Hệ thống giao thông đồng bộ là động lực thúc đẩy nông nghiệp

Bình luận · 116 Lượt xem

Nhờ vị trí địa lý đặc biệt, cùng với việc hoàn thiện hệ thống giao thông sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ yếu tố cung - cầu trong phát triển kinh tế vùng của Đồng Nai, trong đó có nông nghiệp.

Có nhiều lợi thế 

 

Đồng Nai là một tỉnh lớn thuộc vùng Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có lợi thế rất lớn về vị trí địa lý - kinh tế, là cửa ngõ phía Đông Bắc của TP. Hồ Chí Minh, nối Nam Trung bộ, Nam Tây Nguyên với toàn bộ vùng Đông Nam bộ, thuận lợi cho việc giao thông vận chuyển hàng hóa với thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu.

Tỉnh Đồng Nai có trên 287.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 7.600ha nuôi trồng thủy sản, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với việc sản xuất nhiều loại nông sản khác nhau. Đặc biệt là cây công nghiệp, cây ăn quả nhiệt đới có giá trị kinh tế cao. Khí hậu ôn hòa, tài nguyên nước dồi dào, đáp ứng đủ cho sản xuất nông nghiệp. Nhìn chung, các loại cây trồng trong tỉnh khá đa dạng, phong phú với 15 loại cây trồng hàng năm, 9 loại cây lâu năm, riêng cây ăn quả có khoảng 11 loại khác nhau; có nhiều loại có quy mô lớn, chất lượng cao nổi tiếng cả nước.

 

Ngành chăn nuôi phát triển mạnh với khoảng 2,56 triệu con lợn; 27,5 triệu con gà. Sản lượng thịt hàng năm đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh và là nguồn cung cấp chính cho thị trường tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận. Về nuôi trồng thủy sản, mặc dù là tỉnh nằm trong vùng nội địa, không giáp biển, nhưng với diện tích mặt nước lớn nhất vùng Đông Nam bộ, rất thuận lợi cho nuôi thủy sản phát triển. Tổng diện tích mặt nước khoảng 63.000ha, gồm 59.000ha nước ngọt và khoảng 4.000ha nước lợ. 

 

Xây dựng, hoàn thiện mạng lưới giao thông 

 

Ngoài vị trí địa lý thuận lợi, một yếu tố khác giúp nông nghiệp tỉnh Đồng Nai phát triển đó chính là mạng lưới giao thông đang ngày càng được xây dựng, hoàn thiện. Năm 2023, hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia về giao thông được khẩn trương thực hiện tại Đồng Nai hoặc đi qua Đồng Nai, điều này góp phần cho sự phát triển kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng của địa phương nằm ngay cửa ngõ TP. Hồ Chí Minh. Đó là các dự án quan trọng như cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó, các đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương... là những dự án lớn đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được khởi công xây dựng trong năm 2023.

 

Riêng với hệ thống đường cao tốc, theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 5 tuyến cao tốc đi qua. Trong đó, có 3 tuyến cao tốc đóng vai trò kết nối giao thông cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm: TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu. Ngoài đường bộ, để bảo đảm kết nối giao thông cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành, theo quy hoạch cũng có 2 tuyến đường sắt sẽ được đầu tư xây dựng gồm một tuyến đường sắt tốc độ cao và một tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành kết nối trực tiếp đến nhà ga.

 

Là địa phương nằm ở vị trí cửa ngõ của đô thị lớn nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, do đó, việc đầu tư, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho tỉnh Đồng Nai; không chỉ mang giá trị kết nối, một hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ còn thúc đẩy phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa cho địa phương này.

 

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, đoạn đường sông khoảng 40km tiếp giáp giữa 2 địa phương, từ cầu Đồng Nai đến cầu Phước Khánh sẽ có 5 cầu đường bộ kết nối Đồng Nai với TP. Hồ Chí Minh. Ngoài 2 cầu hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác, tới năm 2026, sẽ có thêm 2 cầu đường bộ khác kết nối giữa Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành. 

 

Ngoài ra, hệ thống cảng biển cũng là một lợi thế của tỉnh Đồng Nai trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 9.2021, hệ thống cảng biển Đồng Nai thuộc nhóm cảng biển số 4. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, bên cạnh sân bay Long Thành, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, năm 2024, Đồng Nai sẽ có thêm cảng biển Phước An. Hệ thống cảng biển đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động vận chuyển hàng hóa nông sản. Việc sử dụng cảng biển giúp giảm thiểu thời gian và chi phí vận chuyển, đồng thời tăng tính linh hoạt và hiệu quả trong quản lý kho bãi.

 

Các dự án giao thông đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần tạo lập và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, giải quyết vấn đề kết nối giao thông với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Giao thông thuận tiện giúp cho việc giao thương hàng hóa, nông sản thuận lợi giữa các địa phương trong khu vực mà còn tạo ra hành lang vận tải, tạo ra lợi thế cạnh tranh giữa các địa phương trong vấn đề thu hút đầu tư quốc tế. Đối với các hợp tác xã, đặc biệt là các hợp tác xã về nông nghiệp thường nằm ở vùng sâu, vùng xa nên việc cứng hóa các tuyến đường giao thông là điều kiện thuận lợi để giao thương.  

Bình luận