Lấy ý kiến về chiến lược phát triển khuyến nông Việt Nam

Bình luận · 218 Lượt xem

HÀ NỘI Ngày 21/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia về dự thảo chiến lược phát triển khuyến nông Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Chiến lược phát triển khuyến nông là nhu cầu cấp thiết

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, hiện nay, công tác khuyến nông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân đổi mới và phát triển sản xuất nông nghiệp. Khuyến nông giúp nông dân tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, gia tăng thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo.

Những năm qua, công tác khuyến nông đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc xây dựng và triển khai chiến lược phát triển khuyến nông Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 là cần thiết và cấp bách. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc xây dựng và triển khai chiến lược phát triển khuyến nông Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 là cần thiết và cấp bách. Ảnh: Trung Quân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến nông vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: Cơ chế, chính sách hoạt động chưa đồng bộ, còn nặng về thủ tục hành chính; hệ thống tổ chức thiếu đồng bộ từ trung ương tới địa phương; hoạt động nặng về chuyển giao kỹ thuật, chưa chú trọng đến yếu tố kinh tế, thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống khu vực nông thôn, nâng cao năng lực nông dân. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của công tác khuyến nông. Năng lực cán bộ khuyến nông còn hạn chế, thiếu các kiến thức, kỹ năng quản lý, quản trị, chuyển đổi số…

Bên cạnh đó, việc chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao giúp nông dân bắt kịp đòi hỏi của thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá nông sản, phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững ngày càng trở nên cấp thiết.

Do đó, việc xây dựng và triển khai chiến lược phát triển khuyến nông Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 (chiến lược phát triển khuyến nông) là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong giai đoạn mới.

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp... Ảnh: Trung Quân.

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp... Ảnh: Trung Quân.

Trên cơ sở đó, dự thảo chiến lược phát triển khuyến nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống khuyến nông xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở, hướng đến nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, chất lượng cuộc sống và thu nhập của nông dân. Đa dạng hóa nội dung và phương thức hoạt động theo hướng xã hội hóa, phát triển khuyến nông điện tử. Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật góp phần tạo động lực chuyển đổi và phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, sẽ củng cố, mở rộng hệ thống khuyến nông nhà nước đảm bảo các địa bàn trên cả nước đều có tổ chức và cán bộ khuyến nông phụ trách. Phát triển khuyến nông cộng đồng đảm bảo 100% xã nông thôn mới có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả theo tiêu chí nông thôn mới. Phát triển lực lượng khuyến nông ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp.

Đến năm 2030, 100% tài liệu khuyến nông được số hóa, phổ biến rộng rãi đến nông dân và 100% cán bộ khuyến nông được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ khuyến nông. Nâng cao hiệu quả chuyển giao kỹ thuật trong hoạt động khuyến nông, xây dựng các mô hình khuyến nông kiểu mẫu gắn với sản phẩm chủ lực và liên kết theo chuỗi giá trị.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, góp ý nhằm hoàn thiện chiến lược phát triển khuyến nông. Ảnh: Trung Quân. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, góp ý nhằm hoàn thiện chiến lược phát triển khuyến nông. Ảnh: Trung Quân. 

Dự thảo chiến lược cũng xác định 8 định hướng phát triển khuyến nông trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: Khuyến nông đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo chiến lược phát triển của ngành; xây dựng, phát triển hệ thống khuyến nông; hình thành, phát triển khuyến nông số; phát triển khuyến nông vùng đặc thù và đối tượng đặc thù; phát triển khuyến nông đô thị; đẩy mạnh phân cấp trong hoạt động khuyến nông; phối hợp chặt chẽ công tác nghiên cứu, khuyến nông và đào tạo; hoàn thiện thể chế, chính sách về khuyến nông.

"Kim chỉ nam" cho hoạt động khuyến nông

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện chiến lược phát triển khuyến nông. Trong đó nhấn mạnh, chiến lược phát triển khuyến nông là dấu mốc quan trọng, giúp hệ thống khuyến nông Việt Nam có “kim chỉ nam” trong hoạt động, định vị lại vị trí, vai trò của mình, hướng tới phát triển lớn mạnh, trở thành kho kiến thức, trung tâm học liệu, kết nối thị trường cho người sản xuất, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa.

Nội dung của chiến lược cũng cần nhấn mạnh những bất cập, hạn chế mà hoạt động khuyến nông đang phải đối diện, thậm chí cả nguy cơ “đứt gãy” hệ thống. Từ đó sẽ thấy được vai trò quan trọng của chiến lược trong việc đưa ra những giải pháp, lộ trình dài hơi để tháo gỡ. Ngoài ra, nông nghiệp nói chung bao gồm 3 lĩnh vực chính là trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Do đó, trong cơ cấu tổ chức của hệ thống khuyến nông Việt Nam cũng cần bao gồm cả 3 lĩnh vực này.

Về địa bàn khuyến nông, nên thiết kế hệ thống khuyến nông đặc thù phù hợp cho các vùng khác nhau như đô thị, đồng bằng, miền núi, biên giới - hải đảo (bao gồm cả bộ máy, chính sách, thể chế, nội dung và phương pháp khuyến nông).

Chiến lược phát triển khuyến nông sẽ là dấu mốc quan trọng giúp hệ thống khuyến nông Việt Nam có 'kim chỉ nam' trong hoạt động, định vị lại vị trí, vai trò của mình. Ảnh: Trung Quân.

Chiến lược phát triển khuyến nông sẽ là dấu mốc quan trọng giúp hệ thống khuyến nông Việt Nam có “kim chỉ nam” trong hoạt động, định vị lại vị trí, vai trò của mình. Ảnh: Trung Quân.

Về đối tượng khuyến nông, nên chia đối tượng khuyến nông dựa trên mô hình nông nghiệp mà họ đang triển khai, gồm: Nhóm hộ gia đình sản xuất quy mô nhỏ, tự cung tự cấp; nhóm sản xuất trang trại quy mô vừa và nhỏ và nhóm các doanh nghiệp nông nghiệp và các trang trại lớn.

Về hình thức khuyến nông, ngoài các hình thức khuyến nông đã có, nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc hình thành các nhóm khuyến nông chuyên sâu. Ví dụ, một số nước chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu đã xây dựng các nhóm khuyến nông chuyên về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để nâng cao hiệu quả của công tác khuyến nông chuyên ngành, nhiều nước đã lập thêm các nhóm khuyến nông phi nông nghiệp, chuyên tư vấn cho nông dân về các lĩnh vực không hoặc ít liên quan đến nông nghiệp như xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản, phương pháp bán hàng trên không gian mạng, sức khỏe, bệnh tật và dinh dưỡng cho nông dân…

Về công tác lập kế hoạch trong khuyến nông, đây là nội dung quan trọng nên có trong nội dung dự thảo vì sẽ quyết định vai trò của khuyến nông trong sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung. Mặt khác, các kế hoạch cụ thể hàng năm hoặc giai đoạn vài năm sẽ phù hợp và thích ứng với những biến đổi khó lường của thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, chính trị... Bên cạnh đó, mỗi giai đoạn cần xác định nhóm khuyến nông trọng điểm để dành nguồn lực ưu tiên cho nhóm này.  

Bình luận