Lâm Đồng: Tọa đàm “Khuyến nông cộng đồng trong sản xuất cà phê không gây mất rừng”

Bình luận · 222 Lượt xem

Ngày 24/8/2023, tại Đà Lạt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tổ chức Tọa đàm với chủ đề: "Khuyến nông cộng đồng trong sản xuất cà phê không gây mất rừng".


Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia phát biểu khai mạc tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, sự kiện được tổ chức nhằm cụ thể hóa văn bản số 5179/BNN-HTQT ngày 01/8/2023 của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai Khung kế hoạch hành động thích ứng với quy định không gây mất rừng EU. Hiện tại, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. Liên minh châu Âu tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm khoảng 39% khối lượng xuất khẩu. Năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường EU đạt 689.049 tấn, trị giá 1,5 tỷ USD, tăng 25,8% về lượng và 45,4% về trị giá so với năm 2021. Để triển khai kịp thời và hiệu quả kế hoạch trên, hệ thống khuyến nông cả nước nói chung và khuyến nông cộng đồng nói riêng đóng vai trò nòng cốt.

Hiện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phát triển 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn nhằm đáp ứng Quy định sản xuất không gây mất rừng và suy thoái rừng của EU; trong đó, vùng sản xuất cà phê Tây Nguyên có 11.200 ha với các tổ khuyến nông cộng đồng phục vụ phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn.

Tại tọa đàm, đại diện Tổ chức sáng kiến Thương mại bền vững IDH của Hà Lan cho biết, từ sau ngày 30/12/2020, sản phẩm cà phê sản xuất trên đất gây mất rừng của Việt Nam không được thông quan sang thị trường châu Âu. Để chứng minh cà phê sản xuất không gây mất rừng phải có định vị, truy xuất nguồn gốc đến từng khu vườn, báo cáo giải trình, phân tích nguy cơ và giải pháp giảm thiểu nguy cơ mất rừng.

Đây là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm về Quy định sản xuất không gây mất rừng và suy thoái rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU). Quy định này được Nghị viện châu Âu thông qua vào tháng 4/2023, có hiệu lực từ tháng 6/2023 và bắt đầu áp dụng các nghĩa vụ đối với công ty lớn từ tháng 12/2024.

Ngày 16/5/2023, Uỷ ban châu Âu (EC) đã thông qua Quy định không gây mất rừng (EUDR). Theo quy định này, 100% một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu đều cần có thông tin định vị (GPS), dựa trên đó để xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát. EUDR dự kiến có hiệu lực từ tháng 12/2024 và sẽ tác động trực tiếp đến các tác nhân trong các chuỗi cung ứng ngành hàng, trong đó có cao su, cà phê, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Đây là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam./

T.H (mard.gov.vn)

Bình luận