năm ở Tây Nguyên trong thời gian qua có xu hướng tăng nhẹ, khoảng 5%. Tính đến cuối năm 2020, diện tích cà phê ở Tây Nguyên đã tái canh được khoảng 125 ngàn ha và còn tiếp tục tăng trong những năm tới nhờ Chương trình tái canh cà phê của Bộ NN-PTNT giai đoạn 2021 - 2025.
Nói chung, về khía cạnh kỹ thuật thì hiện nay, cà phê Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển khá ổn định. Năng suất cà phê bình quân của chúng ta cao nhất thế giới. Người sản xuất đã cơ bản tiếp cận và áp dụng khá tốt tất cả những tiến bộ kỹ thuật trong trồng và chăm sóc cà phê. Tuy nhiên, hạn chế lớn và cũng là thách thức mà cà phê Tây Nguyên đang phải đối mặt đó là chất lượng cà phê chưa cao và không đồng đều để tạo nên thương hiệu ổn định.
Thêm vào đó, hệ thống sản xuất cà phê vẫn tiềm ẩn yếu tố kém bền vững về tổ chức sản xuất, công nghệ vẫn còn lạc hậu và thiếu đồng bộ trong áp dụng các gói kỹ thuật. Do đó, chúng ta chưa hình thành được các vùng nguyên liệu lớn sản xuất tập trung. Hiện nay, biến đổi khí hậu đang và sẽ là vấn đề lớn mà người sản xuất cà phê ở Tây Nguyên phải đối mặt.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc Ủy ban châu Âu yêu cầu chúng ta không được mở rộng cà phê trên diện tích đất rừng?
Tôi cho là đây là xu hướng chung và tất yếu cho sản xuất nông nghiệp trên toàn thế giới chứ không riêng gì cho cà phê và cho Việt Nam. Chúng ta cũng biết rừng có vai trò rất lớn trong phát triển bền vững và là một thành phần không thể thiếu được trong hệ sinh thái nông nghiệp cảnh quan, một kiểu hình sinh thái được đánh giá là bền vững và có thể thích ứng tốt với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
Hiện nay, Chính phủ cũng đang có nhiều chương trình khôi phục lại các diện tích rừng ở Việt Nam, đặc biệt là các khu vực xung yếu như Tây Nguyên. Hơn nữa, chúng ta cũng đã có những cam kết quốc tế về việc giảm khí phát thải nên việc chúng ta không mở rộng diện tích nông nghiệp nói chung và cà phê nói riêng trên đất rừng là cần thiết.
Với yêu cầu của Ủy ban châu Âu như vậy thì bài toán đặt ra là chúng ta phải canh tác cà phê bền vững, phát triển theo chuỗi để nâng cao giá trị, thưa ông?
Thực tế là diện tích cà phê của Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng đã vượt quá định hướng quy hoạch của Bộ NN- PTNT nên chúng ta khuyến cáo không phát triển thêm diện tích cà phê trồng mới. Hơn nữa, những diện tích rừng hiện nay của chúng ta phần lớn là nằm tại những vị trí có điều kiện tự nhiên không quá phù hợp để phát triển cà phê.
Vì vậy, trước yêu cầu của Ủy ban châu Âu như vậy, theo tôi chúng ta nên có những định hướng và biện pháp mang tính chất lâu dài. Theo đó chúng ta phải quản lý thật tốt các diện tích đất rừng đang có, ngăn ngừa và phải xử lý nghiêm việc lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp nói chung và cà phê nói riêng. Đối với các diện tích cà phê đã hình thành trên diện tích rừng trong những năm gần đây thì cần có những biện pháp kỹ thuật phù hợp để thúc đẩy việc tái sinh rừng và trồng xen các cây gỗ lớn bản địa để phục hồi rừng hoàn toàn.
Trong quá trình phục hồi, cà phê có thể phát triển theo hướng hữu cơ và tiêu thụ nội địa để một phần đóng góp vào sinh kế cho nông dân. Còn đối với các diện tích cà phê hiện có, chúng ta nên phát triển không tăng diện tích trồng mà phải tập trung vào canh tác bền vững theo hướng xanh và giảm phát thải, tổ chức sản xuất cà phê chất lượng cao, phát triển chế biến và chế biến sâu, xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Xin ông cho biết, hiện nay các mô hình phát triển cà phê bền vững theo hướng xanh, giảm phát thải nhà kính tại Tây Nguyên ra sao?
Hiện nay ở Tây Nguyên, đang có rất nhiều chương trình của Nhà nước và các tổ chức nước ngoài giúp cho người sản xuất cà phê thiết lập những mô hình phát triển bền vững theo hướng xanh và giảm phát thải. Có thể kể đến các chương trình phát triển cà phê theo cách tiếp cận cảnh quan hiện đang được triển khai tại một số huyện ở Đắk Lắk và Lâm Đồng. Đây là những mô hình rất căn cơ trên cơ sở sử dụng các nguyên tắc về nông lâm kết hợp, nông nghiệp tuần hoàn và có sự tham gia của rất nhiều bên như chính quyền các địa phương, tổ chức hỗ trợ phát triển, các nhà thu mua, rang xay trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, chúng ta còn nhiều mô hình ở quy mô diện tích nhỏ hơn cũng đang được hỗ trợ phát triển theo hướng nông nghiệp tái sinh, tức là trồng xen hợp lý giữa cà phê với các cây ăn quả và các cây lâm nghiệp bản địa.
Cơ bản của các mô hình này là việc áp dụng cân bằng giữa sản xuất trên nguyên tắc nông nghiệp chính xác và bảo tồn nên có thể đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất bền vững trong điều kiện của Việt Nam. Ngoài ra, các mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, các mô hình quản lý cây trồng tổng hợp từ các dự án khuyến nông cũng là những mô hình có thể phát triển rộng theo hướng xanh và giảm phát thải so với mặt bằng sản xuất cà phê hiện nay.
Khó khăn trong việc triển khai các mô hình cà phê bền vững ở Tây Nguyên là gì, thưa ông?
Khó khăn lớn hiện nay là việc làm thay đổi nhận thức của người dân trong triển khai các mô hình cà phê bền vững. Trong thực tế sản xuất hiện nay, người dân chủ yếu ưu tiên khía cạnh kinh tế và mang tính chất ngắn hạn hơn so với khía cạnh và môi trường hay xã hội. Vì vậy, người dân chủ yếu tham gia thiết lập các mô hình theo các chương trình, dự án trong đó có sự hỗ trợ một phần về mặt kinh tế.
Để các mô hình đó duy trì lâu dài là một vấn đề khó khăn và phụ thuộc rất nhiều trong liên kết chuỗi giá trị và thị trường, giá cả cho sản phẩm đầu ra. Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất trên quy mô lớn vẫn còn thiếu các đầu tàu để có thể triển khai tất cả các giải pháp một cách đồng bộ và lâu dài theo đúng tiêu chí trong phát triển bền vững.
Vậy, theo ông đâu là giải pháp để chúng ta nhân rộng các mô hình cà phê bền vững tại Tây Nguyên?
Theo tôi, để có thể nhân rộng các mô hình cà phê bền vững, mang lại giá trị cao chúng ta cần phát triển, mở rộng liên kết sản xuất và đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ và thúc đẩy liên kết tiêu thụ các sản phẩm của mô hình cà phê bền vững theo đúng giá trị của nó. Điều này có nghĩa là nông dân không những có thể bán sản phẩm cà phê có chứng nhận mà họ còn có thể bán tất cả những sản phẩm khác trong mô hình như trái cây, gỗ hay chứng chỉ các bon…
Ngoài ra, cần có các chương trình khuyến nông phù hợp để chứng minh cho hiệu quả của các mô hình, đặc biệt làm thay đổi nhận thức của người dân về hiệu quả sản xuất bền vững một cách lâu dài và dựa trên chính các mô hình đó. Trên tất cả, cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan một cách chủ động và cam kết lâu dài trong chuỗi giá trị sản xuất cà phê bền vững với nền tảng là các chính sách, quy định trong một quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng, trong đó chính quyền đóng vai trò chỉ đạo và kết nối, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo kết hợp với hợp tác xã và liên kết hợp tác xã.
Xin cảm ơn ông!