Những khu vườn bậc thang giữa núi và mây

Bình luận · 37 Lượt xem

Hễ ai muốn học cách canh tác bền vững trên đất dốc thì có thể tìm đến xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) để tìm hiểu.

Men theo con đường được đục vào đá xuyên qua một mỏm núi, tôi tìm đến thung lũng quýt của ông Hà Văn Hưng ở xóm Bương Bái, xã Vân Sơn. Đó là một thung lũng giữa rừng, biệt lập đến nỗi có người tếu táo rằng bố con ông dù không mặc quần áo cả ngày cũng chẳng ai hay biết. Hỏi về lý do tại sao lại ở đây, ông kể năm xưa cũng có đất trong xóm nhưng bán đi nơi khác làm ăn, sự nghiệp không thành mới trở về mua mảnh nương ở trên đồi cỏ tranh, cỏ lau hoang hóa này.

Hơn 20 năm trước, mấy bố con ông phải dùng búa để phá đá mở đường, khai hoang đất để trồng quýt. Đúng lúc đó có tổ chức Tự nguyện Quốc tế Nhật Bản (JVC) đến dạy người dân Nam Sơn cách làm vườn trên đồi đất dốc mà không bị rửa trôi. Nghe theo, ông và các con đào bậc thang, trồng cây cốt khí bên bờ để chắn bùn đất, giữ độ ẩm cho cây quýt, cây cam bên trong phát triển. Chỗ nào không trồng được cây cốt khí thì họ lấy cây bương, cây tre chắn bờ để bùn đất không bị rửa trôi.

Cây trồng ông không bón thuần phân hóa học mà chuyển sang phân chuồng trộn với phân xanh là những cây cỏ dại băm nhỏ rồi ủ kỹ để diệt trừ mầm bệnh. Để phòng sâu đục thân, tối tối ông đeo đèn đi bắt xén tóc vào mùa chúng bắt đầu xuất hiện.

Sống ở giữa vườn nên nếu dùng các hóa chất độc hại thì chính bố con ông bị ảnh hưởng sức khỏe đầu tiên nên mỗi năm họ chỉ dùng 3 lần thuốc trừ sâu, chủ yếu là loại sinh học để phòng trừ. Bao bì thuốc BVTV phun xong phải để tập trung một chỗ rồi xử lý. Khu vườn rộng xấp xỉ 2ha của ông Hưng có 1.400 gốc cam Canh (quýt ngọt theo cách gọi của đồng bào), mỗi năm thu trung bình 15 - 17 tấn quả, doanh thu 350 - 400 triệu đồng, trừ chi phí vẫn còn lãi hơn 300 triệu đồng.

Thiết kế vườn bậc thang trên đất dốc ở Vân Sơn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thiết kế vườn bậc thang trên đất dốc ở Vân Sơn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Bùi Thanh Truyền – cựu Chủ tịch UBND xã Nam Sơn (cũ), sau sáp nhập thành xã Vân Sơn bây giờ bảo với tôi rằng, lợi thế của vùng đất này là độ cao 800 - 900m nên khí hậu quanh năm mát mẻ, áp lực sâu bệnh ít. Trước đây bà con thường trồng ngô, trồng sắn trên đất dốc nhưng cũng chỉ đủ lương thực cho người, đủ thức ăn cho chăn nuôi, còn làm giàu là chuyện xa vời. Bởi thế cách đây 20 năm đã có dự án chuyển đổi từ trồng cây hàng năm sang trồng quýt cổ Nam Sơn và cam Canh. Nhà nhà trồng, người người trồng, từ dân đến cán bộ không hộ nào là không có vườn.

Hầu hết vườn được thiết kế theo dạng bậc thang để chống rửa trôi đất, được áp dụng các kỹ thuật của nông nghiệp hữu cơ như ủ phân xanh, phân chuồng, không dùng thuốc trừ cỏ, hạn chế dùng thuốc BVTV, nếu buộc phải dùng thì chọn những loại chế phẩm sinh học. Đến nay, tổng diện tích quýt trên địa bàn của xã Vân Sơn khoảng gần 200ha, trong đó hơn 100ha đang ở thời kỳ thu hoạch. Với năng suất trung bình 20 - 25 tấn quả/ha, tổng sản lượng mỗi năm khoảng 3.000 - 3.500 tấn, tổng giá trị khoảng 100 tỷ đồng.

Nhờ trồng quýt, cam Canh mà tỷ lệ hộ nghèo của xã vài năm gần đây đã giảm mạnh. Năm 2023 có 300 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, tiêu biểu có thể kể đến như hộ ông Hà Văn hiệu, Bùi Văn Tuấn, Bùi Văn Đon, Hà Văn Chung ở xóm Xôm; ông Hà Văn Thạn, Hà Văn Thuấn ở xóm Chiến; ông Hà Văn Lơ ở xóm Dồ; ông Hà Văn Khuê ở xóm Bách… Doanh thu của những hộ này đều đạt cỡ 300 - 400 triệu đồng/năm trở lên, còn phổ biến hơn thì 100 triệu đồng/năm trở lên như chính nhà ông Truyền.

Từ mô hình trồng cam, quýt, đã có một số hộ làm homestay để tận dụng lợi thế đặc trưng vùng miền về cảnh sắc, khí hậu, văn hóa làm dịch vụ du lịch. Nếu đường giao thông được tu bổ, thuận tiện cho khách đến trải nghiệm thì bên cạnh nông nghiệp, du lịch chính là cánh cửa để người Mường nơi đây có thể làm giàu một cách bền vững.  

Bình luận