Đổi thay trên vùng quê '9 áo 1 quần'

Bình luận · 70 Lượt xem

Những làng quê ở Bình Định trước đây được mệnh danh là vùng đất ‘chó ăn đá gà ăn sỏi’ giờ đã vươn mình mạnh mẽ, với diện mạo nông thôn đổi mới, hiện đại.

Khu Đông khởi sắc

Bây giờ, về Nhơn Hạnh, xã khu Đông của thị xã An Nhơn (Bình Định), nơi từng được mệnh danh là “quê hương 9 áo 1 quần”. Nhớ lần đầu tiên về công tác ở Nhơn Hạnh, hỏi thăm những bậc lão niên ở đây về ý nghĩa của ví von trên, chúng tôi được biết Nhơn Hạnh là vùng trũng, “chưa mưa đã úng”, cỏ lát mọc đầy, quanh năm ngập nước nên mỗi khi ra đường đàn ông ở đây chẳng mấy khi mặc quần dài, phụ nữ thì xắn quần thật cao để khỏi bị ướt. Do ít sử dụng quần dài, nên người dân Nhơn Hạnh phải mặc rách 9 cái áo mới rách 1 cái quần. Hình ảnh ấy đã khắc họa nỗi cơ cực của vùng quê khu Đông Nhơn Hạnh.

Hình ảnh ấy đã lùi về xa xưa, Nhơn Hạnh bây giờ bừng sáng với những con đường bê tông to rộng, sạch đẹp nối những khu dân cư sầm uất với nhiều ngôi nhà cao tầng, khang trang. Mấy năm gần đây nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ trồng thành công mai cảnh đã trở nên giàu có. Khi đời sống khá lên, nhiều nông dân tự nguyện đóng góp tiền, đóng góp ngày công, hiến đất xây dựng các công trình giao thông, kênh mương thủy lợi, tham gia bảo vệ môi trường.

Nông dân Nhơn Hạnh (thị xã An Nhơn, Bình Định) đóng góp 90 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp 4,3 km đường giao thông. Ảnh: V.Đ.T.

Nông dân Nhơn Hạnh (thị xã An Nhơn, Bình Định) đóng góp 90 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp 4,3 km đường giao thông. Ảnh: V.Đ.T.

Mô hình sử dụng thuốc sinh học chăm sóc mai cảnh của tổ hội nghề nghiệp trồng mai cảnh Xuân Mai và 2 mô hình “Tự quản vệ sinh môi trường, đoạn đường sáng-xanh-sạch-đẹp” là điểm sáng của 2 chi hội Thanh Mai và Lộc Thuận, qua đó góp phần thực hiện đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Vùng đất cát “đẻ” vàng

Xuôi tuyến ĐT 634 và đường phía Tây tỉnh Bình Định, qua địa phận các xã Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Sơn (huyện Phù Cát), đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được những mảng màu tươi sáng trong bức tranh nông nghiệp. Ít ai biết rằng, sau năm 1975, hậu quả chiến tranh để lại khiến chính quyền và người dân các xã phía Tây huyện Phù Cát nói trên phải đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu để xây dựng lại quê hương. Chưa nói đâu xa, cách đây chừng 20 năm, vùng đất này vẫn còn cằn cỗi với cát và cát. Thế nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, cơ cấu kinh tế của xã Cát Hiệp, Cát Lâm chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

“Năm 2023, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của xã Cát Hiệp ước đạt hơn 710 tỷ đồng; tổng thu ngân sách hơn 30 tỷ đồng; thu nhập đầu người hơn 57 triệu đồng/người/năm. Cát Lâm cũng bám sát để “bằng bạn bằng bè”. Năm 2023, tổng sản phẩm địa phương của xã Cát Hiệp đạt hơn 513 tỷ đồng, tổng thu ngân sách xã hơn 15 tỷ đồng, thu nhập đầu người hơn 51 triệu đồng/người/năm. Đời sống người dân trong xã khấm khá là nhờ hệ thống  kênh đập Văn Phong đi qua địa bàn, có nước tưới, người dân canh tác được cây đậu phộng nâng cao thu nhập”, ông Nguyễn Tôn Hiến, Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp, chia sẻ.

Đời sống người dân Cát Hiệp (huyện Phù Cát, Bình Định) khấm khá là nhờ hệ thống  kênh đập Văn Phong đi qua địa bàn, có nước tưới, người dân canh tác được cây đậu phộng nâng cao thu nhập. Ảnh: V.Đ.T.

Đời sống người dân Cát Hiệp (huyện Phù Cát, Bình Định) khấm khá là nhờ hệ thống  kênh đập Văn Phong đi qua địa bàn, có nước tưới, người dân canh tác được cây đậu phộng nâng cao thu nhập. Ảnh: V.Đ.T.

Điều đáng ghi nhận là cơ sở hạ tầng nông thôn ở các xã Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Hiệp được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn chỉnh. Những tuyến đường bê tông thẳng tắp trải dài; hệ thống đường liên thôn, xóm hầu hết đã bê tông hóa; điện lưới phủ khắp đến từng nhà. Hệ thống thủy lợi, kênh mương được đầu tư khép kín; các điểm trường học, trạm y tế, chợ xây dựng khang trang, tạo ra sức sống mới ở vùng đất trước kia được ví von là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.

Bình luận