Việt Nam chỉ còn ít cà phê để xuất khẩu

Bình luận · 79 Lượt xem

Giá cà phê ở Việt Nam liên tục đứng ở mức cao do tình trạng khan hiếm nguồn cung. Tình trạng khan hiếm sẽ còn kéo dài cho tới khi vào vụ mới bắt đầu thu hoạch vào tháng 10/2024.

Sản lượng cà phê Việt Nam ước tính giảm 20% trong niên vụ 2023/2024. Ảnh: Sơn Trang.

Trong tháng 7, giá cà phê ở Tây Nguyên liên tục đứng ở mức cao, trên 120.000 đồng, có thời điểm chạm mức 130.000 đồng/kg. So với cùng thời điểm này năm ngoái, giá cà phê hiện tại đang cao hơn gấp 2 lần.

Giá cà phê thế giới ở mức cao, cộng với nguồn cung khan hiếm, là những nguyên nhân chính giữ cho giá cà phê Việt Nam luôn ở mức cao trong những tháng qua.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, những ngày đầu tháng 7/2024, giá cà phê Robusta và Arabica trên thị trường thế giới tăng mạnh trở lại do lo ngại điều kiện khô hạn hơn bình thường có thể ảnh hưởng xấu đến cây cà phê của Brazil và Việt Nam. Tại sàn giao dịch London, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 9/2024 đã lên mức cao nhất trong lịch sử là 4.681 USD/tấn vào ngày 11/7. Cũng trong hôm ấy, giá cà phê Arabica tại sàn New York ở mức 5.629 USD/tấn.

Bộ NN-PTNT ước tính sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2023/2024 là 1,47 triệu tấn, giảm 20% so với niên vụ 2022/2023. Đây là sản lượng thấp nhất trong 4 năm qua.

9 tháng đầu niên vụ 2023/2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024), Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,26 triệu tấn cà phê, giảm hơn 11% so với cùng kỳ niên vụ 2022/2023. Lượng xuất khẩu này tương đương 86% sản lượng niên vụ 2023/2024.

Như vậy, nếu không tính hàng tồn kho từ niên vụ 2022/2023 chuyển sang, Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 210.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong 3 tháng còn lại của niên vụ 2023/2024 (từ tháng 7 đến  đến hết tháng 9), cho đến khi niên vụ mới bắt đầu thu hoạch vào tháng 10 năm nay.

Mà thực tế, gần như không có hàng tồn kho từ niên vụ 2022/2023 chuyển sang, vì theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (VICOFA), ngay từ tháng 5 - 6/2023, Việt Nam đã xảy ra tình trạng khan hiếm cà phê để xuất khẩu. Tình trạng này kéo dài đến đầu niên vụ 2023/2024 khiến cho nhiều doanh nghiệp phải lấy cà phê từ niên vụ hiện tại để “trả” cho các đơn hàng xuất khẩu trong niên vụ 2022/2023.

Phơi cà phê trong một trang trại ở Tây Nguyên. Ảnh: Sơn Trang.

Lượng cà phê xuất khẩu của những tháng gần đây càng cho thấy rõ tình trạng khan hiếm cà phê ở Việt Nam. Tháng 5/2024, Việt Nam xuất khẩu 79 nghìn tấn cà phê, giảm 47,8% về lượng so với tháng 4/2024 và giảm 47% về lượng so với tháng 5/2023. Tháng 6/2024, Việt Nam xuất khẩu 70 nghìn tấn cà phê, giảm 11,5% về lượng so với tháng 5/2024, so với tháng 6/2023 giảm tới 50,4%.

Do nguồn cung cà phê đã gần như cạn kiệt, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 3 tháng còn lại của niên vụ 2023/2024 sẽ tiếp tục giảm. Điều này có thể sẽ khiến cho giá cà phê tăng lên, khi nhu cầu vẫn tăng. Nhu cầu mua cà phê từ các nhà nhập khẩu châu Âu đang tăng do xu hướng tích trữ hàng tồn kho trước thời hạn tuân thủ Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), bắt đầu từ 1/1/2025.

Sản lượng cà phê Việt Nam không chỉ giảm trong niên vụ 2023/2024 mà dự kiến con giảm tiếp trong niên vụ 2024/2025.

Nắng nóng kéo dài trong nửa đầu năm nay đã ảnh hưởng lớn tới nhiều vườn cà phê ở Tây Nguyên. Không những thế, nhiều vườn cà phê ở khu vực này đã bị ảnh hưởng bởi dịch hại, nhất là rệp sáp.

Ông Đỗ Văn Tân, nông dân ở thôn 6, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, cho biết, gia đình ông trồng hơn 1ha cà phê, thì khoảng 30% diện tích đã bị rệp sáp gây hại. Rệp sáp hoạt động mạnh nhất là vào thời điểm cuối mùa khô và đầu mùa mưa. Rệp sáp chích hút nhựa cây làm cho chồi non, cành lá… bị khô héo, dẫn tới rụng bông, rụng quả non, chết cành. Sự hoành hành của rệp sáp còn tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển bám trên cành, trên lá, trên quả khiến cho cây giảm khả năng quang hợp, làm giảm mạnh năng suất của cây cà phê.

Theo VICOFA, thời tiết không thuận lợi, cộng với sự bùng phát của rệp sáp và nhện đỏ ở nhiều tỉnh trồng cà phê, có thể khiến cho sản lượng cà phê Robusta niên vụ tới giảm từ 15 đến 20%. Theo ước tính của Vicofa, sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam niên vụ 2023/2024 vào khoảng 26,7 triệu bao (1 bao 60kg). Nếu niên vụ 2024/2025 giảm ở mức như trên, sản lượng cà phê Robusta chỉ còn ở mức từ 21,4 đến 22,7 triệu bao. Con số này thấp hơn nhiều so với ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) là 27,85 triệu bao.

Bình luận