Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Hội Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh Tiền Giang đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch và chương trình hành động để tập trung phát triển thành phần kinh tế hợp tác.
Cụ thể, chương trình 30 của Tỉnh ủy, quyết định số 2848 và kế hoạch hành động số 102 của UBND tỉnh. Qua đó, có nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động hiệu quả như HTX Mỹ Tịnh An, HTX chăn nuôi thủy sản Gò Công, HTX Phú Quới, HTX Đông Nghi, HTX Hưng Thịnh Phát, HTX Mỹ Lợi A…
Hoạt động kinh doanh của các HTX nông nghiệp đã góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất cho thành viên. Đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, những hợp tác nông nghiệp ở Tiền Giang cũng còn những hạn chế như quy mô nhỏ, liên kết sản xuất chưa bền vững, sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, hiệu quả hoạt động chưa cao.
Ông Châu Minh Hải, Giám đốc doanh nghiệp HK Green (TP Mỹ Tho) đơn vị đang liên kết với 16 HTX nông nghiệp ở Tiền Giang cho rằng điểm nghẽn nằm còn nằm ở nhiều HTX còn yếu về năng lực quản trị, tài chính, nhân lực trong vận động nông dân tham gia chuỗi liên kết.
HTX Mỹ Phong (TP Mỹ Tho) có 124 thành viên trồng 50ha trồng bưởi da xanh. HTX liên kết đầu vào cung cấp hàng năm khoảng 30 tấn vật tư với giá thấp hơn thị trường từ 3 - 5%. Cùng với đó, HTX tích cực tìm các đối tác liên kết đầu ra như siêu thị, chợ đầu mối tiêu thụ cho nông dân và thành viên với giá cao hơn thị trường từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Bà Trần Thanh Phong, Giám đốc HTX cho biết, quy mô của HTX còn hạn chế nên chưa tiêu thụ hết cho bà con. Năng lực tài chính hạn chế nên HTX cũng chưa đầu tư được nhà kho để sơ chế, bảo quản.
PGS.TS Nguyễn Phú Son, Trường Kinh tế - Đại học Cần Thơ nhận định mối liên kết giữa HTX với các thành phần liên kết trong chuỗi giá trị nông sản tại Tiền Giang nói riêng, cũng như ĐBSCL nói chung chưa thật sự bền vững. Theo ông, hai hệ lụy tồn tại dai dẳng trở thành điểm nghẽn lớn nhất cho việc tạo dựng một liên kết bền vững trong những năm qua là cả doanh nghiệp và HTX đều hướng đến lợi nhuận tối đa trong ngắn hạn, mang tính thương vụ hơn là dài hạn (tình trạng bẻ kèo). Đồng thời, các doanh nghiệp cũng không có được thị trường đầu vào ổn định về mặt chất lượng, số lượng cho nên không xây dựng được vùng nguyên liệu và thị trường đầu ra ổn định.
Do đó, PGS.TS Nguyễn Phú Son cho rằng, các bên cần thay đổi nhận thức và quan điểm liên kết dựa trên nguyên tác cùng chia sẻ rủi ro và lợi ích; tuân thủ triệt để những cam kết với nhau trong quá trình liên kết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần thay đổi phương thức đầu tư vật tư đầu vào và dịch vụ nông nghiệp cũng như định giá sản phẩm thu mua đối với các HTX nông nghiệp.
Ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, ngành tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách để nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, đoàn thể, các thành phần kinh tế và nhân dân về vai trò của HTX nông nghiệp, nhất là các HTX kiểu mới. Trong đó, tập trung thực hiện chương trình hỗ trợ HTX giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng được cụ thể hóa tại quyết định số 2848 của UBND tỉnh. Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng cho hợp tác nâng cao năng lực chế biến, bảo quản; đảm bảo hạ tầng logistics trong vùng sản xuất; tiếp tục hỗ trợ cán bộ trẻ về làm việc tại các HTX.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp Tiền Giang có 189 HTX với gần 47 nghìn thành viên và hơn 2 nghìn lao động, tổng vốn hoạt động trên 189 tỷ đồng, bình quân 1 tỷ đồng/HTX. Đặc biệt, trong số 177 sản phẩm OCOP được chứng nhận của Tiền Giang có 22 sản phẩm thuộc 15 chủ thể là HTX nông nghiệp, trong đó có 10 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm 3 sao. Hiện có 28 HTX nông nghiệp đang chủ trì các dự án liên kết tiêu thụ theo Nghị định 98 của Chính phủ. 59 HTX đạt chứng nhận VietGAP.
Minh Đảm - Kiều Nhi