Làm nông nghiệp xanh: Tưởng dễ mà rất khó

Bình luận · 78 Lượt xem

Lĩnh vực nông nghiệp đang tăng tốc trong quá trình ‘xanh hóa”, nhưng còn nhiều vướng mắc trong cơ chế, hạ tầng vận hành bên cạnh những vấn đề đã từng nhắc đến nhiều trước đây về vốn, công nghệ hay đất đai.

Còn nhiều vướng mắc

Đã có nhiều bước tiến mới trong hoạt động đầu tư nông nghiệp xanh được nêu lên, trong bối cảnh lĩnh vực này đang là trụ cột tăng trưởng GDP cũng như tốc độ xuất khẩu giá trị nông sản thị phần ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp muốn “xanh” sẽ còn một chặng đường rất dài phía trước, theo những câu chuyện chia sẻ của các diễn giả tại Diễn đàn “Thu hút Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Xanh 2024” mới đây.

Hợp tác xã Tiến Thuận thu hoạch lúa trong mô hình thí điểm lúa 1 triệu héc ta ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Như đề án phát triển 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long khởi động gần đây và được nhắc đến nhiều trong thời gian qua là ví dụ.  Ông Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp cho biết, đề án bắt đầu triển khai nghiên cứu định lượng về phát thải khí nhà kính, nhưng cũng gặp khó khăn trong tình trạng “50 hecta đất nhưng hơn 40 ý kiến của nông dân”, chưa kể đến vấn đề thủy lợi mỗi nơi một khác.

Đại diện của đơn vị chuyên thử nghiệm những kỹ thuật canh tác mới cũng cho biết hoạt động nghiên cứu còn gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như ứng dụng mô hình thu gom rơm rạ, phế phẩm sau thu hoạch, cũng gặp khó khi chỉ làm được mùa nắng, mùa mưa thì vẫn còn xử lý kiểu truyền thống là chôn, đốt.

Thiếu tích tụ đất đai và kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn là một trong những vấn đề lớn mà ông Lê Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam nhắc đến. “Những năm gần đây do thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao”, ông Tuấn trình bày trong tham luận.

Một nghịch lý nữa là trong bối cảnh xã hội nỗ lực tôn vinh sự bền vững, các hàng hóa “kém xanh” còn xuất hiện nhiều hơn. Ông Đặng Quý Nhân, Tổng giám đốc Công ty sản xuất Mekong, cho biết Trung Quốc trả về tổng 50 lô hàng vì dư lượng kim loại nặng trong phân bón. Vị này cho rằng vấn đề liên quan đến phân bón này nông dân khó lòng kiểm soát được, mà cần trách nhiệm từ cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, đầu tư vào nông nghiệp rất tốn tiền trong khi cơ chế vẫn thiếu nguồn tài trợ vốn. Tính toán của đại diện Agribank cho rằng cần khoảng 140-150 tỉ đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình công nghệ cao, tức gấp khoảng 4-5 lần so với trang trại truyền thống. Tương tự, một 1 hecta vườn nhà kính hoàn chỉnh theo công nghệ của Israel cần ít nhất 10-15 tỉ đồng.

Cần sớm có cơ chế xanh

Tuy có nhiều bài học khó khăn, nhưng nông nghiệp còn dư địa phát triển bền vững trong xu hướng tất yếu là hàng hóa xuất khẩu cũng như tiêu dùng nội địa đòi hỏi ngày càng sạch và xanh.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI trong những năm vừa qua nông nghiệp Việt Nam đã và đang thực hiện cơ cấu lại ngành, áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới. Tại nhiều địa phương, nhiều mô hình đã và đang trong quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái.

“Chúng ta bước đầu cũng đã được ghi nhận những kết quả có được từ mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch nên sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch, truy xuất được nguồn gốc”, Phó Chủ tịch VCCI đánh giá.

Diễn đàn Thu hút đầu tư phát triển Nông nghiệp Xanh 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM tổ chức hôm 30-7. Ảnh: BTC

Vốn là ngành sản xuất trụ cột của Việt Nam cũng như có thị phần xuất khẩu lớn trên thế giới, lĩnh vực nông nghiệp được quan tâm với nhiều đề án phát triển được đặt ra.

Chẳng hạn như Quyết định số 885 năm 2020 của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030; Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt tháng 9-2022; Quyết định số 150 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhìn chung, mục tiêu các chính sách đều là hướng nông nghiệp đến sản xuất hiện đại, nâng chất lượng, giảm phát thải từ mô hình kinh tế sinh thái, tuần hoàn. Tuy có nhiều đề án mới nhưng dường như vẫn chưa đủ để thúc đẩy thị trường thay đổi mạnh mẽ.

Một điều cần thiết hiện nay được nhắc đến nhiều là về quy trình đánh giá và định nghĩa thế nào là “xanh”. Đại diện Agribank, ngân hàng định hướng nguồn vốn chủ lực cho lĩnh vực nông nghiệp, nói rằng khó cho vay vốn vì chưa có quy định cơ quan nào xác nhận tiêu chí xanh, sạch của dự án.

Từ phía doanh nghiệp, theo ông Trần Văn Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, một số ngành thực phẩm đã được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ, nổi bật như ngành dừa với khoảng 10 doanh nghiệp ở Bến Tre được chứng nhận quốc tế, ngành điều cũng tương tự. Tuy nhiên, vấn đề của thị trường cũng được vị này nhắc đến, bao gồm nguồn nguyên liệu chế biến khá ít, vấn đề vốn và sự hỗ trợ của các tổ chức từ nhà nước cũng như các hội, hiệp hội.

Tương tự, ông Nhân cũng nêu lên bài toán muốn xanh thì bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhưng liên kết bao tiêu giữa doanh nghiệp và nông dân rất dễ bị bẻ gãy khi giá nông sản tăng hoặc giảm quá mạnh. Đây là vấn đề tồn tại nhiều năm qua của nông nghiệp Việt Nam.

Theo ông Chinh, bài học từ các quốc gia khác cho thấy không chỉ có định nghĩa nông nghiệp xanh từ sớm mà cần phải đặt ra mục tiêu cho ngành. Chẳng hạn Thái Lan tập trung vào thế mạnh là câu chuyện sản xuất chế biến, cũng như sản xuất hữu cơ định hướng từ đầu đến thị trường xuất khẩu là Nhật Bản hay châu Âu.

“Việt Nam vẫn chưa có quy hoạch cụ thể về việc sản xuất hữu cơ, chưa có cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ hoạt động sản xuất mà chủ yếu lồng ghép trong các chương trình khác như chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản qua hợp đồng…”, ông Chinh nêu lên đánh giá về bức tranh chung của ngành.

Bình luận