Chăn nuôi Vĩnh Phúc gặp khó ló khôn: [Bài 3] Nuôi lợn bằng app điện thoại

Bình luận · 33 Lượt xem

Lần đầu tiên ở tỉnh Vĩnh Phúc xuất hiện mô hình chăn nuôi lợn thịt hạn chế tối thiểu sự tiếp xúc của con người với chuồng nuôi.

Điều khiển cả nghìn con lợn bằng điện thoại

Xác định một số điểm nghẽn như hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch phát triển, cơ sở hạ tầng lạc hậu, áp dụng công nghệ mới chưa đồng bộ,... Đề án phát triển chăn nuôi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025 xác định chăn nuôi phải phát triển theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao, hướng đến nghề chăn nuôi chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Đặc biệt, trong năm 2023 vừa rồi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng thành công mô hình áp dụng công nghệ số trong chăn nuôi lợn thịt với quy mô 1.000 con tại hộ ông Nguyễn Văn Tuấn (thôn Cao Quang, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên).

Để xây dựng mô hình này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc đã cử cán bộ phòng chuyên môn phối hợp với đơn vị tư vấn kỹ thuật tiến hành khảo sát, tư vấn, hướng dẫn hộ tham gia mô hình thiết kế bố trí trang thiết bị về hệ thống cho ăn tự động, hệ thống giám sát và điều khiển khí hậu chuồng nuôi theo đúng yêu cầu kỹ thuật.

Đồng thời, phổ biến và hỗ trợ vận hành, chuyển giao công nghệ cho chủ cơ sở chăn nuôi. Hướng dẫn hộ tham gia mô hình ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Công nghệ cao 4P, đơn vị cung cấp trang thiết bị chuyển đổi số.

Hệ thống điều khiển không khí chuồng nuôi. Ảnh: Văn Việt. 

Hệ thống điều khiển không khí chuồng nuôi. Ảnh: Văn Việt. 

Lần đầu tiên ở Vĩnh Phúc, một mô hình chăn nuôi lợn thịt có hệ thống giám sát và điều khiển khí hậu chuồng nuôi, tự động điều khiển nhiệt độ, bơm giàn mát; giám sát nhiệt độ, độ ẩm và đo các khí NH3, CO2, O2, bụi mịn, tốc độ gió, áp suất trong chuồng nuôi; tự động chạy quạt dự phòng khi xảy ra sự cố quá tải động cơ; tự động cảnh bảo sự cố mất điện, sự cố về pha, quá tải động cơ, nhiệt độ quá ngưỡng cao/thấp trong chuồng nuôi… Tất cả đều được điều khiển, vận hành qua app ở trên điện thoại thông minh hoặc điều khiển trực tiếp.

Ngoài ra, trang trại còn được cài đặt hệ thống điều khiển theo các giai đoạn chăn nuôi giúp kiểm soát hệ thống từ xa, vận hành hệ thống cho ăn tự động giúp giảm nhân công và chi phí chăm sóc nuôi dưỡng đàn lợn hàng nghìn con. Cùng với đó là phần mềm quản lý trang trại bao gồm các chức năng theo dõi sinh trưởng đàn lợn, tình trạng thức ăn chăn nuôi và hoạt động cho ăn, hoạt động thú y và giám sát, điều khiển khí hậu chuồng nuôi…

Đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc, bước đầu mô hình này tạo ra lợi ích kép trong chăn nuôi. Ngoài việc giúp tiết kiệm lượng thức ăn dư thừa, giảm chi phí 80 đồng/1kg cám từ việc không dùng vỏ bao cám, giảm nhân công 30%, luôn đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.

Ngoài ra, mô hình còn giúp hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh trong quá trình chăn nuôi từ đó làm giảm chi phí đầu vào, mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho người chăn nuôi, tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Khu chuồng nuôi hoàn toàn hạn chế tối thiểu sự tiếp xúc của con người. Ảnh: Văn Việt. 

Khu chuồng nuôi hoàn toàn hạn chế tối thiểu sự tiếp xúc của con người. Ảnh: Văn Việt. 

Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ mô hình cho biết: Có 3 khác biệt lớn. Thứ nhất là hệ thống Silo vận hành cám, thức ăn chăn nuôi từ công ty đến chuồng nuôi đều tự động, không tiếp xúc với con người. Thứ hai, với cơ chế vận hành tự động, chủ yếu bằng hệ thống giám sát và điều khiển khí hậu chuồng nuôi, hệ thống cho ăn tự động, phần mềm quản lý chuồng trại chăn nuôi… đã giúp hạn chế tối thiểu tiếp xúc của con người với vật nuôi, từ đó ngăn ngừa tối đa nguy cơ lây lan mầm bệnh. Thứ ba, hệ thống điều chỉnh quạt tự động dàn mát, nhiệt độ theo tuần tuổi vật nuôi giúp điều chỉnh nhiệt độ hoàn toàn phù hợp.

Ngoài ra, trang trại đã đầu tư công nghệ xử lý chất thải khép kín gồm máy ép phân, hầm biogas, giúp giải quyết bài toán môi trường gần như triệt để. Toàn bộ lượng chất thải chăn nuôi của trang trại được tách bã, ủ men vi sinh làm nguồn phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ trồng trọt, đảm bảo khép kín mô hình kinh tế tuần hoàn, gia tăng thêm lợi nhuận kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Với quy trình chăn nuôi bài bản, an toàn sinh học, hiện trang trại anh Tuấn xuất bán hơn 400 con lợn thịt với tổng trọng lượng hơn 30 tấn mỗi tháng. Cung cấp ổn định từ 700 - 800 con lợn giống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và tạo việc làm cho 23 lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 8-9 triệu đồng/người/tháng.

“Gắn bó với nghề nuôi lợn từ hơn 10 năm, đã từng mất trắng hơn 200 nái mấy trăm lợn thịt vì dịch bệnh, tôi cho rằng ứng dụng công nghệ số là hướng đi tất yếu và hiện đại nhất hiện nay. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp như hiện nay thì bắt buộc chăn nuôi phải hướng đến giải pháp này”, anh Tuấn khẳng định.

Nuôi lợn bằng nút điều khiển. Ảnh: Hoàng Anh.

Nuôi lợn bằng nút điều khiển. Ảnh: Hoàng Anh.

Xu thế mới của chăn nuôi Vĩnh Phúc

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Xuân Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc nhận định, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng để Vĩnh Phúc giải quyết các rào cản về đất đai, nhỏ lẻ, manh mún. Sau thời gian khá dài kiên định với mục tiêu công nghệ số, đến thời điểm hiện tại ngành chăn nuôi tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ.

Đã có gần 300 trang trại chăn nuôi lợn, gà ở Vĩnh Phúc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; 95 cơ sở chăn nuôi bò, lợn, gà áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; nhiều hộ chăn nuôi bò sữa đã sử dụng hệ thống làm mát bằng phun sương kết hợp quạt mát để chống nóng cho bò; sử dụng máy vắt sữa, máy thái cỏ, đặc biệt 100% trạm thu gom sữa bò có Tank lạnh bảo quản và xe ô tô chuyên dụng để vận chuyển sữa...

Ngoài mô hình áp dụng công nghệ số trong chăn nuôi lợn thịt với quy mô 1.000 con đã chứng minh được hiệu quả, đến nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang triển khai dự án tổ hợp chăn nuôi, chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo.

Cũng thông qua chủ trương áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất đã làm thay đổi cơ cấu giống, sử dụng thức ăn, quy trình công nghệ chăn nuôi ở Vĩnh Phúc. Từ đó hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như vùng chăn nuôi bò sữa tại các xã của các huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo; chăn nuôi lợn tập trung số lượng, quy mô lớn tại các xã thuộc các huyện Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt tại các xã thuộc các huyện Tam Dương, Tam Đảo…

“Năm 2024, giá trị sản xuất chăn nuôi tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến tăng 5% so với năm 2023. Ứng dụng công nghệ số chắc chắn là hướng đi của chăn nuôi Vĩnh Phúc trong thời gian tới. Có một số thuận lợi là thông qua tuyên truyền, tập huấn và tư vấn trực tiếp người chăn nuôi đã nhận thức được ý nghĩa và lợi ích việc áp dụng chuyển đổi số trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn thịt nói riêng.

Tuy nhiên, đi kèm với đó là khó khăn như chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi vẫn là mới, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để làm cơ sở nên bước đầu triển khai còn bỡ ngỡ”, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc nhận định.

Bình luận