Hơn 46.000ha đất nông nghiệp được chủ động nước tưới

Bình luận · 163 Lượt xem

Chủ động nguồn nước từ các công trình thủy lợi đã giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh tăng vụ, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.

Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái, hiện toàn tỉnh có hơn 2.300 công trình và cụm công trình thủy lợi, trong đó có hơn 130 đập, hồ chứa với tổng dung tích hơn 34 triệu m3. Trạm bơm điện hiện có 34 công trình nhỏ công suất dưới 3.600m3/h. Ngoài ra còn có hơn 2.100 cụm công trình và công trình đập dâng. Tổng chiều dài kênh mương gần 4.600 km, đã thực hiện kiên cố hóa được trên 2.300 km, đạt tỷ lệ 51%, còn lại hơn 2.200 km là kênh mương đất.  

 

Các công trình thủy lợi đảm bảo tưới, tiêu cả năm cho hơn 46.400 ha đất nông nghiệp, chủ yếu là lúa, cây màu, thủy sản và cây công nghiệp. Việc kiên cố, duy tu, sửa chữa thường xuyên các công trình đã giúp chủ động tưới tiêu cho 90% diện tích lúa 2 vụ ở các địa phương trong tỉnh.

 

Đến nay, 100% đơn vị xã, phường, trấn trong tỉnh đã hoàn thành tiêu chí về thủy lợi trong bộ tiêu chí xây dựng NTM; tất cả 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiêu chí số 3 về thủy lợi. Thủy lợi thuận tiện không chỉ giúp người nông dân chủ động mở rộng diện tích canh tác, mà còn mạnh dạn áp dụng các phương thức luân canh, tăng vụ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, để vận hành, khai thác hiệu quả bền vững hệ thống thủy lợi vẫn còn rất nhiều khó khăn do đặc điểm địa hình, thiên tai và nhận thức của người dân.

 

Theo ông Trần Anh Văn – Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái, phần lớn các công trình thủy lợi trên địa bàn có quy mô, diện tích nhỏ lẻ, phân tán. Chỉ có hơn 30 công trình có diện tích tưới tiêu lớn hơn 50 ha; hơn 900 công trình có diện tích tưới tiêu từ 5-50 ha, và gần 1.400 công trình có diện tích tưới nhỏ hơn 5 ha.

 

 

Các công trình thủy lợi xây dựng tại địa hình phức tạp, tuyến ống dài đi qua nhiều khe suối, núi đá xa khu dân cư rất khó khăn trong quản lý, vận hành. Những năm gần đây, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ ống, lũ quét xảy ra thường xuyên dẫn đến nhiều hư hỏng, bồi lắng của công trình. Vì vậy nhu cầu kinh phí để khắc phục, sửa chữa, nâng cấp các công trình hằng năm là rất lớn, trong khi các địa phương vùng cao còn hết sức khó khăn về điều kiện kinh tế.

 

Việc vận hành khai thác các công trình gặp nhiều khó khăn do diện tích đất nông nghiệp không tập trung dẫn đến các công trình thường phân bổ nhỏ lẻ. Ý thức của người dân trong việc khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi còn thấp, đặc biệt đối với những công trình tự chảy.

 

Để nâng cao hiệu quả sử dụng công trình thủy lợi, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tỉnh Yên Bái sẽ củng cố hoạt động quản lý, khai thác công trình thủy lợi; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng hệ thống, nâng cao mức đảm bảo an toàn hồ, đập. Xây dựng mới các công trình thủy lợi cho các khu vực chưa chủ động tưới, tiêu, tại các nơi có ưu thế về nguồn nước, cao trình để điều tiết nước giữa các khu vực. Nâng cấp hệ thống kênh mương chính của các hồ thủy lợi lớn để giảm thất thoát nước.

 

 

Ngoài ra, tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng, đáp ứng các phương thức canh tác tốt để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất. Tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong quản lý, sử dụng các công trình thủy nông. Nhân rộng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, giảm thiểu rủi ro cho một số loại cây trồng có thế mạnh của tỉnh như cây chè, bưởi và các vùng trồng rau màu.

 

Thanh Tiến

 

Bình luận