Tiên phong đưa cam Canh, bưởi đỏ về đất khó

Bình luận · 63 Lượt xem

HÒA BÌNH Ông Nghiệp giới thiệu tỉ mỉ đặc tính cây bưởi đỏ Tân Lạc, cây cam Canh, cách chăm sóc, thụ phấn bổ sung, cách phòng trừ sâu bệnh hại... như một kỹ sư nông nghiệp

Sau 10 năm "nằm gai nếm mật" với nhiều thất bại, song bằng sự cần cù, chịu khó, ông Quách Công Nghiệp (sinh năm 1964) ở thôn An Thịnh, xã Thanh Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã mạnh dạn đưa 1.100 cây cam Canh và bưởi đỏ Tân Lạc về trồng thành công trên 4ha đất đồi cao, hoang hóa, bạc màu, sỏi đá. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, vườn cây ăn quả của ông đã cho trái ngọt, thu nhập hơn 450 triệu đồng/năm.

Vùng đồi hoang đã được ông Nghiệp cải tạo thành vườn cây ăn quả trù phú. Ảnh: Quốc Toản.

Vùng đồi hoang đã được ông Nghiệp cải tạo thành vườn cây ăn quả trù phú. Ảnh: Quốc Toản.

Đưa cây trồng "đỏng đảnh" về đất khó

Đưa chúng tôi đi thăm vườn bưởi đỏ Tân Lạc, cam Canh nằm thoai thoải theo sườn đồi dốc đang chuẩn bị tới kỳ thu hoạch, quả căng mọng, đều nhau, lá xanh mướt mát, ông Nghiệp cho biết cuối năm 2013, qua báo, đài, mạng Internet, ông dành mấy tháng trời lặn lội đến tận các mô hình sản xuất trồng trọt hiệu quả cao trong và ngoài tỉnh như Hưng Yên, Hà Nội... Tình cờ ông được một người bạn giới thiệu lên thăm mô hình trồng cây cam đường Canh (cam Canh) và bưởi đỏ ở huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình). Đến nơi, ông thấy rất ấn tượng với giá trị kinh tế của hai loại cây ăn quả này. Bên cạnh đó, ông nhận thấy đây là những cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương mình.

“Khi mới đấu thầu, nhìn toàn bộ khu vực này mênh mông, sườn đồi dốc, nhiều chỗ cỏ mọc um tùm cũng nản lắm. Tuy nhiên khi đi thăm mô hình trồng cam, bưởi ở huyện Tân Lạc, vợ chồng tôi đã nhìn thấy cơ hội đổi đời nên quyết tâm biến khu đồi hoang này thành trang trại trồng cây bưởi đỏ Tân Lạc, cây cam Canh” – ông Nghiệp kể.

Ông Nghiệp đặc biệt chú trọng canh tác cam, bưởi bằng phương pháp hữu cơ. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nghiệp đặc biệt chú trọng canh tác cam, bưởi bằng phương pháp hữu cơ. Ảnh: Quốc Toản.

Trên diện tích 1,6ha đất đồi hoang đấu thầu lại của người dân địa phương, ông Nghiệp bắt đầu công việc “đội đá vá trời” khi đã bước vào tuổi 50. Ông vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 200 triệu đồng rồi cùng vợ con đào hố, hạ đường đồng mức để trồng 400 gốc bưởi đỏ Tân Lạc. Ngày trước vào khu vực này chưa có đường đi thuận lợi như bây giờ, ông phải vác từng bao tải phân bón, leo vượt sườn đồi dốc gần 1km để bón cho từng cây bưởi. Lúc thu hoạch lại vác bưởi xuống đường ô tô.

Sau gần 2 năm, vườn bưởi đỏ của ông đã cho những quả ngọt đầu tiên. Thế nhưng lúc đó ông lại gặp khó khăn về đầu ra do ở địa phương chưa có ai trồng loại cây này nên thương lái không biết đến, còn những người dân quê thì không dám bỏ tiền ra mua vì quả đặc sản này có giá bán cao gấp 2 - 3 lần so với loại bưởi truyền thống.

Đã có thời điểm, hai vợ chồng ông Nghiệp phải đưa bưởi ra Hà Nội, chở từng xe thồ đi khắp các chợ vừa chào hàng, vừa bán lẻ. Sau này, khi biết được chất lượng quả bưởi đỏ Tân Lạc với quả nhỏ, ngọt và càng để lâu càng ngon nên nhiều thương lái đã tìm đến tận vườn đặt mua.

Những quả bưởi đỏ tròn đều, mẫu mã đẹp, mọng nước, thơm ngọt nhờ được trồng theo hướng hữu cơ. Ảnh: Quốc Toản.

Những quả bưởi đỏ tròn đều, mẫu mã đẹp, mọng nước, thơm ngọt nhờ được trồng theo hướng hữu cơ. Ảnh: Quốc Toản.

Tiếp nối từ thành công bước đầu đó, đầu năm 2018, ông Nghiệp quyết định tiếp tục đầu tư đấu thầu thêm 2ha đất để trồng 700 gốc cam Canh. Do cây cam Canh và bưởi đỏ Tân Lạc rất nhạy cảm với thời tiết, sâu bệnh nên đòi hỏi người trồng phải cần cù, chịu khó và áp dụng đồng bộ, nghiêm ngặt tiến bộ kỹ thuật từ khâu chọn giống, làm đất, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch, bảo quản quả.

Ngoài việc tìm về những địa phương đang có thế mạnh về hai loại cây này để học hỏi, ông Nghiệp còn về tận Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhờ các kỹ sư nông nghiệp tư vấn. Đồng thời tham gia đầy đủ các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân xã, Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức. Nhờ đó, vườn cam, bưởi của gia đình ông luôn đạt năng suất, chất lượng ổn định, bán được giá cao.

Rành kỹ thuật như kỹ sư

Dẫn chúng tôi tham quan 3,6ha vườn, ông Nghiệp giới thiệu tỉ mỉ đặc tính của cây bưởi đỏ Tân Lạc, cây cam Canh, cách chăm sóc, thụ phấn bổ sung cho hoa, cách phòng trừ sâu bệnh hại... như một kỹ sư nông nghiệp.

Trong khi nhiều vùng cam, bưởi những năm qua bị bệnh hại tàn phá thì vườn bưởi của ông Nghiệp vẫn luôn sạch bệnh, phát triển tốt nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất hữu cơ, bền vững. Ảnh: Quốc Toản.

Trong khi nhiều vùng cam, bưởi những năm qua bị bệnh hại tàn phá thì vườn bưởi của ông Nghiệp vẫn luôn sạch bệnh, phát triển tốt nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất hữu cơ, bền vững. Ảnh: Quốc Toản.

"Cây bưởi đỏ, cây cam Canh đơn giản như cắt hái quả không đúng kỹ thuật vụ sau sẽ không cho sai quả. Yếu tố quan trọng nhất để cây ra hoa như mong muốn là theo dõi chặt chẽ thời tiết và thời điểm chăm sóc, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thường xuyên bón bổ sung bột đỗ tương vào thời điểm cây nuôi quả” – ông Nghiệp chia sẻ.

Về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bưởi, cam, ông Nghiệp cho biết để cây phát triển khỏe, hạn chế sâu bệnh, cho năng suất cao, khi trồng cần lưu ý ngay từ khâu chọn giống, nên chọn những cây giống từ cây khỏe, không bị cong queo. Cam, bưởi không chịu được úng nên khi trồng cần tiến hành làm luống, có rãnh thoát nước; đất trồng cần tơi xốp, đất thịt nhẹ, đặc biệt đất giàu mùn, giữ độ pH luôn ổn định từ 5,5 – 7. Kích thước các hố trồng cây 60cm × 60cm × 60cm, hố cách hố và hàng cách hàng 6m.

Thời gian từ 1 đến 3 năm đầu tiên ông Nghiệp tiến hành bấm ngọn để tạo tán, khống chế chiều cao cây giúp cây phát triển theo một khung cố định. Thường xuyên cắt tỉa cành tăm, cành bị sâu bệnh, vượt tán, cành già không còn khả năng cho quả. Lưu ý khi cắt cần cắt sát thân chính để tạo mô sẹo. Ngoài ra, vào thời kỳ sai quả nên làm cây chống đỡ hoặc dùng dây buộc để níu cành giúp cây không bị gãy.

Ông Nghiệp không dùng thuốc diệt cỏ mà để cỏ mọc tự nhiên, chỉ kiểm soát bằng cách phát dọn. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nghiệp không dùng thuốc diệt cỏ mà để cỏ mọc tự nhiên, chỉ kiểm soát bằng cách phát dọn. Ảnh: Quốc Toản.

Đến tháng giêng (âm lịch) khi cây bưởi, cam chuẩn bị ra hoa, ông Nghiệp tiến hành phun thuốc kích hoa nhằm tạo số lượng quả theo ý muốn. Đến thời kì hoa nở ông dùng phương pháp dẫn dụ các loài côn trùng như ong, chim để thụ phấn tự nhiên, đồng thời thực hiện “se duyên” (thụ phấn bổ sung) cho hoa.

Việc thụ phấn bổ sung bằng tay đòi hỏi tỉ mỉ, cẩn thận và kiên trì. Những ngày nắng ráo sử dụng chổi lông quét phấn hoa lên những hoa cần thụ phấn, thực hiện 2 lần/ngày, buổi sáng từ 8h30 - 10h30, buổi chiều từ 14h - 16h, liên tục từ khi hoa nở đến khi hoa bắt đầu tàn. Sau khi thu hoạch quả xong, ông tiến hành bón phân giúp cây phục hồi để tiếp tục cho quả vào năm sau.

Theo kinh nghiệm trồng bưởi, cam suốt 10 năm qua, ông Nghiệp cho biết sâu bệnh thường gặp bao gồm sâu vẽ bùa, sâu đục cành, sâu đục thân, côn trùng đục quả, rầy, rệp, nhện đỏ, bệnh loét. Để phòng trừ sâu bệnh, ông sử dụng chế phẩm vi sinh, ớt, tỏi xay nhỏ đem phun nhằm bảo vệ môi trường, giảm chi phí đầu tư.

Hiện mỗi năm trừ chi phí ông Nghiệp có thu nhập hơn 450 triệu đồng từ vườn bưởi, cam. Ảnh: Trần Toản.

Hiện mỗi năm trừ chi phí ông Nghiệp có thu nhập hơn 450 triệu đồng từ vườn bưởi, cam. Ảnh: Trần Toản.

Bên cạnh đó, ông Nghiệp còn sử dụng biện pháp nuôi kiến vàng để trừ sâu, diệt rầy, rệp sáp. Quanh cây bưởi, cây cam được buộc dây treo để kiến vàng theo lối chạy đi khắp vườn, đến từng cây và trực tiếp diệt sâu bọ. Nhờ đó, nơi nào có nhiều kiến vàng sinh sống thì gần như không bị nhiễm rầy, rệp.

Cây bưởi đỏ Tân Lạc và cam Canh cho thu hoạch từ tháng 11 và tháng 12 âm lịch. Sản phẩm quả bưởi đỏ to, tròn đều, năng suất 260 – 320 quả/cây và trọng lượng từ 1,2 – 1,4kg/quả, vỏ mỏng màu vàng, khi chín múi bưởi chuyển sang màu hồng đỏ, mọng nước, ngọt thanh, không bị he đắng.

Quả cam Canh trọng lượng trung bình 8 – 10 quả/kg, khi chín có màu đỏ gấc, thịt quả mọng nước, ít hạt, ít xơ bã, có vị ngọt mát. Mỗi năm 1,6ha bưởi đỏ của gia đình ông Nghiệp cho thu hoạch trung bình 60 tấn quả; 2ha cam Canh cho thu hoạch 80 tấn quả với giá bán 30.000đ – 35.000đ/kg. Hiện ông Nghiệp tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động và 10 lao động thời vụ với thu nhập 250.000đ/người/ngày. 

                

Bình luận