Du lịch gắn với nông nghiệp: Hướng thoát nghèo bền vững của Mù Cang Chải

Bình luận · 181 Lượt xem

Để đảm bảo sản xuất lẫn thu hút khách du lịch, chính quyền và người dân Mù Cang Chải phải có những quy hoạch bài bản, khoa học về nông lâm nghiệp

Là địa phương gắn liền với nông lâm nghiệp, một trong những câu hỏi lớn mà chính quyền huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) phải đi tìm lời đáp là làm thế nào để vừa có được những vùng sản xuất phát triển, tạo sinh kế ổn định cho đa phần người dân lại vừa có những khu vực phát triển du lịch, thu hút du khách nhằm nâng cao kinh tế, góp phần vào quá trình thoát nghèo bền vững.

 

Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải thừa nhận, đây là một vấn đề tương đối khó trong quá trình thực hiện trên địa bàn. Nguyên nhân, theo bà Xuyến là do huyện có nhiều diện tích ruộng bậc thang và vấn đề nước tưới cho hệ thống này chưa thể giải quyết triệt để.

 

Do đó, chính quyền huyện đã phải tính toán, xây dựng những quy hoạch để phân chia thành cách vùng trồng cây nông nghiệp, lâm nghiệp gắn với du lịch để làm sao vừa phát triển nhanh, vừa có tính bền vững và đem lại thu nhập tốt, giúp bà con thoát nghèo.

 

"Cụ thể, khi phân chia thành các phân khu nông nghiệp và lâm nghiệp, huyện Mù Cang Chải xác định ruộng bậc thang vẫn là nguồn sống, nguồn cung cấp lương thực chính của bà con, vẫn phải làm lúa 2 vụ", bà Lương Thị Xuyến nhấn mạnh.

 

 

Theo đó, ở những nơi có nguồn nước thuận lợi, thủy lợi đảm bảo, huyện sẽ bố trí cho bà con sản xuất lúa 2 vụ/năm để đảm bảo an ninh lương thực. Bên cạnh đó là xây dựng những vùng sản xuất sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương.

 

Bà Xuyến cho biết, ở Khau Phạ, Nậm Có, người dân trồng lúa nếp Tan và nếp Tan Khau Phạ, hiện nay đã trở thành sản phẩm OCOP nổi tiếng của địa phương. Bên cạnh đó, gạo Séng Cù cũng được quy hoạch để sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng, sản lượng phục vụ người tiêu dùng.

 

Ngoài lúa gạo, một số ngũ cốc khác cũng được quy hoạch tập trung, ví dụ như ở xã Hồ Bốn sẽ sản xuất lạc đỏ và ngô tí hon. Đây là những nông sản rất nổi tiếng, hấp dẫn du khách thập phương, thường được thu hoạch vào tháng 6 - 7 hàng năm.

 

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, các loại cây dược liệu phát triển kinh tế dưới tán rừng được huyện Mù Cang Chải quy hoạch tại một số xã như Nậm Khắt, Dế Su Phình và Púng Luông, chuẩn bị cho dự án phát triển cây dược liệu quy mô lớn trong thời gian tới.

 

Với các cánh rừng nguyên sinh, nơi thực hiện công tác bảo tồn loài và sinh cảnh, huyện dự kiến sẽ xây dựng chương trình du lịch phù hợp, hấp dẫn những du khách yêu thiên nhiên, ưa phám phá.

 

Quay trở lại với hệ thống ruộng bậc thang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, ở những khu vực gặp khó khăn trong thủy lợi, khi vào mùa khô bà con sẽ được hướng dẫn để trồng rau màu, đặc biệt là các loài hoa ngắn ngày để có thể thay thế lúa trong việc thu hút khách du lịch.

 

Với những quy hoạch bài bản, khoa học và chi tiết như vậy, chính quyền huyện Mù Cang Chải kỳ vọng, khi đưa vào triển khai sẽ thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia, góp phần phát triển du lịch và mang lại ấm no cho bà con nhân dân.

 

Hiện nay, mục tiêu của huyện Mù Cang Chải là đến năm 2025 trở thành huyện du lịch và cũng vào mốc thời gian này cơ bản không còn là huyện nghèo và đến 2023 thoát khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước.

 

Có thể thấy, để đạt được các mục tiêu này cần phải thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ. Do đó, cần đến sự vào cuộc của cả hệ thống với những giải pháp đồng bộ, bài bản.

 

Vài năm trở lại đây, lượng khách đến Mù Cang Chải tăng cao, riêng trong năm 2022, huyện Mù Cang Chải đón và phục vụ trên 350.000 lượt khách. Trong năm 2023, ước tính lượng du khách đến đây đạt gần 300.000 lượt, doanh thu đạt gần 300 tỷ đồng. Nguồn thu từ du lịch góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Thời gian qua, du lịch phát triển đã giúp đồng bào người Mông ở Mù Cang Chải tự tạo thu nhập từ nhiều công việc mở homestay, biểu diễn văn nghệ, hướng dẫn viên bản địa, bán nông sản… Bên cạnh đó, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào Mông thay đổi tư duy, cách làm, mạnh dạn đầu tư du lịch cộng đồng.

 

Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, huyện đã hỗ trợ thành lập 2 tổ tự quản thu gom rác thải, mở 2 lớp truyền dạy biểu diễn khèn Mông, thành lập mới 19 đội văn nghệ và tổ hợp tác may thêu trang phục truyền thống…

 

Hiện nay, chính quyền huyện đang tập phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng tăng tỷ lệ nghề phi nông nghiệp, nhất là những nghề phục vụ cho phát triển du lịch như hướng dẫn viên du lịch, nấu ăn, nghiệp vụ nhà hàng khách sạn, lễ tân...

 

 

Tùng Đinh

Bình luận