Nguồn cung lao động dồi dào, việc nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn khó tuyển

Bình luận · 83 Lượt xem

TP.HCM Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM cho rằng thành phố không thiếu nguồn cung lao động, việc nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn khó tuyển dụng...

Sáng 7/8, tại văn phòng Sở LĐ-TB&XH TP. HCM, đã diễn ra buổi làm việc giữa Cục việc làm, Bộ LĐ-TB&XH và lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thành phố về thị trường việc làm trên địa bàn. Buổi làm việc do ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm và bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. HCM chủ trì. Cùng tham dự có đại diện Trung tâm Xúc tiến việc làm Quốc gia và các phòng, ban thuộc Trung tâm Xúc tiến việc làm TP. HCM.

Nguồn cung lao động dồi dào

Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Vũ Trọng Bình đề nghị các đơn vị liên quan thông tin về tình hình tuyển dụng, cung ứng lao động tại địa phương để làm rõ vấn đề thành phố hiện có thiếu lao động hay không.

Theo Cục trưởng Vũ Trọng Bình, TP. HCM là địa bàn có nhiều doanh nghiệp, đông lao động nhất cả nước nên tình hình cung cầu lao động tại địa phương rất quan trọng, cần có sự giám sát, quản lý và điều hành kịp thời, hiệu quả nhằm ổn định thị trường việc làm.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc sáng 7/8. Ảnh: Hồng Thủy

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc sáng 7/8. Ảnh: Hồng Thủy

Tại buổi làm việc, bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH TP. HCM đã báo cáo sơ bộ tình hình cung cầu lao động trên địa bàn thành phố trong thời gian qua. Báo cáo khẳng định hiện thành phố không thiếu lao động, nguồn cung lao động rất dồi dào.

Theo bà Trúc, hiện số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn thành phố cao hơn tổng nhu cầu lao động của nền kinh tế và hệ thống giáo dục đào tạo mỗi năm cung ứng bình quân 500.000 lao động.

Trung tâm Thông tin thị trường lao động và Dự báo nhu cầu nhân lực TP. HCM (Falmi) cũng đã khảo sát tại 80 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố cho thấy có đến 70% số sinh viên trả lời có nguyện vọng ở lại TP. HCM làm việc.

Theo Falmi, Trong khi tổng nhu cầu lao động mới hằng năm của thành phố vào khoảng 320.000 người, thì bình quân mỗi năm toàn thành phố có khoảng 500.000 sinh viên tốt nghiệp, và 70% trong số này, tức khoảng 350.000 lao động sẵn sàng cung ứng cho thị trường.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm và bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. HCM chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thủy

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm và bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. HCM chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thủy

Bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, báo cáo về thị trường việc làm trong buổi làm việc sáng 7/8. Ảnh: Hồng Thủy

Bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, báo cáo về thị trường việc làm trong buổi làm việc sáng 7/8. Ảnh: Hồng Thủy

Bà Trúc cho biết, đầu năm 2024, Falmi cũng có khảo sát tình hình tuyển dụng lao động của hơn 23.000 doanh nghiệp. Kết quả cho thấy có một số doanh nghiệp khó khăn khi tuyển dụng lao động. Một số lý do khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm lao động ngành đào tạo chưa phù hợp với vị trí tuyển dụng; lao động thiếu kỹ năng nghề, kỹ năng mềm và năng lực thực hành ứng dụng vào công việc thấp; doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu về lương đối với lao động dự tuyển, không tìm được lao động vừa có chuyên môn cao vừa có ngoại ngữ lưu loát…

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, tình hình kinh tế của TP. HCM những tháng cuối năm 2024 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp cao. Qua khảo sát, 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến các doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM cần khoảng từ 153.500 - 161.500 chỗ làm việc. Tập trung ở các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm và nhóm ngành dịch vụ.

“Có những doanh nghiệp thâm dụng lao động, thì việc sa thải người cũ rồi tuyển dụng người mới diễn ra quanh năm. Một số thời điểm như cuối năm, đơn hàng nhiều, thì nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh, họ tuyển lượng lớn lao động trong thời gian ngắn. Khi đó, thiếu nguồn cung cục bộ, mang tính thời điểm. Ví dụ một doanh nghiệp giầy da lớn trên địa bàn thành phố đã cho nghỉ việc cả chục ngàn lao động trong năm 2023 vì đơn hàng khó khăn. Sang năm 2024, đơn hàng có nhiều, doanh nghiệp cần tuyển hàng ngàn lao động bổ sung thì không thể tuyển đủ ngay được”, bà Trúc nói.

Một hiện tượng khác là lao động bị cho nghỉ việc trong các ngành thâm dụng lao động thường là lao động lớn tuổi, thâm niên, lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Khi doanh nghiệp tuyển lao động mới, chỉ trả mức lương khởi điểm thấp, nên những lao động có kinh nghiệm không chấp nhận.

Đó là những lý do dẫn đến tình trạng nguồn cung lao động trên địa bàn thành phố rất dồi dào nhưng đôi lúc, doanh nghiệp vẫn khó tuyển người.

Bám sát nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả kết nối lao động

Để nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động, giải quyết những khó khăn trên, Sở LĐ-TB&XH TP. HCM đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm, kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với người lao động có nhu cầu.

Theo đó, thời gan qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. HCM đã liên kết với các đơn vị khác trên địa bàn thành phố và 22 tỉnh, thành lân cận, tổ chức các sàn giao dịch việc làm với hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm kết nối cung cầu lao động liên vùng, không bị giới hạn về mặt địa lý.

Nguồn cung lao động tại TP. HCM không thiếu, việc nhiều doanh nghiệp khó tuyển lao động chỉ mang tính thời điểm. Ảnh: Hồng Thủy

Nguồn cung lao động tại TP. HCM không thiếu, việc nhiều doanh nghiệp khó tuyển lao động chỉ mang tính thời điểm. Ảnh: Hồng Thủy

Cách làm này đã tạo hiệu ứng tích cực, đạt hiệu quả khả quan. Từ các sàn giao dịch này, người lao động ở TP. HCM có thể tìm được việc ở các tỉnh, thành khác và ngược lại, lao động ở các địa phương khác có cơ hội tiếp cận doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tại TP. HCM.

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. HCM cũng thường xuyên theo dõi các dự báo nhu cầu lao động hằng tháng, hằng quý của Falmi để làm căn cứ định hướng, liên hệ doanh nghiệp, tổ chức sàn giao dịch theo ngành nghề mà thị trường lao động đang cần nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu.

Để phát triển mạnh mẽ hơn hiệu quả kết nối việc làm, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. HCM đề nghị ngành lao động xây dựng một hệ thống dữ liệu lao động toàn quốc gắn với dữ liệu dân cư quốc gia. Từ đó, việc quản lý và kết nối cung cầu lao động giữa các tỉnh thành, vùng miền sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều.

Kết luận cuối buổi làm việc, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình ghi nhận báo cáo đánh giá tích cực của các đơn vị liên quan về tình hình lao động, việc làm trên địa bàn thành phố hiện nay.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hoạt động quản lý thị trường, ông Bình chỉ đạo Falmi phải xây dựng chặt chẽ hơn các báo cáo thị trường lao động và dự báo nhu cầu nhân lực, làm nổi bật các chỉ số thể hiện "sức khỏe" của thị trường việc làm để giúp công tác quản lý thị trường và kết nối cung cầu lao động hiệu quả hơn.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, tình hình kinh tế của TP. HCM những tháng cuối năm 2024 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp cao.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, tình hình kinh tế của TP. HCM những tháng cuối năm 2024 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp cao.

Với Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. HCM, Cục trưởng Vũ Trọng Bình chỉ đạo tăng cường mạnh hơn hoạt động kết nối cung cầu lao động về số lượng sàn giao dịch việc làm lẫn hiệu quả kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Đặc biệt, Cục trưởng nhấn mạnh đến vai trò liên kết của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. HCM với các trung tâm, doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực này để bám sát hơn thực tế thị trường, nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động.

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. HCM còn phải nâng cao hiệu quả công tác liên kết với Falmi để tận dụng dữ liệu, triển khai hoạt động giới thiệu việc làm phù hợp với các dự báo của đơn vị này, nâng cao hiệu quả kết nối, đảm bảo ổn định thị trường việc làm tại TP. HCM.

Theo dự báo nhân khẩu học của TP. HCM, trong trung và dài hạn, đà tăng dân số của thành phố sẽ có xu hướng giảm. Với việc mức sinh con của phụ nữ thấp (khoảng 1,2%) thì số lượng dân số trong độ tuổi lao động sẽ chững lại trong dài hạn.

Đồng thời, dòng di cư dân số ở TP. HCM cũng có thể chậm lại do các địa phương vệ tinh xung quanh TP. HCM đang phát triển nhanh và mạnh. Đây là nguyên nhân góp phần làm số lượng lao động nhập cư vào TP. HCM có xu hướng giảm trong tương lai.

Bình luận