Thứ lợn xấu mã ở Hà Giang, nếm miếng thịt ngọt đầu lưỡi, được chọn xây dựng chuỗi giá trị thương hiệu

Bình luận · 197 Lượt xem

Lợn đen là giống lợn quý bản địa của tỉnh Hà Giang, được đồng bào dân tộc địa phương nuôi chăn thả tự nhiên. Tỉnh Hà Giang đã lựa chọn phát triển chăn nuôi giống lợn đen bản địa theo hướng an toàn sinh học, VietGAHP g?

Phát triển giống lợn đen đặc sản theo chuỗi giá trị thương hiệu

Lợn đen là giống lợn quý bản địa của tỉnh Hà Giang, được người dân tộc nuôi chăn thả tự nhiên. Tỉnh Hà Giang đã lựa chọn phát triển chăn nuôi giống lợn đen bản địa theo hướng an toàn sinh học, VietGAHP gắn với xây dựng chuỗi giá trị thương hiệu. 

 

 

Hiện nay, tổng đàn lợn đen tại địa phương có khoảng 148.583 con, tập trung chủ yếu tại 4 huyện vùng cao, núi đá phía Bắc gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và chăn nuôi rải rác tại 2 huyện núi đất phía Tây: Xín Mần và Hoàng Su Phì. 

 

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trung bình 7.772 tấn/năm, có 90 doanh nghiệp, HTX, cơ sở tham gia chăn nuôi sơ chế, chế biến thịt lợn đen đặc sản. 

 

Tỉnh Hà Giang phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn lợn đen đạt 168.708 con, sản lợn thịt hơi xuất chuồng 8.283 tấn/ năm; xây dựng chuỗi giá trị chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa lợn đen Lũng Pù tại huyện Mèo Vạc.

 

Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa đảm bảo theo hướng an toàn sinh học, từng bước tạo nên thương hiệu sản phẩm tại Hà Giang vẫn còn nhiều khó khăn như: Nhiều hộ vẫn chăn nuôi theo kiểu chăn thả tự nhiên; quy mô chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ lệ lớn (trên 70%), hệ thống chuồng trại tận dụng, không đồng bộ quy trình chăn nuôi nên việc áp dụng an toàn sinh học, các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do đó rủi ro dịch bệnh rất cao. 

 

Thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá cả biến động, giá vật tư đầu vào tăng cao, thiếu bền vững; chưa gắn kết chặt chẽ chăn nuôi với giết mổ, chế biến, tạo thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. 

 

Năm 2018, tỉnh Hà Giang đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa (Lợn Lũng Pù, Lợn Mán, Lợn Mường Khương,…) theo hướng an toàn sinh học có giá trị kinh tế cao tại một số tỉnh miền núi phía Bắc”.

 

Dự án đã nâng cao nhận thức người dân về kỹ thuật chăn nuôi lợn bản địa, trong đó bà con đã tích cực đầu tư khâu xây dựng chuồng trại, chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng và thú y phòng trị bệnh, đặc biệt là kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh, nâng cao chất lượng đàn lợn bản địa tại địa phương.

 

Đầu tư xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi lợn đen theo hướng hữu cơ

Tham gia dự án, HTX Tuấn Dũng (thị trấn Mèo Vạc) được giao tổ chức thực hiện bảo tồn và phát triển giống lợn đen Lũng Pù. 

 

Hiện HTX đang duy trì nuôi hơn 100 con lợn nái sinh sản, 300 con lợn thịt thương phẩm; hàng năm xuất bán khoảng 1.500 con lợn giống có chất lượng tốt cho bà con chăn nuôi. Sản phẩm thịt lợn đen Lũng Pù của HTX Tuấn Dũng được công nhận là sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh.

 

Ông Thèn Văn Hải - Giám đốc HTX Tuấn Dũng chia sẻ, giống lợn đen Lũng Pù được thuần hóa từ lâu đời rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi của người dân vùng cao ở Hà Giang. 

 

Lợn đen Lũng Pù là giống lợn quý của người Mông, tầm vóc to lớn. Chỉ bằng phương pháp nuôi kham khổ, nấu bột ngô cùng với lá, rau rừng băm nhỏ, nuôi 10 - 12 tháng đã đạt trọng lượng 80 - 90kg/con.

 

Theo ông Hải, đây là giống lợn chiếm tỷ lệ cao nhất và có chất lượng tốt nhất so với các giống lợn địa phương khác của Hà Giang.

 

Nhờ được đầu tư đồng bộ, hiện đại, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc, đến nay, sau hơn 2 năm chăn nuôi lợn đen Lũng Pù, HTX Tuấn Dũng đã thuần hóa và nuôi thành công giống lợn bản địa này. Với việc chăn nuôi thành công giống lợn đen đặc sản, HTX Tuấn Dũng có doanh thu hơn 7,6 tỷ đồng/năm.

 

Theo lãnh đạo huyện Mèo Vạc, giống lợn Lũng Pù có nguồn gốc từ xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc. Hiện, toàn huyện Mèo Vạc có trên 33.000 con lợn Lũng Pù với 11.334 hộ chăn nuôi, trong đó, HTX Tuấn Dũng đang sở hữu trang trại chăn nuôi lợn đặc sản quy mô lớn nhất, nhì ở Hà Giang.

 

Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho hay, huyện đã và đang đề ra nhiều giải pháp phát triển đàn lợn Lũng Pù, với nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt, trong đó tập trung vào các giải pháp tiêu thụ, chế biến sản phẩm, phòng chống dịch bệnh... và sẽ lấy HTX Tuấn Dũng làm điểm nhấn trong các chính sách này.

 

Để triển khai dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa (Lợn Lũng Pù, Lợn Mán, Lợn Mường Khương,…) theo hướng an toàn sinh học có giá trị kinh tế cao", các huyện của tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều phương án liên kết phát triển sản xuất.

 

Điển hình như: Thực hiện mô hình chăn nuôi duy trì và phát triển lợn đen bản địa gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang; các mô hình chăn nuôi sản xuất giống lợn đen theo hình thức trang trại và nông hộ; chăn nuôi lợn nái sinh sản tại các xã Lũng Pù, Pả Vi (huyện Mèo Vạc), xã Lũng Thầu, Sủng Trái (huyện Đồng Văn), xã Lũng Hồ, Đường Thượng (huyện Yên Minh).

 

Đặc biệt từ năm 2022, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều hộ dân đã lựa chọn phát triển sản xuất cộng đồng chăn nuôi lợn đen bản địa. 

 

Hiện nay, tỉnh Hà Giang có 5 sản phẩm từ thịt lợn đen được phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao gồm: thịt lợn đen, thịt lợn đen treo gác bếp, sườn lợn đen treo gác bếp, lạp sường lợn đen… 

 

Năm 2023, tỉnh Hà Giang đã phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa nhằm mở rộng quy mô chăn nuôi lợn đen theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu lợn đen hữu cơ Hà Giang.

Bình luận